Theo báo cáo của Sở Y tế tỉnh Vĩnh Phúc, trong ngày 9/3, trên địa bàn ghi nhận thêm 2.729 trường hợp mắc COVID-19 mới, trong đó có 2.121 ca cộng đồng và 608 ca cách ly tại nhà.
Nhờ những nỗ lực của ngành y tế, tình hình điều trị bệnh nhân mắc COVID-19 đã có nhiều kết quả tích cực. Tổng số bệnh nhân đang điều trị là 93.363, trong đó 3.173 bệnh nhân đang điều trị tại các cơ sở y tế và 90.190 bệnh nhân điều trị tại nhà. Lũy kế đến nay có 129.076 người đã khỏi bệnh, ra viện.
Giai đoạn cuối tháng 2 đến đầu tháng 3, Vĩnh Phúc là địa phương ghi nhận số ca nhiễm cao. Với những biện pháp phòng, chống dịch đồng bộ, Vĩnh Phúc bước đầu đã khống chế hiệu quả tình hình dịch.
Theo thông tin từ Sở Y tế Vĩnh Phúc, hiện có khoảng 85% số bệnh nhân mắc COVID-19 được triển khai điều trị tại nhà/nơi lưu trú. Việc điều trị tại nhà cho các trường hợp F0 đã được chuẩn bị kỹ, bảo đảm đồng bộ, bài bản, hiệu quả, đa dạng các hình thức hỗ trợ điều trị, chăm sóc; từ khi bắt đầu thí điểm đến nay không có trường hợp bệnh nhân COVID-19 điều trị tại nhà chuyển nặng, không có trường hợp bệnh nhân bị bỏ quên không được chăm sóc y tế.
Tại thành phố Phúc Yên, nhiều bệnh nhân F0 điều trị tại nhà khi tham gia nhóm Zalo "Bác sĩ đồng hành Phúc Yên" đã được các bác sĩ thuộc nhiều bệnh viện trên địa bàn, các dược sĩ, cán bộ của UBND thành phố, lãnh đạo các xã, phường trên địa bàn hỗ trợ thông tin, tư vấn cách điều trị cũng như dùng thuốc, ăn uống khoa học.
Trong khi đó, để giúp bệnh nhân F0 lạc quan, yên tâm chữa bệnh tại nhà, huyện Yên Lạc đã thành lập thành lập fanpage "Yên Lạc hỗ trợ điều trị COVID-19" với gần 8.000 thành viên. Quản trị trang fanpage là các bác sĩ có chuyên môn sâu về lĩnh vực điều trị, dinh dưỡng, tâm lý nhằm trợ giúp kịp thời các yêu cầu hỗ trợ của nhân dân, đặc biệt là các bệnh nhân và người nhà bệnh nhân.
Ông Nguyễn Lê Huy, Phó Chủ tịch UBND huyện Yên Lạc cho biết: "Việc đưa trang mạng xã hội vào hoạt động đã góp phần quan trọng vào việc giảm tải các cuộc gọi điện thoại cũng như việc trực tiếp tìm đến các cơ sở y tế trên địa bàn để xin hỗ trợ y tế trong phòng, chống và chăm sóc, điều trị bệnh nhân COVID-19. Qua đó, giúp đội ngũ y tế của huyện có thêm thời gian và điều kiện tập trung làm tốt hơn nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe cho những trường hợp cấp thiết khác".
Bên cạnh việc khẩn trương vào cuộc với quyết tâm kịp thời đưa túi thuốc đến tay các bệnh nhân F0 trong thời gian sớm nhất, các phương án hỗ trợ điều trị F0 bằng giải pháp ứng dụng công nghệ thông tin thông qua mạng xã hội Zalo và Facebook đã được các lực lượng tuyến đầu triển khai một cách thích ứng, sáng tạo.
"Số F0 tăng nhanh trong một thời gian ngắn gây áp lực quá tải lên hệ thống y tế, do đó việc chuyển F0 thể nhẹ điều trị tại nhà là phù hợp. Tuy nhiên, bệnh nhân F0 không biết khi nào bệnh có chuyển biến nặng để điều trị kịp thời nên có thể ảnh hưởng tới tính mạng. Do đó, việc sử dụng nhóm Zalo giải đáp thắc mắc về các triệu chứng, phương pháp điều trị, cách sử dụng thuốc đúng cách sẽ đem lại sự yên tâm cho người bệnh", bác sĩ Nguyễn Hữu Thảo đang công tác tại khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Sản Nhi Vĩnh Phúc chia sẻ.
Xem thêm video đang được quan tâm:
Cắt thưởng người lao động vì mắc COVID-19 sẽ bị xử phạt ra sao?