Cứu thành công nam sinh uống thuốc diệt cỏ

20-06-2021 17:55 | Camera bệnh viện
google news

SKĐS - Bệnh viện Nhi đồng TP. HCM đã kịp thời cứu chữa trường hợp nam sinh uống thuốc diệt cỏ do bị cha la mắng vì mải chơi game.

Tin từ Bệnh viện Nhi đồng TP.HCM cho biết, ngày 17/6/2021, Khoa Hồi sức cấp cứu bệnh viện này đã tiếp nhận trường hợp em L. H. 15 tuổi, nam được bệnh viện tuyến trước chuyển đến trong tình trạng tím môi, tím tay chân toàn thân, mệt.

Nam sinh được chăm sóc, điều trị tại BV Nhi đồng TP.HCM

Khai thác bệnh sử, được biết, do mải chơi điện tử, em H. bị cha la mắng, nên đã uống 1 nắp thuốc diệt cỏ có hoạt chất là propanil và butachlor.

Sau uống 2 giờ em nôn, ói, tím môi, tay chân, than nhức đầu, mệt, môi, tay chân tím, người nhà đưa đến bệnh viện địa phương sơ cứu rồi chuyển em đến Bệnh viện Nhi Đồng TP.HCM.

Khi vào viện, em lừ đừ, thở mệt, môi tím, đầu chi tím, nhịp tim nhanh, khám loại trừ bệnh lý tim mạch, hô hấp gây tím tái, độ bão hòa oxy máu giảm nặng còn 74% (bình thường 94-98%).

Bệnh nhân được các bác sĩ chẩn đoán methemoglobine máu do hóa chất. Ngay lập tức em được cho thở oxy, uống than hoạt tính để hấp thu các độc chất còn lại trong đường tiêu hóa và dùng thuốc giải độc xanh methylen tiêm mạch liều 1mg/kg.

Tuy nhiên, bệnh nhân tiếp tục có diễn tiến xấu hơn, phải truyền đến 4 lần xanh methylene mới cải thiện, hết tím tái, không cần thở oxy và được khám tư vấn với chuyên gia tâm lý.

Theo BS CKII Nguyễn Minh Tiến, Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng TP HCM, đây là trường hợp methemoglobine máu hiếm gặp ở trẻ lớn do propanil gây ra.

Thuốc diệt cỏ này còn gây ra thiếu oxy mô, ức chế thần kinh trung ương, ức chế hô hấp dẫn đến tử vong nếu uống nhiều và không được điều trị thích hợp.

Các tác nhân oxy hóa mạnh có thể gây methemoglobine thường gặp như một số loại hóa chất trong phẩm nhuộm, thuốc nổ, một số hoạt chất như Nitroglycerine, Sulfonamide, Primaquine, Chloroquine, Lidocain, thuốc gây tê Benzocain, thuốc bôi bỏng Nitrate bạc…

Ngoài ra, một số loại thức ăn có hàm lượng nitrate cao, khi ăn nhiều và dày ngày cũng có thể gây methemoglobin ở trẻ nhỏ như củ dền, cà rốt, nước cải bẹ xanh, bắp cải, củ cải đường…


Hoàng Ngọc
Ý kiến của bạn