Bệnh nhi là Nguyễn Khánh H. 2 tháng tuổi trú tại Chí Linh – Hải Dương nhập viện trong với chẩn đoán viêm phế quản phổi, suy hô hấp độ II, thoát vị bẹn trái bẩm sinh. Ngày thứ 8 điều trị (1/7/2018) bệnh nhi có biểu hiện bệnh thoát vị bẹn trái nghẹt.
Ngay lập tức, các bác sĩ đã tiến hành hội chẩn liên khoa giữa các bác sĩ khoa Ngoại, Khoa Nhi và Khoa Gây mê -hồi sức chỉ định phẫu thuật cấp cứu cho bệnh nhi. Sau 30 phút phẫu thuật, các bác sĩ đã tiến hành phẫu thuật thành công cho trẻ.
Ths. Nguyễn Vũ - người trực tiếp phẫu thuật cho bệnh nhi cho biết: Việc phẫu thuật điều trị thoát vị bẹn nghẹt cho trẻ nhỏ, đặc biệt là trẻ suy dinh dưỡng và đang có bệnh lý hô hấp là khó khăn. Bởi trẻ nhỏ cấu trúc trong ống bẹn rất nhỏ và bị phù nề do hậu quả của tình trạng nghẹt ruột, quá trình phẫu thuật phải rất cẩn trọng, tỷ mỉ để tránh gây tổn thương cũng cần tiến hành nhanh chóng để tránh các biến chứng do thời gian gây mê kéo dài có thể gây nguy hiểm tính mạng cho trẻ.
Kíp bác sĩ thực hiện gây mê cho bệnh nhi.
Hiện, sau phẫu thuật trẻ được chăm sóc và điều trị tích cực tại đơn vị Hồi sức Nhi khoa bệnh viện với sức khỏe trẻ ổn định và sẽ được xuất viện trong vài ngày tới.
Nói thêm về gây mê để tiến hành cho ca bệnh này, BSCKI. Trần Thị Thu Hằng- Trưởng khoa Phẫu thuật – Gây mê hồi sức cho biết, việc tiến hành gây mê để phẫu thuật cho bệnh nhi gặp rất nhiều khó khăn: Bởi trẻ đang điều trị viêm phế quản phổi, suy hô hấp nên toàn bộ đường thở bị phù nề co thắt, bệnh nhi lại là trẻ sinh non tháng cân nặng rất thấp. Vì vậy việc phải thực hiện các thủ thuật gây mê và dùng thuốc mê đặc biệt để tránh gây nguy hiểm tính mạng cho trẻ.
Qua đây, các bác sĩ bệnh viện khuyến cáo các bậc phụ huynh có con bị thoát vị bẹn bẩm sinh cần sớm đưa trẻ đến viện để được tư vấn và phẫu thuật. Tránh để khi bệnh diễn biến thành thoát vị bẹn nghẹt mới tiến hành điều trị. Như vậy khi tiến hành phẫu thuật cấp cứu tiềm ẩn nhiều nguy cơ rủi ro xảy ra cho cả trong và sau phẫu thuật.