Cùng tìm hiểu vai trò của thanh niên đối với công cuộc phòng chống bệnh lao qua chia sẻ của PGS.TS Nguyễn Bình Hoà – Phó Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương, Phó Trưởng ban điều hành Chương trình Chống lao Quốc gia Việt Nam.
Thưa bác sĩ, tại sao thanh niên lại là tâm điểm của Diễn đàn phòng chống bệnh lao Châu Á- Thái Bình Dương, tổ chức bởi những tên tuổi lớn như Johnson & Johnson, Global Fund và Mạng Lưới Từ Thiện Mạo Hiểm Châu Á (Asian Venture Philanthropy Network – AVPN)?
Diễn đàn phòng chống bệnh lao châu Á-Thái Bình Dương năm 2021 là sự kiện được tổ chức bởi Johnson & Johnson phối hợp với Chương trình chống lao quốc gia của Indonesia, Philippines, Thái Lan và Việt Nam. Tại diễn đàn, nhiều chuyên gia nhấn mạnh: thanh niên là nhóm dân số lớn nhất ở các nước đang phát triển, có vai trò và tiềm năng đóng góp to lớn cho kinh tế và xã hội. Đồng thời, thanh niên cũng là nhóm chịu gánh nặng về bệnh lao lớn nhất. Ước tính trên toàn cầu, hiện có khoảng 1,8 triệu người trẻ từ 10-24 tuổi đang mắc bệnh lao, chiếm 17% ca nhiễm. Tỷ lệ lây truyền bệnh lao ở nhóm tuổi này có thể cao hơn đến 20 lần so với các nhóm tuổi khác.
Mặc dù có nguy cơ lây nhiễm cao nhưng người trẻ tuổi lại gặp nhiều hạn chế trong điều trị bệnh lao, như thiếu nhận thức về các triệu chứng bệnh, lo sợ bị kỳ thị hay gặp rào cản trong việc tiếp cận cơ sở y tế. Do đó, việc tạo điều kiện cho người trẻ tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe, cùng chung tay nỗ lực chấm dứt bệnh lao sẽ mở đường cho một thế giới tốt đẹp hơn.
Việc thu hút tầng lớp thanh niên tham gia vào các hoạt động đẩy lùi bệnh lao sẽ mang lại lợi ích gì?
Mỗi phân khúc nhân khẩu học đều có những thách thức khác nhau trong việc tiếp cận với các dịch vụ khám, sàng lọc, chẩn đoán bệnh lao. Thanh thiếu niên là nhóm có nhiều mối quan hệ xã hội cũng như tiếp xúc ở ngoài cộng đồng, có nguy cơ cao tiến triển từ nhiễm lao thành bệnh lao. Nếu để kéo dài hoặc chậm phát hiện, các hậu quả của bệnh lao và việc điều trị lao có thể ảnh hưởng lớn đến sức khoẻ, sinh kế của họ trong tương lai. Vì vậy, việc thu hút tầng lớp thanh niên tham gia vào các hoạt động đẩy lùi bệnh lao sẽ tạo ra lợi ích lớn cho sự phát triển của nhóm này.
Chúng ta đang tiếp cận những người trẻ tuổi thuộc thế hệ kỹ thuật số. Ông có cho rằng truyền thông mạng xã hội sẽ hữu ích trong kế hoạch tổng thể xóa bỏ bệnh lao không?
Chúng ta đã thấy được sức mạnh của truyền thông mạng xã hội trong giai đoạn chống dịch Covid 19 vừa qua. Các thông tin về dịch bệnh và biện pháp phòng chống dịch bệnh được phổ biến qua mạng xã hội đã giúp người dân nâng cao kiến thức, cùng chung tay phòng chống dịch Covid 19.
Với bệnh lao, truyền thông mạng xã hội chắc chắn sẽ là một công cụ hữu ích, nhất là đối với nhóm đối tượng trẻ tuổi. Đây là nhóm dễ dàng tiếp cận cũng như tạo ảnh hưởng trên mạng xã hội. Với sự sáng tạo và tinh thần nhiệt huyết, các bạn trẻ có thể tác động đến những người xung quanh và giúp cộng đồng nâng cao nhận thức chung về bệnh lao.
Theo ông, biện pháp tốt nhất để cộng đồng và tầng lớp thanh niên tham gia đẩy lùi bệnh lao là gì? Chúng ta có điển hình thành công nào để học hỏi và nhân rộng ra trong tương lai không?
Biện pháp tốt nhất để cộng đồng và tầng lớp thanh niên tham gia vào đẩy lùi bệnh lao là nâng cao kiến thức chung về căn bệnh này và phòng chống bệnh. Chúng ta có thể thực hiện điều này bằng cách đưa kiến thức về bệnh lao vào các cấp học, từ tiểu học đến đại học.
Tỷ lệ mắc lao của Việt Nam hiện đang ở mức khoảng 173/100.000 người dân, cao hơn nhiều so với mức "Chấm dứt bệnh lao" (End TB – tỷ lệ mắc mới dưới mức 10/100.000 dân) do Tổ chức Y tế Thế giới đưa ra. Do đó, chúng ta cần phải nỗ lực hơn nữa, đưa toàn xã hội vào cuộc.
Một số dự án như "Zero TB" hay trò chơi "Chiến binh chống lao" đã được triển khai và bước đầu chứng minh hiệu quả. Trong đó, "Chiến binh chống lao" là một trò chơi tương tác trên mạng xã hội Facebook, Instagram và trang web, thu hút nhiều bạn trẻ tham gia. Nỗ lực này là một phần trong chuỗi sáng kiến tập trung vào việc trao quyền cho thế hệ trẻ chung tay chống lại bệnh lao được phối hợp của hai khối công và tư, bao gồm công ty Johnson & Johnson và Chương trình Chống lao Quốc gia.
Trong khi đó, "Zero TB" là dự án tìm kiếm bệnh nhân ẩn trong cộng đồng, huy động sự tham gia tích cực của các tổ chức chính trị-xã hội, các cơ quan đoàn thể như Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên, Hội Người cao tuổi… Sau một thời gian triển khai, dự án đã giúp phát hiện thêm nhiều người mắc lao và giảm ít nhất 50% tỷ lệ bỏ điều trị tại các địa phương triển khai là Thành phố Hồ Chí Minh, Cần Thơ và Hội An.
Sự thành công của "Chiến binh chống lao" hay "Zero TB" có thể được tham khảo để triển khai các dự án tiếp theo trong thời gian tới. Công tác phòng chống lao không phải là công tác riêng của ngành y tế, mà cần sự phối hợp của các tổ chức, ban ngành, đoàn thể trong xã hội. Do đó, những dự án có sự phối hợp của nhiều bên sẽ phát huy được sức mạnh tập thể, đóng góp hiệu quả cho công tác phòng chống lao tại Việt Nam.
Xin cảm ơn ông về những chia sẻ hữu ích này!