Phân dơi có nhiều mắt muỗi, ở trong đêm tối sáng nhấp nháy như hạt cát nên gọi là dạ minh sa. Dạ minh sa là vị thuốc khá phổ biến trong Đông y.
Về thành phần hóa học, dạ minh sa có urê, acid uric, vitamin A và xác mắt muỗi. Theo Đông y, dạ minh sa vị cay mặn, tính hàn; vào kinh can. Có tác dụng tán ứ tiêu tích, thanh can minh mục. Chữa các bệnh về mắt (thong manh, quáng gà); chấn thương do té ngã, cam tích, kinh phong. Liều dùng: 4- 12g.
Mát gan, sáng mắt. Trị nhiệt ở gan, mắt kéo mộng, thong manh, mắt mờ.
Bài 1: dạ minh sa, trắc bách diệp, liều lượng bằng nhau, nghiền thành bột, dùng mật bò làm hoàn. Trước khi đi ngủ, lấy lá tre sắc uống với 20g thuốc hoàn. Trị thong manh.
Bài 2: dạ minh sa 5g (sắc bao), cốc tinh thảo 6g, quyết minh tử 10g, mật mông hoa 6g, cam thảo 3g. Sắc uống. Trị thong manh, quáng gà, mắt khô, mờ.
Bài 3: dạ minh sa 20g, thạch quyết minh 20g, gan lợn 80-100g. Nấu bằng nước vo gạo. Ăn gan lợn và uống nước. Trị quáng gà.
Bài 4: dạ minh sa 8g, cáp xác phấn 8g, cốc tinh thảo 8g, gan lợn 80g. Nấu kỹ, ăn gàn và uống nước. Chữa mắt có màng mộng.
Hoạt huyết, tan tích. Trị cam tích, huyết ứ gây đau.
Bài 1: dạ minh sa 16g, hồ hoàng liên 8g, long đởm thảo 8g, vỏ lụa rễ xoan 8g, cóc khô 2 con (thiêu tồn tính), lô hội 5 ly, thanh đại 5 ly, xạ hương 5 ly (tán riêng). Nghiền chung thành bột mịn, trộn với xạ hương, làm hoàn hồ, viên bằng hạt gạo. Ngày uống 2 lần, mỗi lần 10-15 viên. Trị các chứng cam, bụng to, mắt díp, ngủ nhiều.
Bài 2: dạ minh sa 20g, mai mực 16g, thanh đại 12g, mộc miết tử 12g, sử quân tử 8g, nga truật 8g, cốc tinh thảo 8g. Mộc miết tử bỏ vỏ lấy nhân sao cháy; sử quân tử bỏ vỏ lụa, cắt hai đầu sao vàng. Các vị sao vàng, tán bột, làm viên bằng hạt đỗ xanh. Trẻ em 1-3 tuổi, mỗi lần uống 15 viên; 4-7 tuổi 20-30 viên; 8-12 tuổi 30-40 viên; uống với nước cơm hay nước ấm. Chữa trẻ em cam tích da xanh gầy còm, bụng ỏng, mắt nhiều dử, hôi mồm, phân có mùi khẳn. Không dùng cho trẻ hư hàn, ăn không tiêu, tiêu chảy.
Kiêng kỵ: Phụ nữ có thai kiêng dùng. Người tỳ vị hư hàn không nên dùng.