Tổng số ca mắc:
- Tính từ 6h ngày 16/4 đến 6h ngày 18/5: Đã 32 ngày Việt Nam bảo vệ đựơc thành quả bước đầu trong công cuộc chống dịch COVID-19 là không có ca lây nhiễm trong cộng đồng.
- Tính đến 6h ngày 18/5: Việt Nam có tổng cộng 180 ca nhiễm nhập cảnh được cách ly ngay.
- Tính từ 18h ngày 17/5 đến 6h ngày 18/5: 0 ca mắc mới.
Số người cách ly: Tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách ly): 10.962, trong đó:
- Cách ly tập trung tại bệnh viện: 293
- Cách ly tập trung tại cơ sở khác: 8.631
- Cách ly tại nhà, nơi lưu trú: 2.038
Tình hình điều trị: Theo báo cáo của Tiểu ban Điều trị - Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19:
Đến thời điểm này đã có 260/320 bệnh nhân COVID-19 được công bố khỏi bệnh/xuất viện- chiếm 81% tổng số ca mắc COVID-19 tại nước ta. Hiện còn 60 bệnh nhân đang điều trị tại 10 cơ sở y tế tuyến trung ương và tuyến tỉnh. Đa số các bệnh nhân đều có sức khoẻ ổn định.
Tính đến sáng ngày 18/5, trong số các bệnh nhân COVID-19 đang điều trị, theo dõi sức khoẻ tại các cơ sở y tế, hiện có 2 bệnh nhân có kết quả xét nghiệm âm tính lần 1 với virus SARS-CoV-2 và 12 bệnh nhân có kết quả âm tính 2 lần trở lên với virus SARS-CoV-2.
Thông tin từ Tiểu Ban Điều trị cho biết, hiện sức khoẻ của nam bệnh nhân phi công người Anh (BN91) mắc COVID-19 đang điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP Hồ Chí Minh diễn biến lâm sàng cải thiện tốt hơn.
Bệnh nhân hiện không sốt, có đáp ứng khi kích thích, không chảy máu, tiểu tốt, EF bình thường, không tràn khí màng phổi (bệnh nhân đã ngừng dẫn lưu màng phổi từ ngày 16/5), diện đông đặc phổi không tăng lên (hiện diện đông đặc 2 phổi của bệnh nhân khoảng 90%), men gan bình thường.
Kết quả xét nghiệm virus SARS-CoV-2 gây COVID-19 của BN91 đã âm tính 10 ngày liên tiếp. Tuy nhiên, bệnh nhân còn phải dùng noradrenalin, giãn thất phải, phổi còn đông đặc, bạch cầu máu còn tăng, còn phải dùng kháng sinh, kháng nấm, tăng GGT (tổn thương gan do thuốc), còn phải lọc máu ECMO.
Bệnh nhân này đã được cấy máu để phân lập virus, nếu kết quả âm tính đề xuất chuyển Bệnh viện Chợ Rẫy điều trị giai đoạn chuẩn bị và chờ ghép phổi
Dịch bệnh vẫn còn diễn biến phức tạp, khó lường ở nhiều quốc gia trong khu vực và trên thế giới. Nguy cơ xâm nhập vào Việt Nam trong thời gian tới cũng gia tăng do mở dần các đường bay quốc tế, chuyến bay đón công dân Việt Nam về nước, yêu cầu nhập cảnh cho các nhà đầu tư, chuyên gia kỹ thuật cao từ các quốc gia, vùng lãnh thổ có dịch nhập cảnh vào Việt Nam.
Đặc biệt, rất khó kiểm soát triệt để được người dân qua lại biên giới đường bộ thông qua đường mòn, lối mở nên luôn thường trực nguy cơ dịch bệnh xâm nhập và lây nhiễm cho cộng đồng trong thời gian tới.
PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam cho biết hiện nay nước ta vẫn đủ năng lực cách ly người nhập, năng lực xét nghiệm, xét nghiệm tất cả các trường hợp cách ly ít nhất 2 lần (khi về nước và trước 14 ngày khi ra khỏi khu cách ly).
Tương tự với việc điều trị các ca dương tính, chúng ta áp dụng nguyên tắc 4 tại chỗ, ca nhẹ để tuyến dưới, ca nặng đưa lên tuyến trung ương.
Việt Nam hiện nay vẫn kiên trì chiến lược phòng chống dịch từ trước đến nay đó là ngăn chặn, cách ly, khoanh vùng, dập dịch triệt để. Tất cả công dân nhập cảnh về nước đều được cách ly 14 ngày, xét nghiệm ít nhất 2 lần, khi về nhà thì vẫn phải theo dõi sức khỏe.