Viêm da cơ địa là gì?
Viêm da cơ địa hay còn gọi là chàm sữa, chàm thể trạng, eczema… Viêm da cơ địa là một bệnh lý viêm da mạn tính, có tính chất bùng phát theo từng đợt nhất là khi thời tiết hanh khô. Bệnh xuất hiện ở tất cả các độ tuổi từ trẻ sơ sinh đến người lớn tuổi.
Biểu hiện của viêm da cơ địa
Triệu chứng đặc trưng nhất là ngứa và viêm da. Tuy nhiên với mỗi đối tượng, vị trí xuất hiện các tổn thương lại khác nhau:
Với trẻ nhỏ (dưới 2 tuổi): Vị trí thường gặp là 2 bên má, đôi khi lan đến trán, cổ và có thể toàn thân. Với trẻ trên 2 tuổi và người lớn: Vị trí thường ở kheo, nếp gấp khuỷu tay, cẳng tay...
Viêm da cơ địa có lây không? Viêm da cơ địa không phải là bệnh truyền nhiễm nên không thể lây từ người này qua người khác. Do vậy mọi người có thể yên tâm khi tiếp xúc với người bị viêm da cơ địa, đặc biệt là những người trực tiếp chăm sóc cho bệnh nhân viêm da cơ địa.
Chăm sóc người bệnh viêm da cơ địa vào mùa đông
Tuy không có khả năng lây qua người khác khi tiếp xúc, nhưng viêm da cơ địa lại có thể lan rất nhanh từ vùng da này sang vùng da khác trên cơ thể của người bệnh. Viêm da cơ địa nếu không điều trị kịp thời và đúng cách sẽ trở nặng hơn và dễ dẫn đến các biến chứng như viêm da cơ địa bội nhiễm gây tổn thương sâu, đau đớn.
Ngoài ra những vi khuẩn bội nhiễm như tụ cầu, liên cầu… thường có khả năng kháng nhiều loại kháng sinh khiến việc điều trị thêm nhiều khó khăn. Với nhiều người bệnh, viêm da bội nhiễm khiến nhiều người sợ hãi, ám ảnh.
Chính vì sự nguy hiểm này, người bệnh cần điều trị bệnh đúng cách, kịp thời, ngay từ khi thấy những dấu hiệu đầu tiên. Ngoài ra, người bệnh cần chú ý phòng, ngừa bệnh cũng như tránh các tác nhân gây ra viêm da cơ địa để hạn chế nguy cơ tái phát.
Với người bị viêm da cơ địa, người bệnh cần xác định đây là bệnh mạn tính, thường tái phát thành các đợt khác nhau. Bệnh thường trở nặng vào mùa hanh khô nên người bệnh cần chú ý chế độ ăn uống và chăm sóc nhất là vấn đề dưỡng ẩm. Bởi chất dưỡng ẩm là điều trị căn bản (điều trị nền) trong xử trí mọi giai đoạn của bệnh viêm da cơ địa.
- Bôi dưỡng ẩm ngay sau khi tắm giúp khóa ẩm và bôi bất cứ khi nào cảm thấy da khô, để da luôn đủ ẩm, tạo hàng rào bảo vệ da với môi trường bên ngoài. Nên lựa chọn chất dưỡng ẩm đã được nghiên cứu và công bố với mức độ chứng cứ rõ ràng về hiệu quả điều trị, đặc biệt là trên trẻ em; an toàn khi sử dụng lâu dài; chứa hoạt chất có tính chống viêm, giảm ngứa.
- Không nên sử dụng dưỡng ẩm, và các sản phẩm chăm sóc da có mùi thơm, vì hương thơm có thể làm cho bệnh bùng phát.
- Kiểm tra tất cả các sản phẩm chăm sóc da mới trước khi sử dụng bằng cách bôi vào mặt trong cánh tay khoảng 7-10 ngày, nếu không bị kích ứng, mẩn đỏ, ngứa… thì có thể sử dụng được.
- Vệ sinh cơ thể sạch sẽ, đặc biệt sau khi đổ nhiều mồ hôi, cần giữ cho vùng da thương tổn được khô ráo. Tuy nhiên không nên tắm rửa quá nhiều lần một ngày không nên tắm quá lâu, không nên tắm nước quá nóng mà nên tắm bằng nước ấm vừa phải, thời gian tắm vừa phải khoảng 5-10 phút. Đặc biệt không tắm lá, không tắm muối, không tắm các loại thảo dược vì có thể làm nặng thêm bệnh.
- Cắt ngắn móng tay và giữ cho tay sạch sẽ, tuyệt đối tránh cào gãi lên vùng da tổn thương vì có thể làm da trầy xước, chảy máu, làm tăng nguy cơ bội nhiễm khiến cho tình trạng bệnh trở nên nghiêm trọng hơn.
- Không nên dùng kéo dài các thuốc chứa corticoid bởi dùng kéo dài có thể dẫn tới các tác dụng phụ như da khô, teo da, rạn da, và các tác dụng phụ toàn thân khác... Cần sử dụng đúng theo chỉ định của bác sĩ.
- Người bệnh tuyệt đối không được tự ý mua thuốc chống dị ứng, cần uống theo toa của bác sĩ.
- Sử dụng cố định loại nước hoa, mỹ phẩm, xà phòng tắm gội dịu nhẹ, phù hợp với da và đọc kĩ thành phần tránh gây kích ứng cho da.
- Tránh xa các chất tẩy rửa như xà phòng, nước rửa chén… cũng như tránh các tác nhân dị ứng như khói bụi, lông súc vật, một số thực phẩm dễ gây dị ứng…
- Vệ sinh phòng ngủ và nhà cửa thường xuyên để giảm số lượng mạt bụi và các loại nấm mốc có thể gây bệnh.
- Mặc quần áo thoáng mát, vải cotton 100%, mỏng trong thời tiết nóng, không mặc quần áo bó sát. Về mùa đông không dùng đồ len dạ trực tiếp trên da, mà nên mặc áo có chất liệu cotton, mềm mịn bên trong, đồ len dạ bên ngoài.
- Sử dụng bột giặt không có mùi thơm, tránh mặc quần áo có thuốc nhuộm.
- Nên giặt quần áo mới trước khi mặc.
- Loại bỏ nhãn mác trước khi mặc quần áo mới.
- Với trẻ em cần che các đường may trên quần áo.
- Sử dụng khăn và ga trải giường 100% cotton cũng có thể giảm cơn bùng phát.
- Bảo vệ làn da khỏi nhiệt độ khắc nghiệt, lạnh quá có thể làm khô da, nóng quá làm ra mồ hôi, khiến bệnh bùng phát.
- Tìm nguyên nhân, việc tìm ra nguyên nhân sẽ giúp tránh được các tác nhân, giảm bùng phát.
- Một điều quan trọng nữa là bệnh nhân cần đi khám bác sĩ chuyên khoa da liễu để có phác đồ điều trị, và kế hoạch chăm sóc da chuẩn khi bệnh bùng phát. Bằng cách tuân thủ phác đồ điều trị và kế hoạch chăm sóc da chuẩn, hầu hết bệnh nhân đều giảm bớt các triệu chứng và giảm các đợt bùng phát.
Xem thêm video được quan tâm:
Những lưu ý cho người viêm da cơ địa khi trời nắng nóng | SKĐS