Tôi quen biết Nguyễn Tấn On đã lâu, khi tôi bắt đầu cộng tác cho tạp chí Áo Trắng (do NXB Trẻ và báo Tuổi trẻ phối hợp thực hiện), thời điểm đó Nguyễn Tấn On đã có nhiều thơ in trên Áo Trắng. Đến nay, anh đã cho ra đời 9 tập thơ. Thơ của anh đa dạng về đề tài, như: viết về lứa tuổi học sinh, sinh viên, về tình yêu, về Đà Lạt nơi anh làm việc hiện nay và quê hương Quảng Ngãi của anh. Nhưng ấn tượng của tôi hơn cả là Nguyễn Tấn On viết về mẹ, đây là đề tài mà trong 8 tập thơ trước của anh đều có với số bài không ít. Với tập thơ thứ chín Đà Lạt tôi, thơ anh vẫn dành cho mẹ: Mẹ dành cho cái củ khoai/Bẻ đôi con cắn loay hoay nghẹn này/Ra vườn gom lá chiều nay/À ơi sợi khói khói bay thơm làng (Khói à ơi bay).
Bìa tập thơ Đà Lạt tôi.
Cái nghẹn ngào tình mẹ trong thơ Nguyễn Tấn On không chỉ là củ khoai, củ sắn trong những thời kỳ khó khăn gian khổ, mà còn là sợi khói trong mái tranh nghèo của bếp lửa chiều hôm mong mỏi đứa con xa quê trở về, dù đó là mùa xuân hay là những ngày đông buốt giá. Cái tình mẹ ấy không chỉ lúc mẹ còn sống mà vẫn thao thiết khi mẹ không còn nữa:
Tôi lóng cóng chạy giữa chiều gió vấp
Một bó hoa tặng mẹ dẫu muộn màng…
Em quỳ khóc như chưa được khóc
Tôi mủi lòng rưng rức trước mộ bia
(Hoa phụ nữ)
Sự muộn màng của người con hay của nàng dâu trong thơ Nguyễn Tấn On làm cho bao người sực tỉnh. Khi mẹ còn sống chúng ta đã bao lần quên mẹ, đến khi mẹ không còn nữa thì lại bùng nhớ. Dù đó là lời hối lỗi muộn màng, nhưng ở nơi xa xăm nào đó có lẽ người mẹ phần nào được an ủi. Vì đã trải qua những tâm trạng như thế nên trong thơ của Nguyễn Tấn On có điều khác biệt với những nhà thơ khác khi viết về nhạc mẫu của mình và đây là một trong rất ít những tác giả đã viết được như vậy: Ngoài kia trời đã vào đông/Còn vạt nắng đẹp hàng thông trước nhà/Dã quỳ bung nụ ra hoa/Mẹ ơi mặc ấm kẻo mà lạnh thân (Mẹ ơi! Trời đã vào đông).
Lời thơ rất đơn sơ, mộc mạc nhưng tác giả đã nói lên được điều mà nhiều người muốn nói, nhưng rất khó nói, mà nhiều khi không khéo nói ra lại rơi vào sự giả tạo. Nếu lo cho mẹ ruột như thế cũng là bình thường, nhưng với mẹ vợ mà lo như thế thì trên đời này không phải ai cũng làm được. Nhưng để trả lời cho cái tình đó là sự hàm ơn sâu sắc, mà nhờ mẹ đã mang lại cho mình đóa hoa luôn tươi thắm, đong đầy trong ngôi nhà hạnh phúc:
Mẹ ơi đưa tay con cầm
Xin cảm ơn mẹ nỗi trầm luân qua
Mẹ sinh ra một đóa hoa
Con mang về cắm trong nhà ngát hương
(Mẹ ơi!Trời đã vào đông)
Đóa hoa ấy là đóa hoa của mẹ, cũng là hoa của đất trời ban tặng cho Nguyễn Tấn On mà trong Đà Lạt tôi luôn xuất hiện. Với Đà Lạt nếu không mimosa, không hoa dã quỳ, hay không có rừng thông thì đâu còn là Đà Lạt nữa. Dã quỳ là một loài hoa dại mà khi mỗi du khách đặt chân vào Đà Lạt thì nhận biết ngay. Cứ mỗi mùa đông khi du khách nhìn thấy những cây thông khi xe qua khỏi đèo Bão Lộc cùng với sự thay đổi không khí từ nóng sang lạnh, cùng với màu vàng rực của hoa dã quỳ ở hai bên đường, thì đó là báo hiệu chúng ta sắp đặt chân đến xứ sở mộng mơ này: Đà Lạt tôi về/Rơi nỗi nhớ/Hỡi mùa đông dã quỳ rực rỡ…/Ghế ngồi còn ấm bên khung cửa/Phấn thông bay khắp núi đồi (Mùa đông - dã quỳ).
