Hà Nội

Da điện tử - Cuộc cách mạng trong phát hiện sớm ung thư vú

21-10-2016 14:13 | Thông tin dược học
google news

SKĐS - Ngoài biện pháp dùng tay sờ nắn để phát hiện khối u ung thư vú khi ở giai đoạn 0-1, mới đây, các nhà khoa học đã sáng chế ra thiết bị “da điện tử” có khả năng phát hiện...

Ngoài biện pháp dùng tay sờ nắn để phát hiện khối u ung thư vú khi ở giai đoạn 0-1, mới đây, các nhà khoa học đã sáng chế ra thiết bị “da điện tử” có khả năng phát hiện hoặc “cảm thấy” và tạo ra hình ảnh của những u nhỏ trong mô vú mà khi khám lâm sàng có thể bị bỏ qua.

Bệnh khó được phát hiện sớm

Trên thế giới mỗi năm có khoảng 1,4 triệu người mới mắc bệnh ung thư vú và 458.000 người tử vong. Tính trung bình cứ 8 người phụ nữ thì 1 người có nguy cơ mắc mới, cứ 3 giây lại có 1 người mắc mới và mỗi 5 phút có 3 phụ nữ qua đời vì ung thư vú. Ung thư vú nếu được phát hiện sớm thì tỷ lệ chữa khỏi là 90%. Hiện nay, có rất nhiều cách khác nhau để kiểm tra ung thư vú, phổ biến nhất là biện pháp chụp nhũ ảnh. Nhưng hình thức tầm soát này được cho mang lại hiệu quả chính xác không cao, đặc biệt đối với những bệnh nhân có ngực lớn. Khám ngực lâm sàng (viết tắt là CBE) là một trong những loại hình kiểm tra đơn giản, hiệu quả cao được thực hiện bởi các chuyên gia chăm sóc sức khỏe như bác sĩ, điều dưỡng, kỹ thuật viên. Phương pháp này thực hiện bằng cách các chuyên gia sức khỏe xem xét sự bất thường về hình dáng và kích thước của cặp ngực hay sự thay đổi của da ở vùng ngực và núm vú. Sau đó, dùng mặt trong của các ngón tay để sờ nắn nhẹ nhàng trực tiếp trên ngực để phát hiện khối u. Tuy nhiên, hạn chế lớn nhất của phương pháp CBE là các bác sĩ thường không thể phát hiện khối u khi kích thước của nó chưa đạt đến 21mm chiều dài. Phát hiện sớm ung thư vú là chìa khóa quan trọng cho việc điều trị kịp thời vì nó giúp các chuyên gia chăm sóc sức khỏe xử lý nhanh chóng các cục u xâm lấn trước khi chúng lây lan sang các khu vực bên cạnh và các mô trong cơ thể.

Sử dụng mô hình vú bằng silicon và chứa các khối u mô phỏng, các nhà khoa học đã thử nghiệm thành công da điện tử giúp phát hiện chính xác các cục u vú với kích thước vô cùng nhỏ mà không thể phát hiện bằng khám tay.

Thiết bị mới giúp phát hiện bệnh sớm

Mới đây, hai nhà khoa học Chiêu Văn Nguyên và Ravi F.Saraf - đồng tác giả nghiên cứu đến từ Đại học Nebraska-Lincoln, Mỹ đã sáng chế ra thiết bị “da điện tử” được làm từ các hạt nano và polymer cùng với ion hình ảnh có tính năng cảm nhận được các mô vú. Thiết bị này hoạt động với sự nhạy cảm tối ưu để cung cấp các hình ảnh chất lượng cao về những bất thường trong mô vú mà không gây ra bất cứ áp lực hay khó chịu nào.

Tự kiểm tra vú đóng vai trò quan trọng trong phát hiện sớm ung thư vú.

Để kiểm tra hiệu quả hoạt động của “da điện tử”, các nhà khoa học đã tiến hành thử nghiệm trên một mô hình vú silicon mô phỏng các mô vú. Sau đó áp dụng cùng một mức độ áp lực mà bác sĩ sẽ thực hiện khi tiến hành khám CBE. Trong thử nghiệm này, “da điện tử” đã có thể xác định thành công khối u nhỏ với kích thước chỉ 5mm và sâu vào bên trong sillicon 20mm (độ dày của ngực) mà phương pháp khám CBE được thực hiện bởi bác sĩ có kinh nghiệm cũng rất khó khăn để phát hiện được.

Với kết quả thành công trong nhiều thí nghiệm, TS. Saraf tin rằng, trong tương lai gần, thiết bị “da điện tử” sẽ được ứng dụng lâm sàng và phổ biến rộng rãi trong kiểm tra các dấu hiệu sớm của các khối u ung thư vú và cả các loại ung thư khác. Các chuyên gia y tế cho biết việc phát hiện ung thư vú sớm giúp cứu sống hàng ngàn sinh mạng mỗi năm.

Để phát hiện sớm ung thư vú, hiện nay, Hiệp hội Ung thư Mỹ (ACS) khuyến cáo các biện pháp sau:

Chụp MRI vú hàng năm bắt đầu từ tuổi 40 trở đi

Khám CBE 3 năm/1lần từ 20 tuổi, tăng lên mức 1 năm/1lần đối với phụ nữ từ 40 tuổi trở lên.

Bắt đầu tự kiểm tra vú tại nhà đối với nữ giới từ 20 tuổi.


Huệ Minh
Ý kiến của bạn