Hà Nội

Cứu tranh Đông Hồ bằng cách nào?

23-07-2018 08:59 | Văn hóa – Giải trí
google news

SKĐS - Có tuổi đời hàng trăm năm, mang nhiều giá trị văn hóa và là di sản quý của người Việt, tuy nhiên tranh dân gian Đông Hồ (Bắc Ninh) những năm gần đây đã có dấu hiệu mai một. Trước nguy cơ lụi tàn, các cơ quan chức năng gần đây đã vào cuộc nhằm “cứu” tranh dân gian Đông Hồ, để dòng tranh này sống mãi với thời gian.

Dấu hiệu mai một

Theo nhiều tư liệu lịch sử, tranh Ðông Hồ có từ thời Lê, xuất xứ từ làng Đông Hồ, thuộc xã Song Hồ, huyện Thuận Thành, Hà Bắc (cũ) nay là tỉnh Bắc Ninh. Vào thế kỷ XVI, tranh Đông Hồ xuất hiện và rất đa dạng, tuy nhiên có 5 loại chính, gồm: Tranh thờ, Tranh lịch sử, Tranh chúc tụng, Tranh sinh hoạt và Truyện tranh. Tại Việt Nam, tranh Đông Hồ cùng với tranh Hàng Trống, Kim Hoàng (Hà Nội), tranh làng Sình (Huế), tranh kính (các tỉnh Nam Bộ) đã cho thấy đất nước hình chữ S có nghề làm tranh dân gian đa dạng, mang nhiều giá trị văn hóa được người dân ưa chuộng. Chính vì thế, nghề làm tranh dân gian Đông Hồ năm 2012 đã được công nhận Di sản Văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia.

Đến nay, tranh Đông Hồ vẫn được xem là dòng tranh dân gian độc đáo và có tuổi đời lâu nhất ở nước ta. Tranh Đông Hồ thuộc dòng tranh in từ ván khắc gỗ, gắn bó và thể hiện sinh động xã hội nông nghiệp Việt cổ truyền, cuộc sống lao động của người nông dân bình dị, chất phác, phong tục, tập quán, sinh hoạt của người dân Việt.

Tuy nhiên, trải qua thời gian, trước tác động của đời sống hiện đại, làng tranh Đông Hồ cũng như dòng tranh này đã, đang cho thấy sự mai một. Hiện nay, tại làng tranh Đông Hồ không còn nhiều nghệ nhân và gia đình gắn bó với dòng tranh này. Trong khi đó, đội ngũ trẻ kế thừa nghề làm tranh không nhiều, các nghệ nhân lành nghề đã ở tuổi xưa nay hiếm. Đáng lo nhất, tranh dân gian Đông Hồ hiện nay đã có sự thay đổi, không có màu sắc thắm như tranh cổ. Ngoài ra, một số bản khắc đã đục bỏ phần chữ Hán (hoặc chữ Nôm) bên cạnh phần hình của tranh khiến tranh ít nhiều bị “què cụt” về mặt ý nghĩa.

Cứu tranh Đông Hồ bằng cách nào?Tranh dân gian Đông Hồ Đám cưới chuột.

“Cứu” bằng cách nào?

Nhận thấy nếu không có hành động bảo tồn, gìn giữ kịp thời sẽ khiến tranh Đông Hồ chỉ còn là bóng thời gian, mới đây, Bộ Văn hóa Thể thao Du lịch (VH-TT&DL) đã đồng ý với đề xuất của tỉnh Bắc Ninh về việc xây dựng hồ sơ nghề làm tranh dân gian Đông Hồ trình UNESCO vào danh sách di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp của nhân loại. Bộ VH-TT&DL cho biết, thời gian xây dựng hồ sơ kéo dài 3 năm, chia thành hai giai đoạn. Từ 2017 đến tháng 12/2018 là nghiên cứu khảo sát, kiểm kê, lấy phiếu đồng thuận, xây dựng hồ sơ và nộp hồ sơ cho UNESCO đúng hạn. Sau đó, các đơn vị liên quan sẽ hoàn thiện hồ sơ theo yêu cầu bổ sung của UNESCO (nếu có); tổ chức hội thảo khoa học quốc tế; vận động, tranh thủ sự giúp đỡ của UNESCO và thành viên trong Hội đồng thẩm định, các quốc gia là thành viên Ủy ban liên Chính phủ của UNESCO (từ tháng 4/2019 đến tháng 12/2019).

Bên cạnh đó, 4 năm trở lại đây, tỉnh Bắc Ninh đã thực hiện Đề án “Bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa tranh dân gian Đông Hồ giai đoạn 2014 - 2020, định hướng đến 2030” với các việc làm cụ thể, cấp thiết như: nghiên cứu, đánh giá, phân tích thực trạng bảo tồn, phát huy giá trị di sản tranh dân gian Đông Hồ. Ngoài ra, Đề án còn đưa ra công tác dự báo những tác động tiêu cực để có những biện pháp, hành động kịp thời, hiệu quả ngăn chặn tác động tiêu cực gây ảnh hưởng làm mai một dòng tranh Đông Hồ.

Nghệ nhân Nguyễn Đăng Chế đã ở tuổi xưa nay hiếm và gắn bó với tranh Đông Hồ gần cả cuộc đời cho rằng, để làm sống lại tranh Đông Hồ, bên cạnh sự nỗ lực của nghệ nhân, cá nhân tâm huyết thì rất cần sự hỗ trợ của Nhà nước về cơ chế chính sách và đặc biệt là đầu ra của sản phẩm. Với sự biến đổi của đời sống kinh tế - xã hội, sự du nhập của nhiều loại tranh, ngày nay tranh dân gian nói chung, tranh Đông Hồ nói riêng dần mất đi vị trí trong những ngôi nhà hiện đại nên chúng ta cần quảng bá tranh dân gian thành một sản phẩm du lịch hấp dẫn người dân và du khách. Ngoài ra, chúng ta cũng cần quan tâm đến việc truyền dạy, truyền nghề và kế nghiệp đối với dòng tranh Đông Hồ, để thế hệ này nối tiếp thế hệ khác chung tay bảo tồn, gìn giữ và phát huy dòng tranh mang đậm văn hóa Việt tìm lại chỗ đứng, lan tỏa trong đời sống tinh thần của người dân.


Hoa Quỳnh
Ý kiến của bạn