Hỡi mùa đông và cứ mỗi mùa đông tôi thường về Đà Lạt với nhiều kỷ niệm.Và khi về đến miền đất thơ mộng này mà không gặp bạn thơ, không cùng ly rượu thì như thiếu điều gì đó. Mỗi lần gặp nhau, Nguyễn Tấn On rất nhiệt tình, cùng ca hát, đọc thơ và uống rượu. Sau nhiều lần gặp gỡ bạn bè từ phương xa đến, Nguyễn Tấn On cùng tâm sự:
Bạn háo hức lên chơi với núi
Ngỡ ngàng núi có tình nhân
Lủi thủi ôm đàn nghêu ngao hát
Cõng buồn xuống núi lặng thinh
(Bất chợt mưa phía núi)
Với mẹ hiếu nghĩa như thế, với bạn nặng tình như vậy, còn trong tình nhân của Đà Lạt tôi thì ẩn chứa nhiều nỗi niềm:
Đưa tay tôi ôm vết trầy
Từ con tim nhỏ đã gầy nắng mưa
Đưa tay tôi nắm ngày xưa
Cuộc tình năm ấy cũng vừa thôi nôi
(Thôi nôi tình)
Cuộc tình vừa thôi nôi là thế nào nhỉ? Kỷ niệm cuộc tình vừa tròn một năm hay một năm sau cuộc chia ly. Cuộc tình khi còn nằm trong nôi là cuộc tình gì mà tác giả thổn thức như vậy:
Gọi em khản giọng phố hoa
Đẫm cơn mưa núi ướt Đà Lạt tôi
Tạt vào quán cũ xưa ngồi
Cà phê bỗng nghẹn phía đồi mù mưa.
(Cơn mưa phố núi và tôi)
Những lời lẽ nghẹn ngào bởi sự chia tay mối tình, hóa ra sự thôi nôi ấy là kết thúc một tình yêu rất đẹp và buồn, như: đôi tình nhân dìu nhau đi trong mưa trên phố thị Dran, những ánh nhìn đắm đuối bên hồ Xuân Hương thơ mộng, hay cùng trên chiếc xe thổ mộ đi qua đèo Prenn xuôi về Đơn Dương. Đó cũng là những đêm tắm trăng thơm lừng mùi hương phong lan với những hàng thông cất lên tiếng thì thầm câu hát… Phải chăng đó là mối tình rất đẹp của sơn nữ ở đỉnh Lang Biang đầy huyền thoại, để rồi trong tiếng nghèn nghẹn của ly cà phê với sự ra đi đầy nuối tiếc: Biết rằng em đi lấy chồng/Trên cao nguyên lạnh gió lồng lộng bay/Bất ngờ tôi đến nơi này/Gặp hai chiếc bóng của ngày quê xưa (Nhớ nắng). Và:
Một nỗi buồn thế kỷ
Thôi mà em về đi
Một cuộc tình hoang phí
Thôi mà em tiếc gì
(Đêm cháy buồn tiễn nhau)
Thôi mà em tiếc gì đó là cách nói thôi, chứ sự chia tay nào chẳng đau đớn, chẳng day dứt. Với 63 bài thơ trong Đà Lạt tôi có khoảng 40 bài viết về Đà Lạt. Với lối viết truyền thống, ngôn từ đơn giản dễ đi vào lòng người. Nguyễn Tấn On đã vẽ lên một Đà Lạt có nhiều màu sắc. Với dấu ấn của những thâm tình, trong đó tình mẹ được Nguyễn Tấn On ưu ái nâng niu hơn cả. Và khiêm tốn khi nói về thơ mình: Nầy thơ tôi đứng mép rìa/Phiêu bồng từ cõi mộ bia bước về…/ Tay ai vò chữ buốt tê/ Tay người gom nắng tràn trề xuân thơm làm cho người viết ngẫm ngợi đến tận cùng sự tái sinh của thơ. Và tạo nên đặc sắc về Đà Lạt trong thơ của Nguyễn Tấn On.
Ngày 9/5/2018