trong đó, đã bàn giao 6,55 triệu sổ (theo mã số BHXH), đạt 50,3%, tăng 1,62 triệu sổ so với thời điểm 30/9/2017; đồng thời đã cấp 79,5 triệu thẻ BHYT.
Trước đó, từ ngày 1/8/2017, BHXH Việt Nam đã cấp sổ BHXH cho người lao động theo mã số BHXH. Đối với trường hợp có mã số BHXH, người lao động chỉ cần cung cấp mã số BHXH khi tham gia, hưởng các chế độ BHXH, Bảo hiểm y tế (BHYT) được thuận lợi trên phạm vi toàn quốc. Trường hợp không nhớ, cơ quan BHXH phải có trách nhiệm đối chiếu dữ liệu quản lý. Trường hợp chưa có mã số BHXH, người tham gia sẽ kê khai lập Tờ khai tham gia, điều chỉnh thông tin BHXH, BHYT theo mẫu của BHXH. Thông qua mã số BHXH, người tham gia tự kiểm tra thông tin quá trình tham gia đóng, hưởng chế độ BHXH, BHYT.
Rất nhiều người lao động đã được BHXH bàn giao sổ. Ảnh: TM
Theo Luật BHXH 2014 (có hiệu lực đầu năm 2016), người lao động có quyền tự quản lý sổ BHXH thay vì chủ sử dụng lao động giữ như trước đó. Đây là một trong những điểm mới của Luật BHXH nhằm bảo đảm quyền lợi cho người lao động một cách tích cực hơn. Người lao động tự quản lý sổ BHXH không chỉ nắm rõ được các thông tin về quá trình tham gia BHXH của bản thân mà còn chủ động hơn trong việc thực hiện giải quyết các chế độ BHXH theo luật định.
Phó Tổng giám đốc BHXH Việt Nam - ông Trần Đình Liệu cho biết, quy định này nhằm minh bạch thông tin về quá trình đóng BHXH, hạn chế tình trạng các doanh nghiệp trốn đóng, nợ đọng BHXH cũng như có trường hợp doanh nghiệp đã “giam” sổ BHXH của người lao động khi xảy ra tranh chấp lao động gây khó khăn phức tạp cho cả cơ quan BHXH và người lao động trong quá trình giải quyết các chế độ BHXH.
Người lao động khi tự quản lý sổ BHXH cũng sẽ có cơ sở yêu cầu chủ sử dụng lao động thực hiện đúng các quy định của pháp luật về trách nhiệm đóng BHXH cho mình kịp thời; đồng thời ngăn ngừa tình trạng người lao động bị trích trừ tiền lương để đóng BHXH nhưng chủ sử dụng lao động không nộp tiền về cơ quan BHXH, trốn trách nhiệm đóng thuộc chủ sử dụng lẫn phần đóng của người lao động mà họ không hay biết.
Không chỉ vậy, tự quản lý sổ BHXH của mình, người lao động khi nghỉ việc sẽ kịp thời được giải quyết chế độ BHXH, Bảo hiểm thất nghiệp hoặc có ngay sổ BHXH để tiếp tục tham gia, cộng nối quá trình đóng BHXH khi đi làm việc tại doanh nghiệp khác.
Cũng theo thông tin của cơ quan BHXH, cơ sở dữ liệu về toàn bộ quá trình tham gia BHXH của người lao động đã được cơ quan BHXH nhập liệu vào Hệ thống dữ liệu điện tử và liên tục cập nhật, đảm bảo việc cấp lại sổ BHXH cho người lao động thuận tiện nhất trong trường hợp sổ BHXH bị hỏng hoặc thất lạc.
Hiện nay, ngành BHXH đang khẩn trương rà soát lại sổ BHXH và cơ bản đã hoàn thành rà soát số lượng sổ BHXH của những người tham gia BHXH từ năm 2008 đến nay. Dự kiến sẽ có hơn 13 triệu sổ BHXH sẽ được cơ quan BHXH phối hợp với doanh nghiệp bàn giao tận tay người lao động trong năm 2018.
Với mục tiêu đến năm 2020, BHXH Việt Nam đồng loạt thực hiện quản lý sổ BHXH điện tử, người lao động sẽ dễ dàng liệt kê được quá trình đóng - hưởng theo năm, theo quý, thậm chí người có thời gian làm việc trước năm 1995 cũng sẽ nắm được thông tin của mình, rút ngắn hơn nữa quy trình thủ tục cho người lao động trong giải quyết chế độ BHXH, Bảo hiểm thất nghiệp...