Đa dạng hóa mô hình xét nghiệm HIV và thực hiện phác đồ ARV tối ưu

01-12-2022 10:49 | Y tế

SKĐS - Thời gian qua, Việt Nam đã tích cực triển khai, áp dụng các sáng kiến trong phòng chống HIV/AIDS và đã đạt được nhiều thành tựu, trong đó có vai trò quan trọng trong xét nghiệm và điều trị...

Để hiểu rõ hơn về vấn đề này phóng viên Báo Sức khỏe & Đời sống đã có cuộc trao đổi với PGS.TS Phan Thị Thu Hương, Cục trưởng Cục Phòng chống HIV/AIDS.

Điểm mới trong tiếp cận và xét nghiệm HIV

Phóng viên: Xét nghiệm đóng vai trò quan trọng trong việc phát hiện nhiễm mới HIV. Xin Bà cho biết những điểm mới trong tiếp cận và xét nghiệm HIV/AIDS phù hợp với đặc điểm tình hình dịch tễ tại Việt Nam?

PGS.TS Phan Thị Thu Hương: Với mục tiêu 95-95-95, trong đó mục tiêu 95 đầu tiên là 95% người nhiễm HIV biết kết quả xét nghiệm HIV của mình. Đến hiện tại tỷ lệ này đang đạt 86%. Để tiếp cận và xét nghiệm HIV cho khoảng 10% người nhiễm HIV là vô cùng khó khăn, do người có hành vi nguy cơ thường ngại tiếp cận và xét nghiệm HIV theo các mô hình truyền thống như xét nghiệm HIV tại cơ sở y tế hay xét nghiệm HIV lưu động không tiếp cận được đúng nhóm khách hàng đích.

photo-1669865390834

PGS.TS Phan Thị Thu Hương, Cục trưởng Cục Phòng chống HIV/AIDS.

Dịch HIV/AIDS ở nước ta là mô hình dịch tập trung trong nhóm người có hành vi nguy cơ cao. Người nhiễm HIV đang trẻ hóa và phần lớn là nam, đặc biệt là nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới... Do đó, cần đa dạng mô hình tư vấn xét nghiệm HIV bao gồm: Xét nghiệm trong cơ sở y tế, xét nghiệm HIV dựa vào tổ chức cộng đồng. Các bạn trong cộng đồng người có quan hệ tình dục đồng giới (MSM), người nghiệm ma túy, người bán dâm tham gia cung cấp dịch vụ tư vấn, xét nghiệm HIV và hỗ trợ kết nối điều trị ARV. Cục Phòng, chống HIV/AIDS tổ chức cung cấp sinh phẩm tự xét nghiệm HIV qua website http://tuxetnghiem.vn tại 35 tỉnh, thành phố để những người có hành vi nguy cơ nhiễm HIV tự làm xét nghiệm HIV và được kết nối làm xét nghiệm khẳng định bị nhiễm HIV.

Bên cạnh đó, Cục Phòng chống HIV/AIDS triển khai mô hình xét nghiệm HIV cho bạn tình, bạn chích của người nhiễm HIV bằng cách tư vấn cho người nhiễm HIV, cung cấp sinh phẩm tự xét nghiệm HIV để làm xét nghiệm cho bạn tình, bạn chích của họ hoặc người nhiễm HIV thông báo và vận động bạn tình, bạn chích chung của họ và người có hành vi nguy cơ cao trong mạng lưới xã hội của họ đến cơ sở y tế làm xét nghiệm HIV.

Giai đoạn 2021-2022, hằng năm phát hiện 12.000-13.000 người nhiễm HIV mới, tăng 20% so với giai đoạn 2019-2020 (10.000 -11.000 người nhiễm HIV/năm) cho thấy sự hiệu quả trong việc áp dụng triển khai các mô hình mới trong tiếp cận và xét nghiệm HIV.

Thực hiện phác đồ ARV tối ưu theo khuyến cáo của WHO

Phóng viên: Điều trị ARV đã góp phần đáng kể trong việc kiểm soát gia tăng lây nhiễm HIV, xin bà cho biết những kết quả chính đã đạt được về công tác này?

