Da bị cháy nắng chữa như thế nào?

02-06-2023 10:30 | An toàn dùng thuốc

SKĐS - Cháy nắng dù nặng hay nhẹ đều có tác động đến sức khỏe của làn da và sức khỏe nói chung. Vậy cần làm gì khi da bị cháy nắng?

1. Cháy nắng là gì?

Cháy nắng là những tổn thương da cấp tính do tiếp xúc với tia cực tím gây viêm và mẩn đỏ. Khi được hấp thụ với lượng vừa phải, tia nắng mặt trời sẽ thúc đẩy hoạt động bình thường của cơ thể. Ví dụ, cần thiết cho quá trình tổng hợp vitamin D, hữu ích trong việc điều trị các bệnh lý khác nhau và hoạt động của hệ tim mạch... Nhưng tiếp xúc lâu với ánh nắng mặt trời trong những giờ nắng nóng cao điểm nhất trong ngày mà không được bảo vệ cẩn thận có thể làm hỏng da và bị cháy nắng.

Cháy nắng này tương ứng với tình trạng bỏng da. Ở giai đoạn nghiêm trọng hơn, có thể xảy ra đau đầu và sốt. Cháy nắng lặp đi lặp lại làm tăng tốc độ lão hóa của da và làm tăng nguy cơ u ác tính ở mọi lứa tuổi. 

Da bị cháy nắng chữa như nào? - Ảnh 1.

Cháy nắng này tương ứng với tình trạng bỏng da, ít nhiều nghiêm trọng.

Mặt, tai, vai, ngực, lưng và chân... là những vùng da mỏng có nguy cơ cháy nắng cao nhất. Một số loại thuốc cũng làm tăng nguy cơ cháy nắng, ngay cả khi tiếp xúc ít được gọi là nhạy cảm với ánh sáng do thuốc. Các thuốc này bao gồm thuốc kháng sinh tetracycline và fluoroquinolon, thuốc điều trị bệnh ngoài da, thuốc chống viêm không steroid…

2. Các triệu chứng và mức độ nghiêm trọng của cháy nắng

Những dấu hiệu điển hình của cháy nắng, bao gồm:

  • Cảm giác nóng rát da
  • Ngứa
  • Đỏ 
  • Đau
  • Viêm
  • Phồng rộp da

Tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của vết bỏng, phân biệt:

  • Cháy nắng cấp độ một: Bỏng độ 1 gây đỏ da, không có mụn nước biểu hiện trong vòng 6 đến 24 giờ sau khi tiếp xúc với ánh nắng. Loại cháy nắng này sẽ lành trong vài ngày và biến mất mà không để lại sẹo hay mất sắc tố. Khi vết bỏng nghiêm trọng hơn, có thể quan sát thấy hiện tượng da bong tróc.
  • Cháy nắng cấp độ hai: Khi xuất hiện vết phồng rộp, bọng nước vết bỏng không còn ở cấp độ một mà là ở cấp độ hai. Các mụn nước có màu nhạt và đau do các đầu dây thần kinh bị phá hủy. Trong trường hợp này, vết thương lành chậm hơn và có thể để lại sẹo.

Tư vấn y tế là cần thiết trong trường hợp:

  • Vết cháy nắng chiếm hơn 10% tổng bề mặt cơ thể
  • Vết phồng rộp có đường kính hơn 3 cm
  • Ảnh hưởng đến các vùng nhạy cảm (tay, bộ phận sinh dục)
  • Có dấu hiệu nhiễm trùng da hoặc bỏng sâu độ 2
  • Cháy nắng trên diện rộng ở trẻ nhỏ hoặc trẻ sơ sinh...

3. Điều trị cháy nắng

Trước hết, trong trường hợp bị cháy nắng, điều bắt buộc là phải ngừng mọi hoạt động tiếp xúc với ánh nắng mặt trời cho đến khi da lành hoàn toàn. Do đó, khi ra ngoài, bắt buộc phải sử dụng kem chống nắng có chỉ số SPF 50 và mặc quần áo bảo hộ, kể cả khi mang ô che nắng.

