(SKDS) – 30 phút sau khi chào đời, nặng gần 2,9kg, bé Nguyễn Trọng Anh Minh đã tái nhợt, có dấu hiệu suy hô hấp, ngưng thở và được chuyển ngay tới Khoa nhi, Bệnh viện Bạch Mai trong tình trạng cấp cứu. Sau hơn 20 ngày các bác sĩ giành giật lại sự sống cho bé, đến nay sức khỏe bé đã trở lại gần như bình thường.
Giành giật sự sống
Theo PGS.TS. Nguyễn Tiến Dũng, Trưởng Khoa nhi, Bệnh viện Bạch Mai, vào trung tuần tháng 5, khoa đã tiếp nhận bệnh nhi được chuyển từ Khoa sản (BV Bạch Mai) trong tình trạng tím tái, có dấu hiệu suy hô hấp và có cơn ngừng thở (vừa được sinh mổ do bị suy thai).
Vào khoa, Anh Minh được các bác sĩ cho thở máy ngay lập tức nhằm hỗ trợ hô hấp, tiếp đó bé được chỉ định làm xét nghiệm máu. Kết quả cho thấy, tình trạng thiếu máu trầm trọng và được chỉ định truyền 50ml máu, nhưng tình trạng bệnh nhi không được cải thiện. Nghi ngờ có rối loạn đông máu (vì theo kết quả xét nghiệm chỉ số đông máu chỉ đạt 30%, trong khi chỉ số bình thường phải đạt 70 - 80%). Vì vậy, bệnh nhi tiếp tục được làm xét nghiệm lần 2.
Ảnh chụp phim tụ máu não của bệnh nhi. Ảnh: Hồng Hải |
Ngoài ra, bệnh nhi còn được siêu âm thóp và chụp CT. Kết quả khiến các bác sĩ vô cùng bất ngờ bởi ổ máu xuất huyết chiếm gần hết bán cầu đại não bên phải (kích thước lên tới 7cmx2cm) và đè vào hố sau tiểu não. Điều này giải thích rằng tình trạng nguy kịch của cháu do bị chèn ép vào trung tâm hô hấp và tim mạch nên gây ngừng thở, trụy mạch rất nhanh và bé đã được chỉ định truyền máu lần 2.
Sau đó, tình trạng thiếu máu do xuất huyết não đã được cải thiện, không bị co giật. Bệnh nhi đã được duy trì máy thở và được chăm sóc theo dõi, điều trị đặc biệt bằng các thuốc đặc hiệu như: thuốc phenobacbital chống co giật, vitamin K tăng đông máu và các thuốc hỗ trợ nâng mạch huyết áp, truyền dịch... Tuy nhiên, về liều lượng phải tính toán rất chi tiết để sao cho tổng lượng dịch truyền vào chỉ đủ để duy trì huyết áp ổn định chứ không được truyền nhiều vì sẽ làm tăng nguy cơ chảy máu tiếp.
Về thở máy phải duy trì ổn định không chỉ nồng độ ôxy máu mà cả phân áp khí carbonic cũng không được quá thay đổi lên cao hoặc xuống thấp vì điều này ảnh hưởng đến lưu lượng dòng máu tới não. Nếu phân áp ôxy máu quá thấp và khí carbonic quá cao thì sẽ làm cho dòng máu tới não nhiều hơn mức bình thường, làm tăng áp lực động mạch não, do đó bệnh nhi sẽ bị xuất huyết thêm.
Ngược lại, nếu thở máy mà để cho nồng độ ôxy trong máu tăng quá mức và nồng độ khí carbonic giảm dưới mức bình thường thì sẽ làm giảm dòng máu tới não và khi đó não sẽ bị tổn thương có thể không hồi phục và là nguyên nhân gây các di chứng về sau này. Việc theo dõi chăm sóc và điều chỉnh các thông số của máy thở kịp thời từng giờ, từng phút góp phần cứu sống bệnh nhi. Trong những ngày này, bé hoàn toàn ăn bằng ống sông.
Theo PGS.TS. Nguyễn Tiến Dũng, tại Khoa nhi, xuất huyết não ở trẻ sơ sinh thể nhẹ gặp khá nhiều nhưng đây là trường hợp lần đầu tiên, rất đặc biệt bị xuất huyết não ồ ạt, ngay sau khi sinh nên mọi biện pháp phòng ngừa là không thể. May mắn bệnh nhi cũng kịp thời được cấp cứu và làm các xét nghiệm để được chẩn đoán sớm, giúp bác sĩ lựa chọn phương pháp điều trị đúng và sớm nhất.
Xuất huyết não là tình trạng bệnh nguy hiểm, nếu gặp ở trẻ sơ sinh thì tỷ lệ tử vong là rất cao (từ 25-40%), nếu không cũng để lại di chứng như: động kinh, liệt vận động, chậm phát triển tinh thần, ứ nước não thất, khiến trẻ bị tàn tật suốt đời. Theo một nghiên cứu ở Mỹ kiểm tra ngẫu nhiên tình trạng xuất huyết não ở trẻ sơ sinh đủ tháng kết quả cho thấy từ 2 - 5/10.000 trẻ sinh bị xuất huyết não không có triệu chứng.
Bé Anh Minh đã tự bú được. Ảnh: Hồng Hải |
May mắn đã mỉm cười
Anh Nguyễn Trọng Tuấn, bố của bé Nguyễn Trọng Anh Minh cho biết, đây là con thứ 2 của gia đình, trong quá trình mang thai, mẹ cháu đã khám và theo dõi định kỳ, sang tháng thứ 8 được bác sĩ chẩn đoán bị tiểu đường thai kỳ. Khoảng 2 ngày trước dự kiến sinh, chị Thanh cảm thấy người hơi mệt, chị đã vào Khoa sản, Bệnh viện Bạch Mai để khám. Tại đây, các bác sĩ siêu âm thấy có dấu hiệu thai suy nên chị được nhập viện mổ cấp cứu lấy thai ngay.
Và rất may cháu được chuyển sang Khoa nhi kịp thời. Sau gần 1 tháng được tập thể các y, bác sĩ tận tình cứu chữa, may mắn đã mỉm cười với cháu bé và gia đình. Hiện nay, theo kết quả siêu âm thì ổ máu xuất huyết đã tiêu dần chỉ còn kích thước 2,7x2cm. Bé Anh Minh hoàn toàn tỉnh táo, bú tốt, các phản xạ như những trẻ bình thường khác và có thể sẽ được xuất viện trong tuần này.
Tuy nhiên, theo PGS.TS. Nguyễn Tiến Dũng, bé sẽ vẫn phải tái khám thường xuyên 1 tháng/lần để theo dõi máu tiêu đi như thế nào. Đây là trường hợp hy hữu và may mắn được cứu sống. Qua trường hợp này, PGS.TS. Dũng khuyến cáo, ở trẻ sơ sinh mọi dấu hiệu bất thường đều là những gợi ý quan trọng về bệnh tình của trẻ.
Đặc biệt dấu hiệu nôn trớ vô cùng quan trọng và không thể coi thường, bởi giữa nôn trớ sinh lý ở trẻ sơ sinh và nôn trớ do xuất huyết não không có gì khác biệt. Nếu thấy trẻ sơ sinh nôn trớ không rõ nguyên nhân, hãy cho bé đi khám ngay tại cơ sở y tế gần nhất để phát hiện sớm và điều trị kịp thời tránh biến chứng đáng tiếc.
Khánh Mai