Theo tổng hợp trong tuần 47/2023 cả nước ghi nhận 4.621 trường hợp mắc sốt xuất huyết, không có trường hợp tử vong. So với tuần trước đó, số mắc giảm 28,6%. Trong đó, số nhập viện so với tuần trước giảm đến 58,6%. Qua thống kê cho thấy số ca mắc sốt xuất huyết trong những tuần gần đây có dấu hiệu chững lại và bắt đầu giảm.
Tích lũy từ đầu năm đến nay cả nước ghi nhận 154.835 trường hợp mắc, 39 trường hợp tử vong. So với cùng kỳ năm 2022, số mắc giảm 53,1%, tử vong giảm 108 trường hợp.
Tại Hà Nội, theo tin từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội, trong tuần qua (từ ngày 24/11 - 1/12), trên địa bàn thành phố ghi nhận 1.715 trường hợp sốt xuất huyết tại 30 quận, huyện, thị xã (giảm hơn 520 ca so với tuần trước đó).
Các quận, huyện ghi nhận nhiều bệnh nhân trong tuần qua, dẫn đầu là Hà Đông với 180 ca, tiếp đến là Đống Đa có 170 ca, Thanh Oai (161 ca), Phú Xuyên (134 ca), Hoàng Mai (109 ca).
Như vậy, từ đầu năm 2023 cho đến nay, Hà Nội ghi nhận 37.441 trường hợp mắc sốt xuất huyết (tăng gấp 2,4 lần so với cùng kỳ năm 2022), trong đó có 4 ca tử vong (giảm 17 ca tử vong so với cùng kỳ năm ngoái).
Ngoài ra, từ đầu năm đến nay, trên địa bàn thành phố cũng ghi nhận 1.923 ổ dịch sốt xuất huyết. Hiện còn 88 ổ dịch đang hoạt động tại 19 quận, huyện, thị xã.
Cũng theo CDC Hà Nội, kết quả giám sát công tác phòng, chống sốt xuất huyết tại một số ổ dịch trong tuần qua cho thấy, chỉ số BI (là chỉ số điều tra số dụng cụ chứa nước có lăng quăng, muỗi vằn) đã giảm dưới ngưỡng quy định. Kết quả giám sát tại một số nơi cho thấy: Xã Kim Thư, huyện Thanh Oai có BI=15; xã Cổ Đông, thị xã Sơn Tây BI=5; xã Đại Mạch, huyện Đông Anh BI=15…
Từ kết quả trên, CDC Hà Nội đánh giá, số ca mắc sốt xuất huyết có xu hướng giảm trong 4 tuần gần đây, nhưng vẫn ở mức cao. Do đó, người dân không được chủ quan mà cần tuân thủ các biện pháp phòng, chống dịch bệnh theo hướng dẫn của ngành Y tế.
Theo PGS.TS.BS Đỗ Duy Cường - Giám đốc Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai, diễn biến dịch năm 2023 giống như vụ dịch lớn năm 2017 và dịch vẫn chưa được kiểm soát. Đã có các trường hợp tử vong do đến bệnh viện muộn vì sốc giảm thể tích, suy đa tạng, rối loạn đông máu.
Gần đây, nhiều bệnh nhân mắc sốt xuất huyết xin nhập viện vì sợ tiểu cầu thấp. Hoặc khi thấy chỉ số tiểu cầu tụt, có đề nghị truyền tiểu cầu. Tuy nhiên, trong công thức máu, chỉ số Hematocrit (Hct) mới là quan trọng để phản ánh mức độ cô đặc máu. Nếu Hct tăng thì có nguy cơ thoát huyết tương, cô đặc máu có thể dẫn đến sốc giảm thể tích.
Nếu qua ngày thứ 5-6 mà không có cô đặc máu, không chảy máu, thể trạng tỉnh táo thì dù tiểu cầu thấp thế nào cũng không cần phải truyền tiểu cầu và nên cho xuất viện, theo dõi tại nhà, tránh quá tải bệnh viện và giảm áp lực cho các Trung tâm huyết học.
Phần lớn các trường hợp giảm tiểu cầu, thậm chí xuống rất thấp (dưới 10 G/L), cũng không gây xuất huyết và sau đó đều tự hồi phục sau 7-10 ngày. Trong khi các trường hợp tử vong thường do đến viện muộn, máu bị cô đặc gây sốc, rối loạn đông máu và suy đa tạng, xử trí lúc này hết sức khó khăn.