Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã công bố kế hoạch dỡ bỏ lệnh cấm Nhật Bản tham gia các cuộc xung đột ở nước ngoài, động thái chắc chắn sẽ làm gia tăng căng thẳng với Trung Quốc.
Ngày 15-5, ông Shinzo Abe kêu gọi xem xét lại hiến pháp hòa bình mà Nhật Bản xây dựng sau Thế chiến thứ hai để mở đường cho quân đội tham gia các cuộc xung đột ngoài biên giới.
Theo ông Abe, sự thay đổi là cần thiết để bảo vệ cuộc sống của người dân Nhật Bản một khi bị cuốn vào tình trạng khẩn cấp ở nước ngoài, đồng thời thực hiện các trách nhiệm của Nhật Bản đối với các đồng minh. Nhằm giảm mối lo ngại ở các quốc gia vẫn còn ám ảnh bởi ký ức chiến tranh, ông Abe nhấn mạnh Tokyo sẽ không bao giờ trở thành một nước gây chiến.
Ông Abe tin rằng hiến pháp được biên soạn bởi các quan chức Mỹ chiếm đóng Nhật Bản sau thế chiến là bất công, hạn chế khả năng thực hiện quyền tự vệ của Nhật Bản hay giúp đỡ một đồng minh bị tấn công. Điều 9 của Hiến pháp Nhật Bản quy định không được lấy chiến tranh làm phương tiện giải quyết tranh chấp, đồng thời giới hạn hoạt động quân sự của Nhật Bản trong phạm vi phòng thủ hoàn toàn.
Nội các của Thủ tướng Abe giải thích điều này có nghĩa là Nhật Bản chỉ có thể dùng quân sự chống lại hành vi xâm lược lãnh thổ từ bên ngoài và không thể chiến đấu bên cạnh Mỹ và các đồng minh trong những cuộc xung đột ở nước ngoài. Thời gian gần đây, Tổng thống Mỹ Barack Obama lên tiếng ủng hộ Tokyo đóng vai trò tích cực hơn trong liên minh an ninh với Washington.
Trước đó cùng ngày 15-5, một ủy ban chuyên gia do chính phủ chỉ định đã trình báo cáo lên ông Abe, nhấn mạnh: "Chúng ta đã đối mặt với tình huống mà trong đó chúng ta không thể bảo vệ hòa bình và an ninh quốc gia cũng như sự thịnh thượng của khu vực và quốc tế với điều kiện hiến pháp hiện nay cho phép".
Báo cáo cho hay an ninh khu vực đang xấu đi, cụ thể là những hiểm họa từ Trung Quốc và Triều Tiên. Báo cáo đề xuất cho phép vận dụng quyền phòng vệ tập thể hoặc sửa đổi luật pháp để Nhật có thể chiến đấu bảo vệ đồng minh trong các trường hợp như: tàu chiến Mỹ bị tấn công khi ở gần Nhật, bắn hạ tên lửa hướng đến Mỹ hay tham gia rà quét mìn ở những tuyến đường biển xa mà tàu thuyền của Nhật thường qua lại. Theo đề xuất, quyền phòng vệ tập thể cũng sẽ được áp dụng với các nước “có quan hệ gần gũi với Nhật”.
Theo Bloomberg, các đảng trong liên minh cầm quyền sẽ bắt đầu thảo luận vào ngày 20-5. Một khi đạt được thỏa thuận, chính phủ sẽ chuẩn bị dự luật để trình quốc hội thông qua. Ông Jiro Yamaguchi, nhà khoa học chính trị tại Trường ĐH Hosei ở Tokyo, nhận định ông Abe có thể thành công do quốc hội Nhật Bản đang thiếu các tiếng nói đối lập đủ sức làm đối trọng.
Vấn đề nêu trên được đưa ra trong lúc căng thẳng với Trung Quốc leo thang cũng như những quan ngại về chương trình hạt nhân của Triều Tiên. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh cho biết Trung Quốc có “nhiều lý do để thận trọng về ý định thực sự của Nhật Bản và sự phát triển sắp tới".
"Chúng tôi kêu gọi Nhật Bản tôn trọng mối quan tâm chính đáng và hợp lý của các nước, tuân thủ con đường phát triển hòa bình, nghiêm túc đối mặt với lịch sử và đóng vai trò tích cực đối với sự bình ổn và hòa bình khu vực” - bà Hoa nói.
Tuy nhiên, theo Reuters, các quốc gia Đông Nam Á có tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc ở biển Đông có thể nhìn nhận khác. “Quân đội Nhật có thể mang lại sự cân bằng cho khu vực trước sự trỗi dậy ngày càng hung hăng của Trung Quốc" - chuyên gia Benedict Exconde thuộc Trường ĐH De La Salle (Philippines) nhận xét.