Thống kê của Bệnh viện Nhi Trung ương từ đầu năm đến ngày 5/3/2023, tổng số ca nhiễm virus hợp bào hô hấp ghi nhận trong toàn Bệnh viện là 1.025 trường hợp. Hiện số ca mắc virus hợp bào hô hấp phát hiện tại Bệnh viện Nhi Trung ương đang có xu hướng gia tăng và diễn biến nặng ở nhóm trẻ nhỏ và có bệnh lý nền. Chỉ tính riêng từ ngày 1/3-5/3 đã có 157 trường hợp trẻ mắc bệnh này.
Tại Trung tâm Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Nhi Trung ương, các giường bệnh đều kín mít. Phòng 118 có 3 bệnh nhi đang điều trị thì cả 3 đều mắc virus hợp bào hô hấp. Cháu N.G.H (15 tháng, Hưng Yên) nhập viện được 2 ngày, đến sáng 12/3 cháu đỡ sốt hơn, tuy vẫn còn thở khò khè nhưng đã bắt đầu chơi cùng mẹ.
Nằm cùng phòng là 2 bé trai 5 và 14 tháng tuổi, đều nhập viện trong tình trạng sốt cao, ho, thở khò khè. Riêng cháu bé 14 tháng, nhập viện ngày 6/3, sau gần 1 tuần điều trị tích cực viêm phế quản, đến nay sức khoẻ đã chuyển biến tốt hơn. Còn bé 5 tháng tuổi mới nhập viện, vẫn còn ho nhiều, nôn trớ và quấy khóc. Mẹ bé cho biết: "Lúc đầu gia đình tưởng cháu sốt virus, sau đến viện mới biết đã bị viêm tiểu phế quản, mắc virus hợp bào hô hấp".
Virus hợp bào hô hấp là căn nguyên phổ biến toàn cầu gây ra các nhiễm trùng đường hô hấp dưới ở trẻ nhỏ. Bệnh thường xuất hiện vào thời điểm giao mùa, đặc biệt là mùa thu - đông hoặc xuân - hè (từ tháng 10 đến tháng 3 hàng năm).
PGS.TS Lê Thị Hồng Hanh, Giám đốc Trung tâm Hô hấp, Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, có nhiều loại virus gây ra các bệnh lý hô hấp, đứng đầu là virus hợp bào hô hấp.
Trong thời tiết giao mùa, bệnh nhi mắc bệnh lý này sẽ tăng lên vì giai đoạn này điều kiện không khí độ ẩm có sự thay đổi, khả năng sinh sôi của virus phát tán mạnh hơn. Do hệ thống miễn dịch của trẻ em chưa được hoàn chỉnh, virus hợp bào hô hấp có ái lực với đường hô hấp trên mạnh nên trẻ em là đối tượng dễ mắc virus này nhất.
Theo các chuyên gia của Bệnh viện Nhi Trung ương, triệu chứng nhiễm virus hợp bào hô hấp ở giai đoạn khởi phát trẻ thường ho, hắt hơi, sổ mũi; Đến giai đoạn toàn phát trẻ thường khò khè, ho, thở nhanh. Riêng với trẻ sơ sinh có thể tím tái hoặc có cơn ngừng thở.
Về đường lây của bệnh có thể qua giọt bắn, dịch tiết hô hấp nhiễm virus; tiếp xúc dịch tiết hô hấp nhiễm virus trên các bề mặt.
Bệnh có thể dẫn đến biến chứng như suy hô hấp nặng, cần hỗ trợ hô hấp. Đồng nghĩa trẻ dễ có nguy cơ bị các biến chứng khác như bội nhiễm thêm vi khuẩn, có thể viêm phổi nặng lên, sốc nhiễm khuẩn, thở máy kéo dài, suy hô hấp cấp tiến triển... Biến chứng nguy hiểm là suy phổi, xẹp phổi, tràn khí màng phổi, ứ khí phổi...
Về các yếu tố nguy cơ mắc bệnh này và khiến bệnh trở nặng, theo các chuyên gia của Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, những trường hợp như:
- Đẻ non, cân nặng khi sinh thấp;
- Trẻ dưới 3 tháng tuổi;
- Trẻ mắc bệnh tim có tăng áp lực động mạch phổi;
- Trẻ bị loạn sản phế quản phổi, suy dinh dưỡng nặng
Khi nào cần đưa trẻ đến viện?
Trẻ cần được đưa đến bệnh viện ngay khí có 1 trong các biểu hiện như:
- Sốt cao, co giật;
- Tím tái;
- Bỏ bú, kém ăn;
- Thở nhanh rút lõm lồng ngực.
Để tránh các bệnh lý viêm đường hô hấp thời điểm giao mùa, bác sĩ khuyến cáo cha mẹ cần chú ý giữ ấm cho trẻ bằng cách mặc nhiều lớp. Buổi trưa trời nóng có thể cởi bớt lớp ngoài, khi trẻ chạy nhảy ướt áo có thể thay áo trong.
Cha mẹ cần hạn chế cho trẻ ra đường, chỗ gió lùa, khi ra cần mặc ấm, đeo khẩu trang, đồng thời giữ vệ sinh mũi họng cho con, nhỏ mũi thường xuyên. Phòng trẻ dọn dẹp sạch sẽ thoáng mát, tránh mùi thuốc lá, than tổ ong.
Đồng thời, cần để ý chế độ ăn uống đủ thành phần dinh dưỡng, đặc biệt lưu ý bổ sung thêm vitamin, rau xanh ở trẻ lớn và bổ sung kẽm, sắt để tăng sức đề kháng cho trẻ.
Cha mẹ cũng lưu ý, không nên cho trẻ chơi chỗ có trẻ bị ốm, hắt hơi sổ mũi hoặc chỗ đông người đụng chạm vào trẻ nhiều. Người lớn khi đi từ ngoài đường, bệnh viện về cũng không nên ngay lập tức ôm hôn trẻ, tránh truyền virus cho trẻ.