Dạ cẩm là loài cây mọc tại một số tỉnh miền núi nước ta như Cao Bằng, Lạng Sơn, Thái Nguyên, Hà Giang, Hà Tây... Tên khác là cây loét mồm, ngón lợn, đứt lưỡi, chạ khẩu cắm... tên khoa học là Oldenlandia eapitellata Kuntze, thuộc họ cà phê Rubiaceae. Theo kinh nghiệm dân gian dùng dạ cẩm trị viêm loét miệng rất tốt, dùng được cả cho trẻ em, không gây tác dụng phụ. Chính vì vậy loại cây này còn có tên là cây loét miệng.
Dược liệu dùng làm thuốc là lá và ngọn non hoặc dùng toàn cây bỏ rễ được thu hái quanh năm, thái nhỏ, phơi hoặc sấy khô giòn dùng dần. Theo Đông y, dạ cẩm có vị ngọt hơi đắng, tính bình, tác dụng thanh nhiệt, giải độc, làm dịu cơn đau, tiêu viêm, lợi tiểu.Theo y học hiện đại, cây dạ cẩm có tác dụng giảm đau, trung hòa axit trong dạ dày, bớt ợ chua, vết loét se lại...
Cây dạ cẩm điều trị bệnh đau dạ dày.
Chữa đau dạ dày
Bài 1: dạ cẩm 30g, thêm nước vào sắc, chia 2-3 lần uống trong ngày. Uống trước khi ăn hay vào lúc đau, có thể thêm đường cho dễ uống.
Bài 2: dạ cẩm 5kg, đường phèn 2kg, mật ong 1.000ml. Nấu lá dạ cẩm với nước thành cao, cho 2kg đường phèn vào nguấy tan, cô lại. Cuối cùng cho mật ong vào, đóng vào chai. Ngày uống 2-3 lần, mỗi lần 20-30ml, uống trước khi ăn hoặc khi đau.
Bài 3: dạ cẩm 5kg, cam thảo 1kg. Hai vị tán bột mịn, trộn đều. Ngày uống 2 lần trước khi ăn, mỗi lần dùng 10-15g. Có thể thêm đường cho dễ uống.
Chữa viêm lưỡi, loét lưỡi họng
Bài 1: lá cây dạ cẩm tươi nấu nước uống thay trà hàng ngày.
Bài 2: bột dạ cẩm 200g, bột cam thảo 30g. Trộn đều. Ngày uống 30g chia 3 lần hãm với nước sôi.
Bài 3: nước sắc dạ cẩm cho mật ong vào cô thành cao lỏng, bôi hàng ngày.