PGS.TS Phan Thị Thu Hương: Công tác điều trị thuốc ARV cho người nhiễm HIV được triển khai tại Việt Nam đến nay đã hơn 20 năm. Trong những năm gần đây, trung bình mỗi năm có trên 10.000 người nhiễm HIV được đưa vào điều trị thuốc ARV. Từ năm 2019, Việt Nam bắt đầu chuyển giao chi phí thuốc ARV và các dịch vụ điều trị ARV cho BHYT chi trả.

Năm 2020, chúng ta đã thực hiện phác đồ ARV tối ưu theo khuyến cáo của WHO. Hiện nay, có gần 80% bệnh nhân sử dụng phác đồ tối ưu này, bao gồm cả điều trị cho phụ nữ mang thai nhiễm HIV. Phác đồ này cũng đã được BHYT chi trả.

Đến tháng 9/2022, toàn quốc có 169.455 người nhiễm HIV được điều trị ARV, trong đó có 3.450 trẻ em. Có 499 cơ sở điều trị, trong đó có 442 cơ sở điều trị sử dụng thuốc ARV từ nguồn BHYT. Các cơ sở điều trị cho trẻ em và một số là cơ sở đang sử dụng thuốc ARV do Quỹ toàn cầu viện trợ.

Việt Nam là một trong các quốc gia có chất lượng điều trị ARV cao, với tỷ lệ bệnh nhân có tải lượng HIV dưới ngưỡng ức chế luôn được duy trì cao. Năm 2017, tỷ lệ này là 94%. Từ năm 2018 đến nay tỷ lệ này luôn duy trì trên 95%. Về tỷ lệ HIV kháng thuốc mắc phải ở mức thấp dưới 5% (năm 2020).

Điều trị dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con bằng thuốc ARV là một trong các ưu tiên của Chiến lược quốc gia phòng, chống AIDS. Với việc mở rộng và sử dụng phác đồ ARV tối ưu, số trẻ nhiễm HIV từ mẹ đang giảm dần. Trong 6 tháng đầu năm 2022 cả nước ghi nhận 6 trẻ nhiễm HIV do lây truyền từ mẹ.

Điều trị ARV cho người nhiễm HIV cũng là một trong các biện pháp giảm nguy cơ mắc bệnh lao ở người nhiễm HIV. Trong những năm qua, Cục Phòng, chống HIV/AIDS đã phối hợp chặt chẽ với Chương trình chống lao quốc gia triển khai đồng bộ công tác điều trị ARV cho người bệnh lao cũng như điều trị lao, điều trị lao tiềm ẩn ở người nhiễm HIV.

photo-1669865397070

Đa dạng hóa mô hình xét nghiệm và thực hiện phác đồ ARV tối ưu theo khuyến cáo của WHO.

Giải pháp khắc phục khó khăn trong cung ứng thuốc, vật tư

Phóng viên: Được biết, việc cung ứng thuốc ARV, trang thiết bị, vật tư trong năm qua có nhiều khó khăn, làm ảnh hưởng đến chất lượng điều trị HIV/AIDS. Bà có thể chia sẻ rõ hơn về vấn đề này và làm gì để khắc phục?

PGS.TS Phan Thị Thu Hương: Việc cung ứng thuốc ARV và thực hiện các xét nghiệm theo dõi điều trị (XNTLHIV) vô cùng quan trọng trong việc duy trì, theo dõi hiệu quả điều trị của người bệnh. Nếu thuốc ARV cung ứng không đầy đủ, người bệnh HIV bị gián đoạn điều trị hoặc duy trì phác đồ điều trị không hiệu quả sẽ có nguy cơ kháng thuốc và thất bại điều trị.

Việc kháng thuốc này còn tạo ra hệ lụy nữa là có thể sẽ làm xuất hiện tình trạng nhiễm HIV kháng thuốc. Lý do là khi điều trị ARV không hiệu quả, xuất hiện chủng HIV kháng thuốc, tải lượng HIV ở người bệnh tăng trên 200 bản sao/ml. Điều này sẽ dẫn đến việc lây truyền chủng HIV kháng thuốc sang người khác qua quan hệ tình dục.

