Đã có hơn 314.000 ca mắc sốt xuất huyết, cảnh báo tái nhiễm có thể làm bệnh nghiêm trọng hơn

23-11-2022 11:07 | Y tế

SKĐS - Tích lũy từ đầu năm đến nay cả nước ghi nhận 314.271 trường hợp mắc sốt xuất huyết, trong đó có 115 trường hợp tử vong. Chuyên gia báo cáo tái nhiễm có thể làm bệnh nghiêm trọng hơn...

Đã ghi nhận 115 trường hợp mắc sốt xuất huyết

Theo tổng hợp báo cáo của các địa phương, tích lũy từ đầu năm đến nay cả nước ghi nhận 314.271 trường hợp mắc sốt xuất huyết, trong đó có 115 trường hợp tử vong. So với cùng kỳ năm 2021 (64.172/24) số mắc tăng 4,9 lần, số tử vong tăng 91 trường hợp.

Hiện nay, Hà Nội đã ghi nhận hơn 12.000 trường hợp mắc sốt xuất huyết, số mắc tương đương năm 2019, cao vượt ngưỡng nguy cơ dịch so với số mắc trung bình trong 3 năm từ 2019-2021 nhưng vẫn thấp hơn số mắc năm 2017 (là năm có dịch sốt xuất huyết bùng phát).

Đang là thời gian cao điểm của dịch sốt xuất huyết tại Hà Nội, dự báo dịch có thể tiếp tục gia tăng trong cuối tháng 11 và sẽ giảm vào tháng 12.

Đã có hơn 314.000 ca mắc sốt xuất huyết, cảnh báo tái nhiễm có thể làm bệnh nghiêm trọng hơn - Ảnh 1.

Chăm sóc, điều trị bệnh nhi sơ sinh sốt xuất huyết tại BVĐK Đức Giang.

Mới đây, tại BVĐK Đức Giang đã tiếp nhận điều trị 3 trường hợp trẻ sơ sinh mắc sốt xuất huyết, trong đó có trường hợp nhỏ nhất mới 5 ngày tuổi, 2 trường hợp còn lại 7 ngày tuổi và 16 ngày tuổi. 

Từ 3 trường hợp trẻ sơ sinh nêu trên, BS Vũ Thị Thu Nga Trưởng khoa Sơ sinh (BVĐK Đức Giang) khuyến cáo, các gia đình đang trong vùng dịch sốt xuất huyết lưu hành nên cảnh giác phòng bệnh cho các bé, nhất là phòng tránh muỗi đốt, kiểm soát côn trùng trung gian truyền bệnh như diệt loăng quăng, muỗi trưởng thành, loại bỏ ổ chứa nước đọng trong và quanh khu vực sinh sống.

Cụ thể, cho bé sơ sinh quấn khăn, tã kín tay chân và cho nằm màn kể cả ban ngày, bật điều hòa ở mức 28 độ để phòng muỗi đốt. Ngoài ra, nhà cửa phải vệ sinh sạch sẽ, gọn gàng, loại bỏ những vật dụng chứa nước… Đặc biệt, khi thấy trẻ có dấu hiệu sốt, bú kém, nên đưa trẻ đến bệnh viện để phát hiện bệnh và điều trị kịp thời các biến chứng nếu có.

Theo Sở Y tế tỉnh Thừa Thiên Huế, trong 17 ngày đầu tháng 11/2022, toàn tỉnh ghi nhận 162 ca mắc sốt xuất huyết, trung bình ghi nhận 9-10 ca /ngày. Như vậy, tính đến hết ngày 17/11, tỉnh ghi nhận 1.270 ca sốt xuất huyết. Ca bệnh tập trung chủ yếu tại TP Huế, huyện Phú Lộc và huyện Phong Điền. So với cùng kỳ năm 2021, số ca mắc tăng 9 lần.

Lãnh đạo Sở Y tế tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, tình hình dịch sốt xuất huyết trên địa bàn tỉnh đang gia tăng mạnh do vào các tháng cao điểm của dịch bệnh.