Khi bỏng nắng nhẹ (ít lan rộng và không có bọng nước) có thể bôi kem dưỡng ẩm để làm dịu vết bỏng. Sản phẩm phải được thoa một lớp mỏng từ 1 đến 6 lần một ngày (tùy thuộc vào loại được chọn). Không sử dụng các loại kem hoặc thuốc mỡ gốc dầu như dầu hỏa (vaseline). Vì những sản phẩm này có thể làm bít lỗ chân lông có khả năng làm tình trạng cháy nắng tăng nặng và tăng nguy cơ nhiễm trùng. 

Các loại kem dưỡng da OTC có chứa các thành phần vitamin C và E là một lựa chọn tốt vì có thể giúp hạn chế tổn thương tế bào da do các gốc tự do gây ra.

Da bị cháy nắng chữa như nào? - Ảnh 2.

Khi bỏng nắng nhẹ (ít lan rộng và không có bọng nước) có thể bôi kem dưỡng ẩm để làm dịu vết bỏng.

Trong trường hợp ngứa dữ dội, có thể sử dụng các loại kem chứa hydrocortisone. Bôi hai lần một ngày trong tối đa 3 ngày. Không sử dụng trên vùng da bị phồng rộp hoặc vùng da có vết thương hở.

Nếu xuất hiện các vết phồng rộp, tuyệt đối không được chọc thủng các vết phồng rộp mà phải khử trùng bằng dung dịch sát trùng có gốc chlorhexidine, sau đó, nên sử dụng băng hydrocolloid. Nên thay băng hàng ngày cho đến khi vết thương lành hẳn.

Nếu cháy nắng gây đau có thể dùng thuốc giảm đau paracetamol hoặc các thuốc chống viêm không steroid (NSAID) không kê đơn như ibuprofen, naproxen... Trong trường hợp cháy nắng nghiêm trọng bác sĩ có thể kê đơn prednisone để giảm viêm; nếu có nhiễm trùng, có thể cần dùng kháng sinh.

Trong trường hợp xuất hiện phồng rộp nghiêm trọng, sốt hoặc ớn lạnh, chóng mặt hoặc lú lẫn, hoặc có dấu hiệu nhiễm trùng như mủ chảy ra từ vùng bị bỏng, cần đến các cơ sở y tế ngay lập tức. 

4. Phòng chống cháy nắng 

Để tránh bị cháy nắng, cần sử dụng kem chống nắng có chỉ số SPF phù hợp với da và thời gian tiếp xúc. Ưu tiên loại kem vừa bảo vệ chống lại tia UVB để ngăn ngừa bỏng và chống lại tia UVA để bảo vệ chống lại những tổn thương sâu hơn. Thoa đều kem chống nắng, lặp lại 2 giờ một lần.

Để hạn chế rủi ro, cần giảm tiếp xúc với ánh nắng mặt trời trong khoảng thời gian từ 11 giờ sáng đến 4 giờ chiều. 

Ngoài ra, cần thực hiện một số biện pháp phòng ngừa như mặc áo chống nắng, đội mũ và đeo kính râm khi ra ngoài nắng.

8 loại thuốc làm tăng nguy cơ cháy nắng8 loại thuốc làm tăng nguy cơ cháy nắng

SKĐS - Cháy nắng làm tăng nguy cơ ung thư da. Có một số thuốc điều trị bệnh làm tăng nguy cơ bị cháy nắng vì làm tăng cường hấp thụ tia cực tím ở da...

Mời xem thêm video đang được quan tâm:

6 cách dùng sắn dây giúp thanh mát cơ thể trong mùa hè

Ds. Lê Thị Quỳnh
Ý kiến của bạn