Alzheimer hay chứng sa sút trí tuệ được hiểu là hiện tượng các tế bào não bị chết dần ở vùng chuyên về chức năng trí nhớ, sau đó lan dần ra các vùng não chức năng khác, gây ảnh hưởng chức năng ngôn ngữ, lập kế hoạch, ra quyết định, tập trung chú ý, thị giác không gian, kiểm soát hành vi… khiến người bệnh mất dần khả năng độc lập trong sinh hoạt hằng ngày và cần phải có người hỗ trợ.
Đa dạng phương thức điều trị
Theo bác sĩ CKII Tống Mai Trang (Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM), cách tốt nhất để điều trị Alzheimer hiện nay là phối hợp giữa điều trị dùng thuốc và không dùng thuốc để làm chậm diễn tiến của bệnh, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người bệnh.
Theo TS.BS Trần Công Thắng, điều trị dùng thuốc tập trung vào hai nhóm thuốc cải thiện triệu chứng cho người bệnh Alzheimer gồm thuốc ức chế men Cholinesterase và thuốc tác động NMDA. Ngoài ra, chiết xuất chuẩn hoá từ lá bạch quả cũng được Hội Tâm thần sinh học Hoa Kỳ khuyến cáo phối hợp điều trị trong bệnh Alzheimer.
Các phương pháp điều trị không dùng thuốc đa dạng hơn, bao gồm: Kích thích nhận thức (tham gia các hoạt động thảo luận nhóm, chơi ô chữ, nhạc cụ… để kích thích suy nghĩ, trí nhớ); Tập luyện nhận thức (các bài tập theo từng chức năng nhận thức như trí nhớ, tính toán, thị giác…); Phục hồi nhận thức (rèn luyện lại các hoạt động nhận thức bị khiếm khuyết); Kích thích từ trường xuyên sọ (kỹ thuật kích thích vỏ não qua một cuộn cảm từ trường đặt trên da đầu, không xâm lấn, không gây đau).
Tuy nhiên, phương pháp hiệu quả nhất vẫn là "phòng bệnh hơn chữa bệnh". BS CKII Tống Mai Trang khuyến nghị người có nguy cơ nên kiểm soát các bệnh lý ảnh hưởng xấu đến mạch máu (tăng đường huyết, béo phì, rối loạn lipid máu…); tập thể dục tối thiểu 90 phút/tuần (đi bộ, chạy bộ, đạp xe đạp…); điều trị rối loạn lo âu, trầm cảm; duy trì chế độ dinh dưỡng và lối sống khoẻ mạnh (không rượu bia, thuốc lá, ăn nhiều rau, trái cây, ngũ cốc…). Để làm chậm sự lão hóa cho bộ não hoặc sửa chữa sớm bộ não do các bệnh lý thoái hóa thần kinh gây ra chúng ta phải thường xuyên hoạt động trí óc với các hoạt động phong phú, đa dạng để kích hoạt được nhiều vùng não.
Nỗ lực nâng cao năng lực điều trị Alzheimer
Bên cạnh việc tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người bệnh về các phương pháp phòng và chữa bệnh Alzheimer, các bác sĩ và tập đoàn dược lớn cũng đang đẩy mạnh việc nâng cao năng lực điều trị sa sút trí tuệ tại Việt Nam. Trong đó, Công ty Eisai Việt Nam, thành viên của Tập đoàn Eisai Nhật Bản là một trong những nhân tố tích cực trong hoạt động này. Với lịch sử hơn 80 năm, Eisai sở hữu vị thế trên thế giới trong lĩnh vực điều trị ung thư và sa sút trí tuệ.
Ngày 02/07/2022 vừa qua, Eisai Việt Nam đã tài trợ cho chương trình "Thực hành chẩn đoán và điều trị bệnh sa sút trí tuệ" thực hiện tại Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM. Chương trình nhằm mục đích đào tạo cho người tham gia về các Bài kiểm tra Đánh giá Nhận thức, nâng cao năng lực phát hiện sớm bệnh sa sút trí tuệ.
Eisai Việt Nam cũng là Nhà tài trợ Kim cương cho Hội nghị Thần kinh học Quốc gia tổ chức tại Đà Nẵng từ ngày 12/08 đến 14/08/2022. Bên cạnh đó, đơn vị cũng đồng hành cùng các chuyên gia trong những buổi điều trị sa sút trí tuệ và động kinh. Hội nghị đã thu hút gần 600 bác sĩ thần kinh trên toàn quốc tham gia.
Các hoạt động kể trên là một phần trong thoả thuận hợp tác giữa Hội Thần kinh học Việt Nam và Eisai Việt Nam giai đoạn 2022-2025. Hai bên đã ký biên bản ghi nhớ vào tháng 5/2022 nhằm nâng cao năng lực chẩn đoán và chất lượng điều trị cho bệnh nhân Alzheimer nước ta. Trong đó, Hội Thần kinh học đóng vai trò tham vấn, tổ chức các hoạt động cộng đồng và chuyên môn.
(hhc human health care – đồng hành cùng bệnh nhân Alzheimer).