Tổng số lợn mắc bệnh và tiêu hủy là trên 6.400 con.
Xuất hiện dịch tại Hòa Bình và Điện Biên
Hòa Bình và Điện Biên là hai tỉnh mới nhất phát hiện dịch, tỷ lệ lợn chết khi nhiễm virut là 100%. Kiểm tra công tác phòng chống dịch tại huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT thôn Phùng Đức Tiến cho biết, dịch tả lợn châu Phi đang có diễn biến khó lường vì nguồn lây đa dạng, chưa có thuốc chữa, tỷ lệ chết 100%. Ông đề nghị địa phương kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển, buôn bán, giết mổ lợn; thực hiện nghiêm việc tiêu độc, khử trùng; tạo điều kiện về thủ tục hành chính để người chăn nuôi sớm nhận được hỗ trợ.
Tại tỉnh Điện Biên, thông tin từ Chi cục Thú y cho hay, bước đầu xác định dịch xuất hiện tại các bản: Bon A, Lóng Luông (xã Rạng Đông, huyện Tuần Giáo), những mẫu mang đi xét nghiệm đều cho kết quả dương tính. Cơ quan chức năng của tỉnh đang tiếp tục lấy mẫu xét nghiệm trên một số địa bàn thuộc 2 xã: Ta Ma và Mường Mùn. Hiện tỉnh Điện Biên đã khoanh vùng lập các chốt chặn tại những khu vực phát hiện dịch; lên phương án tiêu hủy đối với toàn bộ số lợn nằm trong khu vực phát hiện các mẫu dương tính theo quy định.
Các tỉnh miền Trung chủ động phòng ngừa dịch tả lợn châu Phi
Liên quan đến việc triển khai cấp bách các giải pháp phòng chống dịch tả lợn châu Phi, ông Lê Minh Ngân, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình cho biết, trước tình hình bệnh dịch tả lợn châu Phi có nguy cơ lan rộng, tỉnh Quảng Bình đã yêu cầu các sở, ngành và địa phương thực hiện nghiêm túc kế hoạch phòng, chống dịch bệnh.
Chi cục Thú y tỉnh Quảng Bình đã ứng 40.000 liều vắc-xin và trên 2.700 lít hóa chất tiêu độc khử trùng các loại để chủ động chống dịch bệnh tại các địa phương; tăng cường cán bộ trực tiếp chỉ đạo tại Trạm Thú y Cha Lo (khu vực cửa khẩu quốc tế Cha Lo) để giám sát việc vận chuyển lợn, sản phẩm từ lợn ở nước ngoài nhập vào địa bàn; vận động người dân vệ sinh, khử trùng, tiêu độc tại khu vực chăn nuôi, điểm buôn bán, giết mổ lợn...
Tại TP. Đà Nẵng, các cơ quan chức năng đang tăng cường tuyên truyền để người chăn nuôi và cộng đồng hiểu rõ mức độ nguy hiểm của dịch bệnh; tăng cường giám sát tình hình dịch bệnh và tổ chức giám sát việc vệ sinh tiêu độc khử trùng các khu vực chăn nuôi, giết mổ, các chợ, điểm kinh doanh lợn. Chi cục Thú y TP. Đà Nẵng đã cấp phát 1.152 lít dung dịch benkocid cho các địa phương, cơ sở tiêu độc khử trùng khu chăn nuôi, giết mổ, cống rãnh, khu thu gom xử lý chất thải. Đối với các hộ chăn nuôi nếu phát hiện lợn nhiễm bệnh, lợn ốm và chết không rõ nguyên nhân thì người dân cần nhanh chóng báo cho cơ quan thú y gần nhất để lấy mẫu chẩn đoán, xét nghiệm bệnh nhằm xử lý kịp thời.