ThS.BS. Nguyễn Thị Cúc – Trung tâm Đột quỵ não – Bệnh viện TWQĐ 108 cho biết, chảy máu não thất gây biến chứng dãn não thất có tỷ lệ tử vong rất cao, việc điều trị gặp rất nhiều khó khăn.
Bệnh nhân khởi phát bệnh với triệu chứng: đột ngột đau đầu, nôn nhiều lần, ý thức chậm dần. Sau 5 giờ khởi phát triệu chứng, bệnh nhân được chuyển tới Khoa Cấp cứu, Bệnh viện TWQĐ 108 trong tình trạng: hôn mê sâu, Glasgow 6 điểm, đồng tử mắt trái 3mm, mắt phải 2mm, phản xạ đồng tử với ánh sáng âm tính, liệt tứ chi, có những cơn duỗi cứng tứ chi.
A, B:cắt lớp vi tính trước khi đặt dấn lưu não thất ổ bụng; C,D: sau dẫn lưu não thất ổ bụng.
Kết quả chụp cắt lớp vi tính sọ não, mạch não cho thấy: tổn thương chảy máu toàn bộ hệ thống não thất bên, não thất 3, 4 gây dãn hệ thống não thất, nguyên nhân chảy máu là do vỡ dị dạng thông động tĩnh mạch (AVM) cạnh não thất bên bên trái, Graeb 4 điểm.
Sau khi hội chẩn, nhóm đột quỵ não Bệnh viện TWQĐ 108 đã quyết định kết hợp nhiều phương pháp điều trị: can thiệp mạch qua da nút khối dị dạng mạch não bằng keo sinh học, sau đó phẫu thuật đặt dẫn lưu não thất mở, bơm thuốc tiêu sợi huyết Alteplase theo liệu trình, hồi sứu tích cực nội khoa.
Sau thời gian theo dõi các tiến triển, bệnh nhân được chỉ định phẫu thuật đặt dẫn lưu não thất ổ bụng.
Theo các bác sĩ sau phẫu thuật ý thức bệnh nhân khá hơn, làm theo y lệnh được, các cơn gồng cứng toàn thân giảm, không còn xoắn vặn tay chân. Ngày thứ 40 sau khởi phát được rút shiley. Bệnh nhân ra viện trong tình trạng ý thức tỉnh, làm theo lệnh được; nói được từng từ, hiểu lời tốt, tứ chi hồi đang hồi phục vận động sức cơ 3/5. Bệnh nhân được chuyển cơ sở Phục hồi chức năng tiếp tục điều trị.
Sau 2 tháng bệnh nhân tái khám có kết quả hồi phục tốt ví dụ như phục hồi hoàn toàn về trí nhớ, sức cơ tay 2 bên 4/5, chân 2 bên 3/5, đã có khả năng tự chăm sóc bản thân, BS Cúc cho biết thêm.
Qua trường hợp trên, các bác sĩ khuyến cáo đột quỵ có xu hướng trẻ hơn trong những năm gần đây, vì vậy, để phòng tránh, giới trẻ nên thường xuyên kiểm tra sức khỏe, tầm soát đột quỵ định kỳ. Những xét nghiệm sàng lọc về cholesterol, huyết áp và đường huyết giúp bác sĩ đánh giá nguy cơ và phòng chống đột quỵ hiệu quả hơn.
Bác sĩ Vũ Anh Nhị, Chủ tịch Hội Thần kinh học TP HCM, cho biết trước đây đột quỵ được xem là bệnh của người cao tuổi, với độ tuổi trung bình từ 55 trở lên. Người bệnh đang có xu hướng trẻ hơn trong những năm gần đây, mỗi năm có khoảng 83.000 bệnh nhân trong độ tuổi 40 đến 45, chiếm 1/3 tổng trường hợp đột quỵ. Nhiều bệnh viện tiếp nhận cấp cứu người bệnh khi mới 20 tuổi hoặc trẻ hơn.
Theo các chuyên gia, giới trẻ thường chủ quan nghĩ rằng đột quỵ chỉ xảy ra ở người lớn tuổi. Do đó, không ít người trẻ khi nhập viện được chẩn đoán đột quỵ tỏ ra rất bất ngờ. Đột quỵ ở người trẻ thường do bệnh tim, dị dạng mạch máu não, một số trường hợp vì uống thuốc ngừa thai, thuốc kích thích gây viêm hoặc vỡ mạch máu. Ngoài ra, lối sống không lành mạnh là nguyên nhân khiến đột quỵ ngày càng trẻ hóa.
Để phòng tránh, các chuyên gia khuyến cáo giới trẻ nên thường xuyên kiểm tra sức khỏe, tầm soát đột quỵ định kỳ. Những xét nghiệm sàng lọc về cholesterol, huyết áp và đường huyết giúp bác sĩ đánh giá nguy cơ và phòng chống đột quỵ hiệu quả hơn.
Bên cạnh đó, nên duy trì lối sống lành mạnh, ngủ sớm, không hút thuốc lá, hạn chế rượu bia, tăng cường vận động, giảm ăn mặn và mỡ béo, ăn nhiều rau xanh và trái cây.