Cụ thể, số ca tử vong do sốt xuất huyết nhiều nhất là huyện Củ Chi với 4 trường hợp; quận Bình Tân và huyện Bình Chánh đều có 2 trường hợp; các quận Gò Vấp, Quận 6, 7, 8, 11, 12, huyện Hóc Môn và Thành phố Thủ Đức mỗi địa phương có 1 trường hợp.
Sở Y tế TP.HCM nhận định, năm 2022 số ca mắc sốt xuất huyết theo tuần tăng sớm hơn so với cùng kỳ năm 2021 và trung bình 5 năm (2016 - 2020). Số ca bắt đầu tăng liên tục từ tuần 13 đến nay.
Đến ngày 27/7, số ca mắc tích lũy trên địa bàn thành phố là 32.011 ca, tăng 293,8% so với cùng kỳ năm 2021 và tăng 122,7% so với cùng kỳ giai đoạn 2016 - 2020. Trong đó số ca nặng là 502 ca, chiếm 1,57% trong tổng số ca mắc, cao hơn nhiều so với cùng kỳ những năm trước. Số ổ dịch tích lũy là 1.888 ổ. Tính từ ngày 23/5 đến nay, số ổ dịch phát sinh tại thành phố là trên 100 ổ dịch/tuần. Các quận, huyện có nhiều ổ dịch là Quận 12, Củ Chi, Hóc Môn, Tân Phú.
Sở Y tế cho biết thêm, trong năm 2022 có 6 quận, huyện có số ca mắc và số ca mắc/100.000 dân cao nhất là Quận 12, Bình Chánh, Bình Tân, Củ Chi, Hóc Môn, Tân Phú. Đặc biệt Cần Giờ có số ca tuyệt đối ít nhất thành phố nhưng tính trên 100.000 dân là rất cao, đứng thứ 7/22 quận, huyện.
Theo ông Nguyễn Hữu Hưng, Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM, để chủ động trong công tác thu dung, điều trị sốt xuất huyết, Sở đã xây dựng kế hoạch đảm bảo công tác thu dung, điều trị sốt xuất huyết trên địa bàn Thành phố theo 3 kịch bản: dưới 2.000 ca, từ 2.000 đến 4.000 ca và từ 4.000-6.000 ca đang điều trị tại bệnh viện nhằm chuẩn bị sẵn sàng các nguồn lực để tiếp nhận, chăm sóc, điều trị, giảm tỷ lệ chuyển nặng và tử vong do sốt xuất huyết. Hiện Thành phố Hồ Chí Minh đang ở tình huống 2 (mỗi ngày có từ 2.000-4.000 ca mắc và từ 300 - 600 ca sốt xuất huyết nhập viện).
Sở Y tế TP.HCM đã đề nghị tất cả các bệnh viện được phân công sẵn sàng giường bệnh, nhân sự, thuốc, dịch truyền… để tiếp nhận, điều trị người bệnh.