Bệnh viện Thể thao Việt Nam đang điều trị cho bệnh nhân Đỗ Thị Ngọc Châm - cựu vận động viên đội tuyển bóng đá nữ Quốc gia Việt Nam, quả bóng vàng Việt Nam 2008, hiện là huấn luyện viên của Trung tâm bóng đá cộng đồng CFF, đồng thời cũng là người sáng lập. Bệnh nhân Ngọc Châm vừa phải mổ gối phải, mổ đứt dây chằng chéo trước, vá sụn chêm trong vào tháng 9/2022 và hiện tại đang phục hồi chức năng tháng thứ 3 tại bệnh viện.
Chia sẻ với PV, cựu vận động viên Đỗ Thị Ngọc Châm cho biết đã nghỉ đá bóng 10 năm, bị chấn thương gối phải cách đây 2 năm giờ mới có thời gian điều trị. Năm 2009 chị cũng đã từng mổ gối trái tại Bệnh viện thể thao Việt Nam. Sau khi mổ gối trái, chị nỗ lực tập luyện và trở lại thi đấu tiếp, nhưng đến năm 2011 chị quyết định không thi đấu nữa.
Từng được mệnh danh là "hoa khôi" bóng đá và cũng là vận động viên gắn liền với nhiều chấn thương nên chị Đỗ Thị Ngọc Châm hiểu hơn ai hết y học thể thao là cứu cánh cho chị trong những lúc khó khăn, giúp chị điều trị chấn thương. Nếu không có y học thể thao thì những vận động viên như chị không thể tiếp tục trở lại thi đấu được và sẽ không đem lại thành tích cao trong thi đấu.
PGS.TS.BS Võ Tường Kha - GĐ Bệnh viện Thể thao Việt Nam cho biết, với thể thao thành tích cao, y học thể thao có nhiệm vụ quan trọng là bảo đảm sức khỏe cho các vận động viên trong tập luyện cũng như thi đấu. Việc điều trị phải đảm bảo phục hồi phong độ 100% cho các vận động viên như ban đầu.
Dựa trên những chỉ số nhân trắc học, sinh lý học và hóa sinh học trên cơ thể mỗi vận động viên, bác sĩ y học thể thao còn tư vấn để vận động viên lựa chọn đúng thế mạnh đặc biệt của mình.
Đối với người dân, y học thể thao có thể hỗ trợ chữa các bệnh lý không lây nhiễm như bệnh lý béo phì, thừa cân, tăng huyết áp, bệnh đái tháo đường,… bằng cách hướng dẫn họ tập luyện để giảm và tránh việc phụ thuộc vào thuốc.
PGS,TS.BS Kha chia sẻ, hiện y học thể thao Việt Nam còn nhiều khó khăn như hệ trống trang thiết bị phục vụ cho chuyên môn y học thể thao còn thiếu, cơ sở hạ tầng không đồng bộ....
Ngoài ra, hệ thống y học thể thao từ trung ương đến địa phương ở nước ta hiện còn manh mún và tự phát, chế độ đãi ngộ và lương cho bác sĩ thể thao chưa tốt, lực lượng cán bộ y tế thể thao ở Việt Nam còn thiếu, không có hệ thống đào tạo bài bản.
Hiện mới chỉ có duy nhất một mã ngành cử nhân y sinh học thể thao do hai trường Đại học Thể dục thể thao tại Từ Sơn (Bắc Ninh) và thành phố Hồ Chí Minh đào tạo. Chưa có mã ngành đào tạo điều dưỡng kỹ thuật viên, bác sĩ thể thao. Cán bộ, y bác sĩ hiện tại chủ yếu là lấy lực lượng từ các hệ thống đào tạo, điều dưỡng, kỹ thuật viên, bác sĩ đa khoa hoặc chuyên khoa ngành khác sang.
Có khi trong đội tuyển có đội ngũ y tế, tưởng đấy là bác sĩ thể thao nhưng thực ra họ chỉ là bác sĩ bên các ngành khác, thậm chí kỹ thuật viên, săn sóc viên… có người chỉ có chứng chỉ châm cứu, xoa bóp - BS Kha chia sẻ thêm.