Đã có hơn 179.000 ca sốt xuất huyết, 70 trường hợp tử vong: 10 dấu hiệu nguy hiểm của bệnh cần lưu ý

31-08-2022 11:12 | Y tế

SKĐS - Theo Bộ Y tế, đến nay cả nước ghi nhận hơn 179.000 ca mắc sốt xuất huyết, 70 người tử vong. Ca mắc sốt xuất huyết/ ca nhập viện ở tuần 34 đã giảm so với tuần trước đó...

Sốt xuất huyết tuần qua giảm hơn 18% cả số mắc mới và số nhập viện

Theo thống kê tổng hợp từ các địa phương cho thấy trong tuần 34/2022 cả nước ghi nhận 8.891 trường hợp mắc sốt xuất huyết. So với tuần trước (10.852 ca mắc, 3 trường hợp tử vong) số mắc sốt xuất huyết tuần này giảm 18,1%. Trong đó, số nhập viện là 6.784 trường hợp, so với tuần trước (8.347 trường hợp nhập viện) số nhập viện giảm 18,7%.

Tích lũy từ đầu năm đến nay cả nước ghi nhận 179.011 ca mắc sốt xuất huyết, 70 trường hợp tử vong.

Tại Miền Bắc vào mùa nắng nóng kèm mưa nhiều là điều kiện thuận lợi để muỗi gây bệnh sốt xuất huyết phát triển. Tại Hà Nội và các tỉnh phía Bắc, số ca sốt xuất huyết tăng mạnh vào tháng 8.

Đã có hơn 179.000 ca mắc sốt xuất huyết, 70 trường hợp tử vong: 10 dấu hiệu nguy hiểm của bệnh cần lưu ý - Ảnh 1.

Số ca nhập viện do sốt xuất huyết tăng hơn so với trước

Các bệnh viện những ngày qua cũng tiếp nhận nhiều bệnh nhân sốt xuất huyết nặng. Trong đó, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương đang điều trị gần 30 ca sốt xuất huyết, tăng hơn so với đầu tháng 8, trong đó gần 10 ca nặng.

BS Thân Mạnh Hùng, Phó Trưởng khoa cấp cứu, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TW cho biết hiện đang điều trị cho 4 ca sốt xuất huyết nặng nhập viện trong tuần này. Tuần trước, đã có 1 ca sốt xuất huyết tử vong.

Theo BS Hùng sốt xuất huyết thường trở nặng từ ngày thứ 4, lúc này bệnh nhân bị thoát huyết tương, tăng thấm thành mạch. Nếu có dấu hiệu như chảy máu chân răng, nôn ra máu, đau bụng, bồn chồn, vật vã... cần nhanh chóng đến bệnh viện.

Tại TP HCM, theo Trung tâm kiểm soát bệnh tật thành phố, từ ngày 15 - 21/8, TP HCM có 2.790 ca sốt xuất huyết. Số ca nội trú đã giảm 22,7% và ngoại trú giảm 6,1%. Trong tuần ghi nhận thêm 1 trường hợp tử vong, nâng tổng số ca tử vong do sốt xuất huyết từ đầu năm đến nay lên 18 ca. Trong tuần không ghi nhận quận huyện có số ca tăng ở mức báo nguy hoặc báo động so với trung bình 4 tuần trước.

Tích lũy đến ngày 21/8, TP HCM ghi nhận 46.044 ca mắc bệnh sốt xuất huyết, tăng 5,5 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó số ca sốt xuất huyết nặng là 869 ca, tỉ lệ ca nặng trên tổng số ca mắc sốt xuất huyết là 1,9%, tăng hơn 3 lần so với cùng kỳ năm ngoái.

10 dấu hiệu nguy hiểm của bệnh sốt xuất huyết

TS Nguyễn Trọng Khoa, Phó cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế), cho biết trong 10 năm qua, tỉ lệ tử vong do sốt xuất huyết ở Việt Nam vẫn ở mức thấp trong khu vực. Tuy nhiên do nhiều yếu tố khách quan, đặc biệt là dịch COVID-19 kéo dài khiến nhiều đơn vị gặp khó khăn, ca tử vong năm nay tăng cao hơn so với năm ngoái.

