Ngày 10/3, Bệnh viện Từ Dũ cho biết, bệnh viện vừa phối hợp với Bệnh viện Chợ Rẫy mổ lấy thai và cứu sống thành công cho thai phụ bị bệnh lý tim rung nhĩ – cuồng nhĩ nặng.
Theo đó, sản phụ là C.Đ.T.T. (36 tuổi, ngụ tại Thuận An, Bình Dương). Thời điểm thai 3 tháng đầu xét nghiệm sàng lọc NIPT ghi nhận nguy cơ cao, kết quả chọc ối nhiễm sắc thể bình thường. Xét nghiệm tổng quát của mẹ phát hiện có viêm gan siêu vi B, nồng độ virus trong máu cao, có chỉ định điều trị thuốc kháng virus để ngăn ngừa lây nhiễm virus sang con lúc thai 28 tuần. Mạch và huyết áp tim phổi trong 3 tháng đầu thai kỳ đều bình thường.
Lúc thai 26 - 29 tuần, khám thai định kỳ ghi nhận tổng trạng chị T. hoàn toàn bình thường. Lúc thai 32 tuần, 34 tuần 5 ngày, kết quả khám thai định kỳ bình thường, thai phụ không thấy khó thở, không mệt. Để ý kỹ chị T. mới thấy có cảm giác đánh trống ngực nhẹ.

Bé gái cân nặng 2600g khỏe mạnh chào đời, khóc to, da niêm hồng hào. Ảnh: BVCC.
Bác sĩ chuyên khoa Sản có đề nghị khám chuyên khoa tim mạch tại các bệnh viện tuyến cuối. Chị T. có đi khám chuyên khoa tim mạch 2 lần theo đúng hướng dẫn nhưng bác sĩ không cho thuốc uống chỉ dặn đi khám thai theo hẹn.
Ngày 24/2, thai phụ T. có đến cấp cứu Bệnh viện Từ Dũ khám ghi nhận tổng trạng tốt, kết quả siêu âm thai và đo tim thai thấy em bé khỏe, đo ECG thấy nhịp quá nhanh nên mời hội chẩn chuyên khoa tim mạch Bệnh viện Chợ Rẫy và cho theo dõi tại nhà.
Sáng 3/3, sau uống thuốc 1 tuần chị T. vẫn không thấy cải thiện về tình trạng đánh trống ngực và hụt hơi nên quay lại khám tim mạch tại Bệnh viện Chợ Rẫy. Kết quả ghi nhận thai phụ có tình trạng nhịp nhanh trên thất, hở van 2 lá ¾, tràn dịch màng ngoài tim, suy thất trái, kèm rung nhĩ – cuồng nhĩ – bệnh cơ tim chu sinh. Chị T. được cho thuốc trợ tim, ổn định nhịp tim và tư vấn nhập Bệnh viện Từ Dũ để chấm dứt thai kỳ.
13 giờ cùng ngày, chị T. nhập Cấp cứu Bệnh viện Từ Dũ và nhanh chóng chuyển lên khu hồi sức để theo dõi sát với chẩn đoán con lần 2 thai 37 tuần 6 ngày ngôi đầu chưa chuyển dạ, mẹ suy thất trái, rung nhĩ, cuồng nhĩ, bệnh cơ tim chu sinh và nhanh chóng tiến hành mời hội chẩn bác sĩ chuyên khoa tim mạch Bệnh viện Chợ Rẫy.

