Theo công bố mới nhất của Cơ quan điều tra tỉnh Quảng Ninh, Nguyễn Duy Vường, nguyên giám đốc Công ty CP Xuất nhập khẩu 29 Hà Nội đã khai, thời điểm đầu và giữa năm Công ty của Vường nhập nguồn cồn nguyên liệu để sản xuất rượu từ một số doanh nghiệp có uy tín như: Công ty bia rượu Đồng Xuân Hà Nội, Bình Tây, Vi Gơ ...
Nhưng do thời điểm cuối năm, rượu nếp 29 Hà Nội tiêu thụ mạnh nên từ ngày 28.10 đến 19.11.2013, Vường đã nhập 18.000 lít cồn của Lưu Thị Thu Hà ở quận Hai Bà Trưng (Hà Nội).
Cơ quan điều tra cũng cho biết, đối tượng Hà chỉ là người môi giới mua lại cồn của Công ty TNHH Hoá chất và Thiết bị y tế Thuận Phát (trụ sở tại 34, ngõ 330 Nguyễn Trãi, phường Thanh Xuân Trung, Hà Nội).
Bản thân Công ty Thuận Phát chỉ là công ty thương mại, không sản xuất được cồn mà mua lại của Công ty TNHH cồn Hiệp Thông (trụ sở tại xã Xuân Phương, Từ Liêm, Hà Nội)…
Mọi giao dịch làm ăn giữa các công ty chỉ trên điện thoại nên Hà đã bán cho Vường tổng số 15.300 lít cồng công nghiệp chứa nhiều tạp chất chủ yếu được dùng trong công nghiệp in, công nghiệp điện tử, dệt may, chế phẩm đánh bóng vécni để pha chế rượu nếp 29 Hà Nội.
Theo một cán bộ Chi cục ATVSTP thì từ lời khai này cơ quan chức năng so sánh số lượng rượu đã sản xuất, số cồn công nghiệp đã thu được để đối chiếu xem lượng cồn đã pha thành rượu tung ra thị trường là bao nhiêu để tiếp tục thu hồi và cảnh tỉnh cho người dân.
Cán bộ này cũng lưu ý, trước thông tin công bố rộng rãi nhiều người đã nhập rượu này về, tâm lý tiếc của có thể xé nhãn mác hoặc thay nhãn mác hoặc chuyển sang loại chai rượu khác để tiếp tục bán ra ngoài, nhất là những nơi vùng sâu vùng xa.