Bệnh nhân là B.T.N, 78 tuổi ở tỉnh Tây Ninh nhập viện vì liệt nửa người phải. Bà N. có tiền căn tăng huyết áp điều trị đều.
Trước đó, bệnh nhân được người nhà đưa vào một bệnh viện địa phương, tại đây các bác sĩ ghi nhận tình trạng bệnh nhân lơ mơ, liệt nửa người phải hoàn toàn. Bệnh nhân đã được được chụp CT scan sọ não chưa ghi nhận tổn thương. Bệnh nhân được tiếp tục chụp MRI não sau đó 4 giờ, vẫn chưa thấy tổn thương não.
Bệnh nhân được chẩn đoán theo dõi nhồi máu não và chuyển đến Bệnh viện Nhân dân 115.
Tại Bệnh viện Nhân dân 115, bệnh nhân nhanh chóng được hội chẩn khẩn với khoa Bệnh lý mạch máu não. Tình trạng bệnh nhân liệt nửa người phải, lơ mơ, điểm đột quỵ NIHSS 20 (mức độ nặng).
Bệnh nhân đến với bệnh viện ở giờ thứ 8 kể từ lúc khởi phát đột quỵ, vốn đã nằm ngoài các cửa sổ điều trị cấp như tiêu sợi huyết tĩnh mạch (giới hạn trong 4,5 giờ tính từ lúc khởi phát triệu chứng) và can thiệp mạch máu não thường quy (trong vòng 6 giờ).
Hình ảnh qua đánh giá phim MRI não cho thấy động mạch cảnh bị tắc.
Qua đánh giá phim MRI não trước đó, các bác sĩ phát hiện mặc dù tổn thương não chưa thấy trên MRI nhưng bệnh nhân bị tắc động mạch cảnh trong trái đoạn trong sọ (một mạch máu chủ chốt cung cấp máu cho não) và có tuần hoàn bàng hệ phía sau động mạch bị tắc còn khá tốt.
Điều đó gợi ý cho ekip trực đánh giá đây là trường hợp đột quỵ nhồi máu não nặng, tuy nằm ngoài cửa sổ điều trị cấp thông thường nhưng có thể các tế bào não của bệnh nhân vẫn còn chưa tổn thương hoại tử nặng nề, vẫn đang được duy trì sự sống bởi hệ thống mạch máu phụ bàng hệ. Điều lo lắng là các tế bào não này sẽ dần chết đi nếu không được tái tưới máu kịp thời.
Ekip trực với sự chỉ đạo tích cực của Tiến sĩ, Bác sĩ Nguyễn Huy Thắng - Trưởng khoa Bệnh lý mạch máu não đã nhanh chóng chụp phim CT mạch máu não để đánh giá lại chính xác mức độ tổn thương não và vị trí mạch máu bị tắc nghẽn. Các bác sĩ đã rất vui mừng cho bệnh nhân khi xác định được vị trí động mạch bị tắc nghẽn và các tế bào não vẫn còn rất tốt vì như vậy bệnh nhân vẫn còn cơ hội điều trị can thiệp mạch máu não.
Bệnh nhân ngay lập tức được đưa vào phòng can thiệp DSA lấy huyết khối bằng dụng cụ cơ học.
Sau hơn 1 giờ căng thẳng tiến hành thủ thuật, bệnh nhân đã được lấy hết huyết khối gây tắc nghẽn và tái thông hoàn toàn động mạch cảnh trong trái. Bệnh nhân từ trạng thái lơ mơ, liệt nửa người khi nhập viện đã nhanh chóng phục hồi, có thể giao tiếp được người nhà và phục hồi vận động ngoạn mục nửa người phải, tự ngồi dậy được.
Sau đó bệnh nhân tỉnh táo, nói chuyện rõ, cải thiện tốt chức năng ngôn ngữ, sức cơ nửa người phải 4/5, bệnh nhân tự đi lại được. Bệnh nhân được xuất viện sau 5 ngày điều trị.
Thạc sĩ Bác sĩ Phạm Nguyên Bình - khoa Bệnh lý mạch máu não Bệnh viện Nhân dân 115 cho biết, tại Việt Nam, đột quỵ là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu và là nguyên nhân hàng đầu làm giảm tuổi thọ. Hơn 20 năm qua, tỷ suất đột quỵ ở Việt Nam tăng đáng kể từ 213,58/100.000 người-năm (1990) lên đến 254,78/100.000 người-năm (2010). Mỗi năm có hơn 200.000 ca đột quỵ mới mắc, dẫn đến 11.000 người tử vong.
Trong bệnh lý đột quỵ, đột quỵ nhồi máu não chiếm tỷ lệ cao nhất 85%. Đột quỵ nhồi máu não gây ra bởi tình trạng tắc nghẽn động mạch não cấp tính, dẫn đến suy giảm dòng máu nuôi tại vùng nhu mô não do động mạch đó chi phối. Nếu tình trạng mạch máu bị tắc nghẽn kéo dài sẽ dẫn đến tổn thương thiếu máu não không hồi phục được và gây ra những khiếm khuyết thần kinh vĩnh viễn dẫn đến tàn phế và tử vong.
Vì vậy, mục tiêu chính trong điều trị đột quỵ thiếu máu não cấp là tái thông mạch máu não bị tắc nghẽn nhằm cứu lấy vùng nhu mô não đang bị tổn thương.
Bằng cách sử dụng các kĩ thuật chẩn đoán hình ảnh học hiện đại, các bác sĩ sẽ xem xét tình trạng nhu mô não và hệ thống mạch máu não. Nếu bệnh nhân vẫn còn chỉ định, phương pháp can thiệp sẽ được tiến hành nhằm tái thông mạch máu, đem lại cho bệnh nhân khả năng phục hồi tốt hơn, giảm di chứng tàn phế và tử vong. Điều này đem đến cho bệnh nhân nhiều cơ hội được điều trị hơn.
Tuy nhiên cần nhấn mạnh việc mở rộng cửa sổ điều trị chỉ áp dụng được trên một số ít bệnh nhân nhập viện trễ và thỏa các tiêu chuẩn về hình ảnh học. Do đó bệnh nhân khi có triệu chứng đột quỵ vẫn cần nhanh chóng đến bệnh viện càng sớm càng tốt để có cơ hội điều trị nhiều hơn.