Cứu sống trường hợp ngộ độc methanol rất nặng

21-06-2010 10:39 | Y học 360
google news

Các bác sĩ Khoa cấp cứu và Trung tâm Chống độc Bệnh viện Bạch Mai vừa cứu sống một người ngộ độc methanol rất nặng. Bệnh nhân nghiện rượu nặng nhiều năm qua đã dùng cồn công nghiệp có chứa methanol pha thành rượu để uống.

Các bác sĩ Khoa cấp cứu và Trung tâm Chống độc Bệnh viện Bạch Mai vừa cứu sống một người ngộ độc methanol rất nặng. Bệnh nhân nghiện rượu nặng nhiều năm qua đã dùng cồn công nghiệp có chứa methanol pha thành rượu để uống. Với kinh nghiệm lâm sàng và những phương pháp điều trị hiện đại, các bác sĩ đã cứu sống người bệnh, đồng thời gửi thông điệp cảnh báo tới cộng đồng về sự nguy hiểm của chất methanol.

 Bệnh nhân TMT. và túi cồn chứa methanol được mang vào bệnh viện.
Không có rượu thì uống... cồn

Mặc dù ông TMT, 45 tuổi (Đại La - Hai Bà Trưng - Hà Nội) đã được các bác sĩ cứu thoát khỏi bàn tay tử thần nhưng những người thân trong gia đình đưa ông đến bệnh viện như vẫn còn nguyên nỗi sợ hãi và  hoang mang tột độ bởi họ nghĩ rằng với tình trạng của ông T. lúc đó thì cái chết coi như cầm chắc trong tay. Thạc sĩ Hoàng Bùi Hải -bác sĩ trực Khoa cấp cứu hôm đó - cho biết, ông T. nhập viện trong tình trạng kích thích vật vã, huyết áp tụt không đo được, suy hô hấp nặng, đồng tử giãn tối đa không còn phản xạ với ánh sáng, tất cả những chỉ số sinh hóa có được đều chống lại sự sống của người bệnh. Bằng kinh nghiệm lâm sàng của mình, bác sĩ Hải nhận định đây rất có thể là một trường hợp ngộ độc methanol, (một chất có trong cồn công nghiệp) rất nặng. Các bác sĩ nhanh chóng tiến hành các biện pháp cấp cứu đặt catheter, thở máy, dùng các thuốc vận mạch, truyền dịch và chuyển bệnh nhân lên Trung tâm Chống độc.

Bác sĩ  Trung tâm Chống độc cho biết, họ đã cấp cứu cho nhiều trường hợp ngộ độc rượu, ngộ độc methanol nhưng đây là một ca bệnh chưa từng gặp, nếu không có kinh nghiệm điều trị thì không thể cứu sống được. Bệnh nhân T. đã bị toan chuyển hóa và rối loạn điện giải rất nặng, hôn mê sâu, rối loạn hô hấp, rối loạn tuần hoàn và suy thận. Định lượng methanol trong máu là 139,8mg/100ml, trong khi chỉ cần methanol trên 40mg/100ml là phải có chỉ định lọc máu. Sau 30 giờ lọc máu liên tục và điều trị kịp thời, bệnh nhân đã được cứu sống, và đặc biệt bệnh nhân không bị viêm thị giác.

Khi chúng tôi đến Trung tâm Chống độc, bệnh nhân T. đã hồi phục, tuy nhiên hàm lượng methanol trong máu của bệnh nhân T. còn cao nên vẫn phải tiếp tục điều trị. Khác với nhiều bệnh nhân khác tại Trung tâm Chống độc, ông T. hồn nhiên bộc bạch về cuộc đời mình và con đường đưa ông tới bệnh viện. Đó là một người đàn ông độc thân, làm nghề chụp ảnh, sống chung với gia đình người anh trai. Ông T. nghiện rượu hàng chục năm qua, gần đây do không có tiền mua rượu, ông đành mua cồn 90 độ về pha với nước để uống, cũng không biết thế nào là cồn công nghiệp có methanol, chỉ biết uống cho thỏa cơn nghiện. Hậu quả là sau những ngày dài sử dụng cồn thay rượu, ông T. đã phải nhập viện trong tình trạng cận kề cái chết.

Methanol là một độc chất có thể gây chết người

TS. Phạm Duệ, Giám đốc Trung tâm Chống độc cho biết, trong rượu bình thường  hay còn gọi là rượu bia thực phẩm là rượu bia có chứa ethanol.  Tuy được dùng để pha chế đồ uống giải khát nhưng bản thân ethanol cũng là chất có thể gây độc: ethanol ức chế làm suy yếu hệ thần kinh trung ương, gây giảm hoạt tính các nơron thần kinh. Vì thế nếu uống nhiều rượu sẽ dẫn đến say, nghiện và gây ra nhiều tác hại cho sức khỏe. Tuy nhiên nguy hiểm hơn và thường dẫn đến chết người là khi uống rượu có chứa methanol, một chất cồn công nghiệp. Những người sử dụng thường bị nghiện rượu, ham rượu rẻ nên thường mua phải rượu có lẫn tạp chất là methanol, uống nhiều có thể gây chết người như đã từng xảy ra ở đồng bằng sông Cửu Long và miền Trung - Tây Nguyên. Tuy nhiên, tự pha cồn methanol để uống thay rượu như bệnh nhân T. là trường hợp hiếm gặp.

Methanol sau khi được uống vào sẽ chuyển hoá thành formaldehyde nhờ men alchoholdehydrogenase và sau đó thành formic acid nhờ men acetaldehyde dehydrogenase. Chính những chất này gây độc cho gan, thận gây suy thận cấp, viêm gan nhiễm độc, đặc biệt là gây toan hóa máu nặng nề. Triệu chứng đầu tiên có thể bao gồm: chán nản, lú lẫn, ngủ li bì. Triệu chứng nhiễm độc có thể xuất hiện chậm sau 18 - 24 giờ, bao gồm đau đầu, các triệu chứng về thị lực (nhìn mờ, nhìn có màu trắng), buồn nôn, nôn, thở nhanh, suy hô hấp. Nhiễm độc methanol nặng gây hôn mê, co giật, tụt huyết áp và tử vong nhanh chóng

Theo TS. Duệ, methanol vốn chỉ được dùng trong công nghiệp. Đây là một chất cực độc, uống vào nếu không tử vong cũng gây ra viêm gan nhiễm độc, suy thận cấp, viêm thị giác dẫn đến mù. Nhiều trường hợp nghiện rượu, với nồng độ rượu bình thường uống vào không khiến họ cảm thấy "phê" mà phải pha thêm cồn vào uống mới đã. Nếu là cồn ethanol thì sẽ gây ngộ độc rượu (say) rồi lại tỉnh nhưng nếu là cồn methanol thì say là chết.

TS. Duệ nhấn mạnh, để phòng tránh ngộ độc methanol, trước hết là giảm uống rượu, không vì ham rẻ mà mua rượu không rõ nguồn gốc như mua rượu bán rong hay rượu pha chế không bảo đảm. Cũng cần phải nhớ rằng không phải rượu nào cũng là rượu uống được, cồn nào cũng có thể pha thành rượu được. Cuối cùng, không uống quá nhiều rượu, bia  và nên uống có chừng mực: tốt nhất là 1 ngày không uống quá 50ml rượu mạnh hoặc 750ml bia.

Bài và ảnh: Lê Hảo


Ý kiến của bạn