Người bệnh được các bác sĩ sốc điện tại buồng hồi sức. Ảnh: BVCC.
Sau khi hội chẩn, các bác sĩ Gây mê hồi sức, Bệnh viện Từ Dũ và bác sĩ chuyên khoa Rối loạn nhịp, Bệnh viện Chợ Rẫy quyết định cho chị T. điều trị thuốc cắt cơn nhịp nhanh nhưng sau 10 phút không thấy kết quả. Điện tim trong lúc tiêm thuốc thấy xuất hiện thêm tình trạng block nhĩ thất thoáng qua, huyết áp giảm nhẹ nên ngay sau đó các bác sĩ quyết định tiến hành sốc điện.
15h45 phút, sau khi tiêm thuốc tiền mê, thai phụ được sốc điện với máy sốc điện 1 pha và với mức năng lượng 100J.
Sau 10 phút, mạch vẫn 186 nhịp/ phút, huyết áp 113/87 mmHg nên quyết định sốc điện lần 2 với mức năng lượng cao hơn 150J.
Theo dõi sát 10 phút sau mạch vẫn 184 nhịp/phút, huyết áp 110/84 mmHg, các bác sĩ hội chẩn nhanh và quyết định sốc điện lần 3 với mức năng lượng cao hơn nữa 200J.
Theo dõi thêm 10 phút kết quả vẫn không có gì thay đổi, các bác sĩ quyết định sốc điện lần 4 với mức năng lượng 300J, lần 5 với mức năng lượng tối đa của máy 360J nhưng vẫn không có kết quả.
Trước tình trạng nguy kịch do không đáp ứng với điều trị của chị T., các bác sĩ quyết định tiến hành mổ lấy thai cấp cứu.
BS.CKII. Tào Tuấn Kiệt - Trưởng khoa Gây mê hồi sức, Bệnh viện Từ Dũ cho biết: "Đứng trước một tình trạng bệnh lý tim phức tạp như chị T., để mổ lấy thai thì việc cân nhắc lựa chọn phương pháp vô cảm nào phù hợp nhất là vô cùng khó khăn. Nếu chọn gây mê toàn thân thì giai đoạn hồi tỉnh sau mổ sẽ vô cùng phức tạp, còn nếu chọn gây tê thì khó kiểm soát được tốt hô hấp tuần hoàn. Sau khi cân nhắc thật kỹ các bác sĩ quyết định tiến hành gây tê ngoài màng cứng để mổ lấy thai".

Người bệnh được theo dõi và điều trị tại Buồng hồi sức. Ảnh: BVCC.
Ngay trước và trong cuộc phẫu thuật các bác sĩ chuyên khoa Rối loạn nhịp và Gây mê hồi sức phải sử dụng nhiều loại thuốc để kiểm soát phần nào tình trạng rối loạn nhịp và suy tim. Và cuối cùng cuộc mổ tạm an toàn kết thúc sau 1 giờ. Một em bé gái cân nặng 2600g khỏe mạnh chào đời, khóc to, da niêm hồng hào.
19h10, chị T. được chuyển qua hồi sức, tuy nhiên, tình trạng mạch vẫn còn nhanh nên các bác sĩ quyết định một lần nữa sốc điện lần 6 với mức năng lượng 150J để hy vọng mạch trở lại bình thường.
Tuy nhiên sau 10 phút kết quả vẫn không cải thiện. Lấy hết can đảm, các bác sĩ quyết định sốc điện lần 7 với mức năng lượng 200J. Sau 10 phút mạch có giảm xíu còn 160 nhịp/ phút, tuy chưa đạt kết quả như mong đợi nhưng các bác sĩ quyết định ngưng sốc điện và tiếp tục điều trị kiểm soát mạch bằng thuốc Amiodaron.
Sau 5 giờ thì mạch giảm còn 130 nhịp/phút và liều của Amiodaron cũng được giảm dần. Sau mổ 1 ngày tổng trạng bệnh nhân tốt hơn, vết mổ khô, không đau nhiều. Mạch giảm dần còn 120 - 130 nhịp/phút, khỏe nhiều, ăn uống được, sản khoa ổn định nên quyết định chuyển chị T. về khoa Rối loạn nhịp Bệnh viện Chợ Rẫy tiếp tục điều trị.
Bác sĩ Kiều Ngọc Dũng - Trưởng khoa Rối loạn nhịp xác định: "Đây là một trường hợp rối loạn nhịp phức tạp và dai dẳng nên quyết định điều trị chuyển nhịp bằng phương pháp đốt điện tim bằng sóng cao tần. Cuộc mổ tiến hành trong 3 giờ và kết quả thành công vượt ngoài mong đợi.
Sau cuộc mổ chị T nhanh chóng trở lại nhịp bình thường 80-90 nhịp/ phút. Các bác sĩ vui mừng khi đưa được nhịp tim chị T trở về ngưỡng sinh lý bình thường như nhịp tim của bao nhiêu người.
Sau khi phẫu thuật ổn định 24 - 48 giờ, chị T. sẽ được chuyển trở lại Bệnh viện Từ Dũ để theo dõi hậu phẫu mổ lấy thai thêm 1-2 ngày và dự kiến sẽ được xuất viện cùng với em bé trong thời gian tới".