Da khô ngứa khi thời tiết lạnh, cẩn thận với viêm da cơ địa

25-11-2024 06:05 | Phòng mạch online
google news

SKĐS - Viêm da cơ địa là bệnh lý không lây nhiễm nhưng lại gây khó chịu trong sinh hoạt hàng ngày của người bệnh. Bệnh thường tái phát khi thời tiết lạnh, hanh khô.

Hỏi: Con tôi năm nay 2 tuổi, khi thời tiết lạnh hai bên má của con tôi thường bị khô, ngứa. Đây là biểu hiện của bệnh gì và tôi cần làm gì để khắc phục tình trạng này? (Nguyễn Thị T - Nghệ An).

Theo ĐDCKI Đoàn Thị Thu Hằng (Khoa Da liễu – Bệnh viện 19-8), những biểu hiện trên có thể là do viêm da cơ địa hay còn gọi là chàm thể tạng, chàm sữa… Đây là một bệnh lý viêm da mạn tính và có nguy cơ tái phát theo đợt đặc biệt là khi thời tiết lạnh, hanh khô. Bệnh có thể xuất hiện ở nhiều lứa tuổi từ trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ cho tới người lớn.

Viêm da cơ địa có lây không?

Một trong những biểu hiện viêm da cơ địa trẻ em là viêm da và ngứa. Tùy thuộc vào độ tuổi sẽ xuất hiện các vị trí tổn thương khác nhau.

Da khô ngứa khi thời tiết lạnh, cẩn thận với viêm da cơ địa- Ảnh 1.

Viêm da cơ địa trẻ em thường gây ra những tổn thương ở hai má, trán và cổ.

Trẻ dưới 2 tuổi: Vị trí tổn thương thường gặp nhất sẽ ở 2 bên má hoặc lan sang trán, cổ thậm chí toàn thân.

Trẻ trên 2 tuổi và người lớn: Vị trí tổn thương thường ở các nếp gấp, cẳng tay, khuỷu tay, khoeo chân...

Viêm da cơ địa có lây không? Nhiều người cho rằng viêm da cơ địa là bệnh lý ngoài da và có thể lây nhưng đây là quan niệm sai lầm. Viêm da cơ địa không thể lây từ người bệnh sang người lành. Mọi người hoàn toàn có thể yên tâm khi chăm sóc trực tiếp cho người bị viêm da cơ địa.

Viêm da cơ địa bôi thuốc gì?

Viêm da cơ địa không lây từ người này qua người khác nhưng có thể lây từ các vùng da trên cơ thể rất nhanh nếu không điều trị kịp thời và đúng cách. Thậm chí có thể gây ra những biến chứng khiến người bệnh bị đau đớn do bội nhiễm, tổn thương sâu.

Người bệnh viêm da cơ địa cần lưu ý điều trị bệnh đúng cách và kịp thời ngay khi có những dấu hiệu tái phát. Những lưu ý trong sinh hoạt hàng ngày dưới đây sẽ giúp người bệnh viêm da cơ địa hạn chế được nguy cơ tái phát khi thời tiết lạnh, hanh khô:

  • Khóa ẩm bằng cách bôi kem dưỡng ẩm ngay sau khi tắm hoặc bất kỳ khi nào thấy da khô. Người bệnh cần để da luôn đủ ẩm giúp tạo ra hàng rào bảo vệ da khỏi tác động của môi trường bên ngoài. Nên lựa chọn kem dưỡng ẩm theo lời khuyên của bác sĩ để đảm bảo an toàn khi dùng lâu dài, đặc biệt là khi dùng cho trẻ em.
  • Không dùng kem dưỡng ẩm có mùi thơm vì có thể tăng nguy cơ tái phát bệnh.
  • Với những sản phẩm chăm sóc da mới, cần thử phản ứng của cơ thể bằng cách bôi vào các vị trí mặt trong cánh tay và theo dõi 7-10 ngày để xem có xảy ra phản ứng mẩn đỏ, ngứa, kích ứng… hay không.
Da khô ngứa khi thời tiết lạnh, cẩn thận với viêm da cơ địa- Ảnh 2.

Viêm da cơ địa thường tái phát khi thời tiết chuyển mùa lạnh, hanh khô.

  • Cắt ngắn móng tay đặc biệt là với trẻ nhỏ chưa nhận thức được việc gãi, cào vùng da tổn thương khiến da xước, chảy máu… từ đó làm tăng nguy cơ bội nhiễm.
  • Khi bị viêm da cơ địa, người bệnh có thể bôi một số loại thuốc histamin chống ngứa hoặc corticoid ngắt quãng. Tuy nhiên người bệnh không dùng các loại thuốc bôi có chứa corticoid kéo dài vì có thể gây ra các tác dụng phụ toàn thân, teo da, khô da… Các loại thuốc cần dùng theo đúng chỉ định của bác sĩ.
  • Vào mùa lạnh, người bệnh không nên tắm nước quá nóng, nên tắm bằng nước ấm và thời gian tắm nên duy trì ở khoảng 5-10 phút. Nhiều người thường dùng các loại lá tắm để chữa viêm da cơ địa nhưng điều này hoàn toàn không nên vì có nguy cơ khiến bệnh nặng thêm.
  • Lựa chọn quần áo thoáng mát và không mặc bó sát. Vào mùa lạnh không nên mặc đồ len, dạ. Không dùng bột giặt có mùi thơm hoặc dùng quần áo có sử dụng thuốc nhuộm. Tốt nhất nên giặt quần áo mới trước khi mặc và loại bỏ nhãn mác. Với trẻ em cần lưu ý loại bỏ những đường may trên quần áo. Ngoài ra nên lựa chọn chăn, ga, gối có chất liệu cotton để hạn chế nguy cơ bùng phát.
  • Bảo vệ da nếu đi ra ngoài vào thời tiết lạnh.

Quan trọng hơn hết, người bệnh viêm da cơ địa cần được thăm khám bởi các bác sĩ chuyên khoa da liễu để được điều trị và có kế hoạch chăm sóc da trước những đợt nguy cơ bùng phát cao.

Xem thêm video được quan tâm:

Viêm da cơ địa và những điều cần biết | SKĐS


ĐDCKI Đoàn Thị Thu Hằng
Khoa Da liễu – Bệnh viện 19-8
Ý kiến của bạn