Nguyên nhân do điều kiện thời tiết diễn biến phức tạp, mưa nắng xen kẽ tạo điều kiện thuận lợi cho muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết sinh sôi và phát triển.

Nhiễm virus dengue thứ phát có thể làm tăng nguy cơ sốt xuất huyết nghiêm trọng hơn

PGS.TS Nguyễn Vũ Trung, Viện trưởng Viện Pasteur TP. HCM cho biết, sốt xuất huyết dengue do 4 tuýp huyết thanh của virus dengue gây ra. Nhiễm virus dengue thứ phát có thể làm tăng nguy cơ sốt xuất huyết nghiêm trọng hơn.

"Nói một cách khác, những lần nhiễm virus về sau sẽ khiến người bệnh có thể diễn biến nặng hơn so với lần nhiễm trước đó. Tuy nhiên, việc sốt xuất huyết có diễn biến nặng hơn hay không còn phụ thuộc nhiều vào việc phát hiện, chẩn đoán, điều trị có kịp thời và đúng phác đồ hay không" – ông Trung nhấn mạnh.

Ngành y tế khuyến cáo trong quá trình điều trị bệnh sốt xuất huyết tại nhà, người chăm sóc bệnh nhân cần lưu ý các dấu hiệu bệnh chuyển nặng như sốt cao 39-40 độ C, đột ngột, liên tục; bệnh nhân có thể giảm hoặc hết sốt nhưng li bì hoặc bứt rứt; nôn ói nhiều; đau bụng nhiều; tay chân lạnh ẩm; chảy máu mũi, miệng hoặc xuất huyết âm đạo; không tiểu trên 6 giờ...

Bệnh sốt xuất huyết đến nay chưa có vaccine phòng bệnh và chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, biện pháp phòng bệnh chủ yếu và hiệu quả là diệt muỗi, diệt loăng quăng/bọ gậy và phòng muỗi đốt. Để tích cực phòng bệnh cho bản thân, gia đình và mọi người xung quanh, Bộ Y tế khuyến cáo mạnh mẽ người dân thực hiện các biện pháp phòng bệnh sau:

  1. Đậy kín tất cả các dụng cụ chứa nước để muỗi không vào đẻ trứng.
  2. Hàng tuần thực hiện các biện pháp diệt loăng quăng/bọ gậy bằng cách thả cá vào dụng cụ chứa nước lớn; thau rửa dụng cụ chứa nước vừa và nhỏ, lật úp các dụng cụ không chứa nước; thay nước bình hoa/bình bông; bỏ muối hoặc dầu vào bát nước kê chân chạn.
  3. Hàng tuần loại bỏ các vật liệu phế thải, các hốc nước tự nhiên không cho muỗi đẻ trứng như chai, lọ, mảnh chai, vỏ dừa, mảnh lu vỡ, lốp/vỏ xe cũ, hốc tre, bẹ lá...
  4. Ngủ màn, mặc quần áo dài phòng muỗi đốt ngay cả ban ngày.
  5. Tích cực phối hợp với ngành y tế trong các đợt phun hóa chất phòng, chống dịch.
  6. Khi bị sốt đến ngay cơ sở y tế để được khám và tư vấn điều trị. Không tự ý điều trị tại nhà.
Sáng 23/11: Theo dõi sát, thông tin kịp thời về các biến chủng mới của COVID-19Sáng 23/11: Theo dõi sát, thông tin kịp thời về các biến chủng mới của COVID-19

SKĐS - Theo thống kê của Bộ Y tế số ca COVID-19 nặng giảm nhẹ; tiếp tục chủ động bám sát diễn biến tình hình dịch, thường xuyên trao đổi với WHO để cập nhật thông tin kịp thời, chính xác về các biến chủng; Bộ Y tế đề xuất tiêu chí thuốc đưa vào Danh mục thuốc đấu thầu tập trung quốc gia.



Thái Bình
Ý kiến của bạn