Theo thống kê, trong tuần từ 6-13/8, cả nước ghi nhận 3.095 ca mắc sốt xuất huyết, tăng nhẹ so với tuần trước đó. Tích lũy từ đầu năm, cả nước ghi nhận 52.957 trường hợp mắc sốt xuất huyết, 6 ca tử vong; so với cùng kỳ năm 2023, số mắc giảm 15%, số tử vong giảm 10 ca.
Cũng trong tuần qua, theo thông tin từ Sở Y tế Hải Phòng, vào khoảng 16 giờ ngày 8/8, Trung tâm y tế quận Lê Chân nhận được thông tin từ CDC Hải Phòng báo về, có trường hợp ca bệnh tên Bùi T.H.H, SN 1979 tử vong tại nhà riêng ở Thiên Lôi, quận Lê Chân với chẩn đoán sốc Dengue- viêm phổi nặng, bội nhiễm kèm theo, suy đa tạng.
Theo đó, Trung tâm y tế Lê Chân đã chỉ đạo khoa Kiểm soát bệnh tật xuống địa bàn phối hợp cùng Trạm Y tế tiến hành điều tra dịch tễ, giám sát, thu thập thông tin về ca bệnh và các trường hợp liên quan.
Tại Hà Nội, theo tin từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội, trong tuần qua (từ ngày 2 - 9/8), toàn thành phố ghi nhận 188 ca mắc sốt xuất huyết (tăng 17 ca so với tuần trước đó). Bệnh nhân phân bố tại 26 quận, huyện; trong đó một số địa bàn ghi nhận nhiều bệnh nhân như: Đan Phượng có 27 ca, Hà Đông 10 ca, Phúc Thọ 6 ca mắc.
Cộng dồn từ đầu năm 2024 đến nay, Hà Nội ghi nhận 1.759 trường hợp mắc sốt xuất huyết.
CDC Hà Nội nhận định, số mắc sốt xuất huyết ghi nhận có xu hướng gia tăng, một số ổ dịch kéo dài, tiếp tục ghi nhận bệnh nhân.
Liên quan đến phòng chống dịch bệnh, trong đó có sốt xuất huyết, tại hội nghị phòng chống dịch bệnh khu vực miền Trung diễn ra cuối tuần này, PGS.TS Nguyễn Thị Liên Hương - Thứ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh: Mới có 1 loại vaccine phòng bệnh này được cấp phép, chưa có sơ sở đề xuất đưa vào chương trình tiêm chủng mở rộng.
Tuy nhiên, lãnh đạo Bộ Y tế sẽ làm việc với nhà tài trợ là công ty sản xuất vaccine xem họ có thể hỗ trợ tiêm thí điểm cho vài tỉnh có tỉ lệ người mắc sốt xuất huyết cao hay không? Sau đó, khi có các sản phẩm vaccine mới, giá thành giảm sẽ tính đến chuyện có đưa vào tiêm chủng mở rộng hay không?
Trước mắt, các tỉnh phải truyền thông một cách hiệu quả cho người dân hiểu, xem việc diệt lăng quăng, bọ gậy là điều quan trọng để phòng bệnh sốt xuất huyết.
Trước đó tại công điện về việc tăng cường công tác phòng chống dịch bệnh mùa hè năm 2024 của Bộ Y tế gửi Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố, Bộ Y tế cho biết thông tin từ hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm, hiện nay một số dịch bệnh lưu hành trong nước như sốt xuất huyết, tay chân miệng, sởi đang có xu hướng gia tăng, đồng thời cũng ghi nhận rải rác các trường hợp mắc một số bệnh truyền nhiễm dự phòng bằng vaccine.
Do đó, Bộ Y tế đề nghị các địa phương đẩy mạnh truyền thông giáo dục sức khoẻ, tổ chức các chiến dịch tuyên truyền vệ sinh cá nhân và vệ sinh nơi sinh hoạt, tuyên truyền về các biện pháp phòng, chống dịch bệnh mùa hè như đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, ăn chín, uống sôi; phát động chiến dịch vệ sinh môi trường, rửa tay bằng xà phòng;
Tổ chức chiến dịch diệt lăng quăng, bọ gậy, các hoạt động dọn bỏ vật dụng phế thải đọng nước với thông điệp "mỗi tuần hãy dành 10 phút để diệt lăng quăng/ bọ gậy" tại hộ gia đình; thực hiện thông thoáng nơi ở, nơi làm việc và khi có các dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh cần đến ngay các cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời…
Ngoài sốt xuất huyết, trong tuần qua số ca mắc tay chân miệng cũng tăng, trong tuần cả nước ghi nhận 1.041 trường hợp mắc. Tính từ đầu năm, cả nước ghi nhận 41.514 trường hợp mắc, chưa ghi nhận ca tử vong do tay chân miệng; so với cùng kỳ 2023, số mắc giảm 34%, tử vong giảm 19 ca.
Tại Hà Nội, tuần từ 2-9/8 Hà Nội ghi nhận 30 ca mắc tay chân miệng (giảm 10 ca so với tuần trước đó). Cộng dồn từ đầu năm đến nay, thành phố đã có 1.777 ca tay chân miệng.