1. Đặc điểm của dạ cẩm
Dạ cẩm trong dân gian gọi là cây loét mồm, ngón lợn, đứt lưỡi, cha khẩu cắm.
Tên khoa học: Oldenlandia, Capitellata Kuntze.
Cây dạ cẩm dài 1-2m, cây leo bằng thân quấn. Cành lúc non hình bốn cạnh, về sau hình trụ, phình to ở những đốt. Lá mọc đối xứng, hình bầu dục, mặt trên nhẵn bóng, lá kèm hình sợi. Cụm hoa mọc ở kề lá hoặc đầu cành, màu trắng hoặc trắng vàng. Quả nang chứa nhiều hạt nhỏ. Toàn cây có lông mịn.
Dạ cẩm có hai loại: Dạ cẩm thân xanh và dạ cẩm thân tím với những đặc trưng riêng biệt. Loại thân tím có lông được dùng phổ biến hơn.
- Dạ cẩm thân xanh: Ít lông, các đốt sát nhau trên thân cây.
- Dạ cẩm thân tím: Toàn thân được bao phủ bởi lông mịn, thân cây các đốt cách xa nhau.
Cây và vị thuốc dạ cẩm chữa viêm loét miệng
2. Công dụng của dạ cẩm
Dạ cẩm thu hái quanh năm, thường hái lá và ngọn non, có thể sử dụng toàn cây (trừ rễ) nhưng tác dụng điều trị có phần ít hiệu quả hơn là chỉ dùng lá.
- Dùng tươi hái lá và ngọn non, rửa sạch: Đun nước uống thay trà mỗi ngày, uống vào trước bữa ăn. Hoặc xay, giã nát, lọc lấy nước thuốc chia uống trong ngày; bã thuốc đắp vào nơi tổn thương.
- Dạ cẩm dùng khô: Thu hái rồi rửa sạch phơi hay sấy khô để nơi khô ráo dùng dần hoặc nấu thành cao lỏng.
Kinh nghiệm dân gian dùng dạ cẩm làm thuốc chữa viêm loét lưỡi miệng. Ngoài ra dạ cẩm còn là một dược thảo quý hỗ trợ chữa đau dạ dày tá tràng, do có tác dụng giảm đau, giảm sự tăng tiết của acid dạ dày (Acide Chlohydric - HCI), giảm ợ chua, nóng rát vùng thượng vị.
Các tài liệu Đông y ghi chép lại rằng: Dạ cẩm là vị thuốc có vị ngọt đắng, tính bình, lợi về kinh tỳ và vị.
Công dụng: Thanh nhiệt, thanh lọc cơ thể, giải độc tố, lợi tiểu, tiêm viêm, tiêu sưng, giảm đau, chữa loét miệng, tưa lưỡi, làm lành vết loét dạ dày, trung hòa acid dạ dày…
3. Bài thuốc chữa bệnh từ dạ cẩm
- Chữa nhiệt miệng, viêm loét miệng
Cách 1: Dạ cẩm dùng tươi 50g, giã nát, thêm nước, lọc lấy nước cốt chấm vào nơi tổn thương ở miệng và lưỡi (vệ sinh răng miệng sạch sẽ trước khi chấm thuốc).
Cách 2: Dạ cẩm khô 25g sắc lấy nước uống.
Hoặc dùng bài: Dạ cẩm khô 100g, sắc lấy nước, sau đó cho mật ong vào với tỷ lệ 1:1, cô thành cao lỏng. Dùng cao thoa lên vết thương.
Cách 3: Dạ cẩm (khô) 200g, cam thảo 30g. Tán bột mịn, trộn đều, bảo quản dùng dần. Mỗi lần uống 10g hãm với nước sôi khoảng 20 phút là dùng được. Ngày 2-3 lần.
Hoặc dùng bài: Thuốc bột dạ cẩm 20-30g sắc uống.
- Chữa viêm dạ dày
Cách 1: Dùng tươi: Dạ cẩm tươi 50g, chọn phần lá và ngọn non, rửa sạch. Sắc uống trước bữa ăn hoặc ngay khi bị đau dạ dày.
Cách 2: Thuốc bột dạ cẩm cam thảo: Dạ cẩm khô 500g, cam thảo 100g. Hai vị tán bột mịn. Ngày uống 10 – 20g pha với nước ấm để chiêu thuốc. Ngày 2-3 lần
Cách 3: Cao dạ cẩm: Dạ cẩm khô 7kg, đường kính 2kg, mật ong 1kg. Dạ cẩm sắc với nước, bỏ bã, cô lại thành cao lỏng, cho 2kg đường kính vào đánh tan. Sau cùng cho mật ong vào trộn đều. Chờ nguội, cho vào lọ thủy tinh, bảo quản dùng dần. Ngày uống 2-3 lần, trước bữa ăn hoặc khi đau. Mỗi lần 1 thìa to (10-15g) hòa với nước ấm.
Món ăn hỗ trợ: Dạ cẩm tươi, rửa sạch, thái nhỏ. Gạo tẻ 50-100g nấu cháo, cháo chín cho lá dạ cẩm đã thái vào. Chia ăn trong ngày. Công dụng chữa viêm loét miệng, nhiệt miệng, viêm dạ dày.
Mời bạn xem thêm video đang được quan tâm:
6 biện pháp đảm bảo thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19