Khi người bệnh không được xét nghiệm tải lượng HIV thì cũng sẽ có rất nhiều bất lợi đối với công tác điều trị ARV:

-Thứ nhất, không biết được liệu hiệu quả điều trị ARV của người bệnh có tốt không. Việc xét nghiệm tải lượng sẽ giúp phát hiện sớm tình trạng này, ngay từ khi người bệnh chưa có các dấu hiệu về thất bại điều trị;

-Thứ hai, không chuyển phác đồ ARV kịp thời nếu người bệnh bị thất bại điều trị;

-Thứ ba, không hỗ trợ cho việc đưa ra các quyết định giảm thiểu nguy cơ trẻ nhiễm HIV từ mẹ, có thể làm gia tăng việc trẻ nhiễm HIV từ mẹ;

-Thứ tư, không đánh giá được hiệu quả của chương trình điều trị ở cấp độ cộng đồng.

Thực tế trong những năm qua, do nhiều nguyên nhân, bao gồm tác động của dịch COVID-19 đã dẫn việc cung ứng thuốc ARV nguồn BHYT luôn chậm; xét nghiệm tải lượng HIV chưa kịp thời, số người được làm xét nghiệm tải lượng giảm.

Một số khó khăn chính được kể đến như:

-Tác động của các chính sách phòng, chống dịch COVID-19, bệnh nhân bị thất nghiệp làm gián đoạn thẻ BHYT đã tác động đến việc duy trì điều trị ARV và các xét nghiệm hỗ trợ điều trị thanh toán qua BHYT.

-Công tác mua sắm, đấu thầu thuốc BHYT, nguồn viện trợ hoặc nguồn ngân sách nhà nước có nhiều khó khăn, phức tạp dẫn đến không mua được một số loại thuốc trong phác đồ, hoặc cung ứng chậm, không đúng tiến độ làm cho việc điều phối các nguồn thuốc trở lên phức tạp, tuy nhiên chưa để xảy ra tình trạng đứt thuốc của bệnh nhân.

-Đối với xét nghiệm tải lượng HIV, không mua được hoặc chậm cung ứng sinh phẩm là nguyên nhân dẫn đến số người điều trị ARV được xét nghiệm tải lượng HIV còn thấp. Đặc biệt tại Viện Pasteur TP Hồ Chí Minh đã dừng việc xét nghiệm tải lượng HIV từ đầu năm 2022 đến nay do không thực hiện được việc đấu thầu sinh phẩm. Trong khi đơn vị này đang đảm nhiệm nhiệm vụ xét nghiệm cho toàn bộ bệnh nhân tại các trại giam khu vực phía Nam và các tỉnh miền trung.

Để khắc phục tình trạng này, Cục Phòng, chống HIV/AIDS đã đưa ra một số giải pháp:

  • 1.Phối hợp chặt chẽ với các đơn vị mua sắm thuốc ARV bảo hiển y tế (BHYT) để thực hiện các kế hoạch mua sắm bổ sung thuốc ARV.
  • 2. Điều tiết thuốc ARV các nguồn để hỗ trợ cho các cơ sở chưa có thuốc.
  • 3. Làm việc với Quỹ toàn cầu đề nghị hỗ trợ thuốc ARV đối với các thuốc do BHYT và nguồn ngân sách nhà nước chi trả nhưng không mua được.
  • 4. Làm việc với các đơn vị cung ứng xét nghiệm tải lượng, hướng dẫn các cơ sở điều trị điều chỉnh đơn vị ký hợp đồng xét nghiệm tải lượng HIV.
  • 5. Hướng dẫn các địa phương sử dụng nguồn Dự án Quỹ toàn cầu tài trợ hoặc từ NS địa phương trong việc hỗ trợ thẻ BHYT để người bệnh tiếp tục duy trì điều trị.

Chúng tôi hy vọng rằng, những nỗ lực trên sẽ đảm bảo vẫn duy trì chất lượng điều trị ARV cho người bệnh.

Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn bà!

Mời độc giả xem thêm video:

'3 không' khi uống cà phê để tốt cho sức khỏe

Hà Phương
(Thực hiện)
Ý kiến của bạn