Đặc điểm của sốt xuất huyết là sốt, xuất huyết và thoát huyết tương, có thể dẫn đến sốc giảm thể tích tuần hoàn, rối loạn đông máu, suy tạng, nếu không được chẩn đoán sớm và xử trí kịp thời dễ dẫn đến tử vong.

Theo các chuyên gia, bệnh sốt xuất huyết có biểu hiện lâm sàng đa dạng, diễn biến nhanh chóng từ nhẹ đến nặng. Bệnh thường khởi phát đột ngột và diễn biến qua ba giai đoạn: giai đoạn sốt, giai đoạn nguy hiểm và giai đoạn hồi phục.

Bắt đầu từ ngày thứ 4, bệnh có dấu hiệu nguy hiểm. Vì thế, trong những ngày đầu người bệnh có thể ở nhà, uống thuốc hạ sốt, bù dịch hoặc đi khám để được bác sĩ cho đơn và hẹn tái khám. Từ ngày thứ 4 thì nên vào viện vì đây là lúc có thể xuất hiện những dấu hiệu nguy hiểm, do đó người bệnh đến khám lại ngay khi có một trong các dấu hiệu sau:

  • Người bệnh thấy khó chịu hơn mặc dù sốt giảm hoặc hết sốt.

  • Không ăn, uống được.

  • Nôn nhiều.

  • Đau bụng nhiều.

  • Tay chân lạnh, ẩm.

  • Mệt lả, bứt rứt.

  • Chảy máu mũi, miệng hoặc xuất huyết âm đạo.

  • Không tiểu trên 6 giờ.

  • Biểu hiện hành vi thay đổi như lú lẫn, tăng kích thích, vật vã hoặc li bì.

  • Khó thở.
Đã có hơn 179.000 ca mắc sốt xuất huyết, 70 trường hợp tử vong: 10 dấu hiệu nguy hiểm của bệnh cần lưu ý - Ảnh 3.

Để phòng bệnh sốt xuất huyết các gia đình thường xuyên thay nước ở các lọ hoa, thả muối hoặc hóa chất diệt bọ gậy vào bát nước kê chân chạn, bể cảnh, hòn non bộ, khay nước thải tủ lạnh...; loại bỏ các vật liệu phế thải, hốc nước tự nhiên, lật úp các vật dụng có thể chứa nước

Để phòng bệnh sốt xuất huyết, Bộ Y tế kêu gọi người dân mỗi tuần dành 10 phút để diệt bọ gậy/lăng quăng và thực hiện các biện pháp phòng bệnh như: kiểm tra, phát hiện và diệt lăng quăng trong các dụng cụ chứa nước sinh hoạt bằng cách thường xuyên thay rửa, đậy nắp kín bể và các vật dụng chứa nước, thả cá để tiêu diệt lăng quăng.

Bên cạnh đó, các gia đình thường xuyên thay nước ở các lọ hoa, thả muối hoặc hóa chất diệt bọ gậy vào bát nước kê chân chạn, bể cảnh, hòn non bộ, khay nước thải tủ lạnh...; loại bỏ các vật liệu phế thải, hốc nước tự nhiên, lật úp các vật dụng có thể chứa nước không sử dụng, để không cho muỗi đẻ trứng.

Người dân cần ngủ màn phòng muỗi đốt ngay cả ban ngày, mặc quần áo dài tay, dùng bình xịt muỗi, hương muỗi, kem xua muỗi, vợt điện muỗi... để diệt muỗi và phòng muỗi đốt. Đặc biệt, người dân không tự ý điều trị sốt xuất huyết tại nhà.

Sáng 30/8: 4 biến thể phụ nào của Omicron khiến ca mắc mới, bệnh nhân COVID-19 nặng ở nước ta tăng nhanh?Sáng 30/8: 4 biến thể phụ nào của Omicron khiến ca mắc mới, bệnh nhân COVID-19 nặng ở nước ta tăng nhanh?

SKĐS - Theo thống kê của Bộ Y tế, trong mấy ngày gần đây ca COVID-19 tăng khoảng 700- 800 ca/ ngày; số bệnh nhân nặng cũng gia tăng; ca tử vong cũng có dấu hiệu tăng; Trong khi qua đánh giá các ca bệnh COVID-19 nặng và tử vong, có khoảng 35% số ca bệnh chưa tiêm hoặc chưa tiêm đủ vaccine phòng COVID-19.


Thái Bình
Ý kiến của bạn