Hà Nội

Cứu sống trẻ 6 tuổi tổn thương gan thận do 112 vết ong đốt

24-08-2016 17:03 | Camera bệnh viện
google news

SKĐS - Gần đây, BV Nhi đồng 1 vừa cứu sống trẻ bị ong đốt 112 vết khắp người, suy gan thận nhờ lọc máu liên tục. Vậy khi trẻ bị ong đốt, chúng ta cần tiến hành những biện pháp sơ cứu và điều trị gì?

Theo thông tin từ BS. Nguyễn Minh Tiến, Trưởng khoa Hồi sức Tích cực & Chống độc của Bệnh viện Nhi đồng 1, tuần qua, Khoa Cấp cứu - Hồi sức tiếp nhận một trường hợp em Tr. M. S. 6 tuổi nam, ngụ tại Tháp Mười, Đồng Tháp, được chuyển viện với chẩn đoán ong vò vẽ đốt biến chứng tổn thương gan, thận.

Bị 112 vết ong đốt, trẻ suy gan thận

Khai thác bệnh sử ghi nhận em S. đi chơi cùng anh trai trong vườn trước nhà. Người anh thấy tổ ong trên cây nên lấy cây chọc phá tổ ong, làm đàn ong vò vẽ bay ra tấn công. Người anh chủ động bỏ chạy, trong khi người em không biết nên bị đàn ong tấn công. Ong đốt em khoảng 112 vết ở đầu, mặt, chân tay. Em la lên kêu cứu, người nhà gần đó lấy vợt, tàu dừa, xua đuổi đàn ong và đưa em khỏi nơi nguy hiểm. Người nhà nhanh chóng đưa em đến bệnh viện địa phương sơ cứu rồi chuyển lên bệnh viện tỉnh. Tại đây trẻ được điều trị cấp cứu truyền dịch, xét nghiệm máu cho thấy trẻ bị tổn thương gan, thận nặng nên chuyển bệnh viện Nhi Đồng 1.

Tại khoa Hồi sức Tích cực và chống độc, qua thăm khám ghi nhận trẻ lơ mơ, mạch nhẹ chi mát, huyết áp tụt, khó thở, vàng da vàng mắt, không có nước tiểu – vô niệu. Trẻ có 112 vết ong đốt ở đầu cổ, tay, lưng gây sưng phù, xét nghiệm cấp cứu với kết quả cho thấy suy gan với men gan tăng cao -  ALT, AST tăng trên 4000đv/L (bình thường < 40đv/L), suy thận, rối loạn đông máu, toan chuyển hóa, tăng kali máu.

Lọc máu liên tục cứu sống trẻ bị ong đốt

Em được đặt nội khí quản giúp thở, chống sốc phản vệ với thuốc adrenalin, hydrocortisone, pipolphen, ranitidin, dịch truyền, và nhanh chóng chuyển khoa Hồi sức, được ekíp lọc máu tiến hành lọc máu liên tục. Sau 48 giờ lọc máu, tình trạng của em cải thiện hơn: tỉnh táo, bớt vàng da vàng mắt, tình trạng suy hô hấp cải thiện. Sau đó, em được cai máy thở và không cần thở oxy nữa.

so-cap-cuu-ong-dot

Nếu ong đốt mà bệnh nhân có những dấu hiệu dị ứng nghiêm trọng, khó thở, ngất xỉu, cần gọi cấp cứu ngay (Ảnh minh họa: Argonne Today)

Trẻ em vốn ham chơi nên việc bị ong đốt rất có thể xảy ra. Nếu chỉ là 1-2 vết đốt nhỏ và không gây tổn thương, không gây dị ứng, người thân có thể tiến hành sơ cứu gắp vòi ong, chườm đá và cho uống thuốc giảm đau như acetaminophen hay ibuprofen là được. Nếu bị dị ứng nghiêm trọng hay có những dấu hiệu trầm trọng, cần nhanh chóng gọi cấp cứu. Sau đây là những hướng dẫn về cách sơ cứu, chăm sóc và điều trị cho trẻ bị ong đốt trên trang y khoa webMD mà có thể rất hữu ích cho các bậc phụ huynh và người thân.

Sơ cấp cứu dị ứng vết ong đốt/côn trùng đốt
Theo trang webMD chuyên về sức khỏe, khi bị dị ứng cho côn trùng hay ong đốt, cần phải gọi ngay cấp cứu nếu như người bệnh có các triệu chứng sau:
- Khó thở
- Cảm thấy muốn ngất xỉu hay chóng mặt
- Nổi mề đay
- Lưỡi sưng phồng
- Đối tượng từng có tiền sử dị ứng nghiêm trọng với vết côn trùng đốt

4-buoc-so-cuu-dieu-tri-ong-dot

4 bước sơ cứu và điều trị vết ong đốt

Trong trường hợp đối tượng bị ong đốt hay côn trùng đốt không có các dấu hiệu dị ứng nghiêm trọng, thì có thể tiến hành sơ cứu như sau:

Cách sơ cứu vết ong đốt/côn trùng đốt thông thường

1. Loại bỏ côn trùng, vòi ong đốt bám trên da

Hãy làm sạch vùng bị đốt bằng cạnh của một miếng bìa hoặc lấy một vật có cạnh thằng để gạt côn trùng hay vòi ong ra.

Đừng véo vào con côn trùng hay dùng nhíp, vì có thể bị nhiễm nọc độc của chúng.

2. Làm dịu vết đốt

- Dùng đá chườm vùng bị ong đốt hay côn trùng đốt

- Nếu bạn bị đốt ở cánh tay hay chân, hãy nhấc cánh tay hoặc chân lên.

- Hãy tháo bất kể đồ trang sức nào đang đeo ở khu vực xung quanh vết đốt. Tuy nhiên, nếu bị sưng, có thể hơi khó để tháo nhẫn hay vòng tay ra khỏi tay.

3. Điều trị triệu chứng ong đốt/côn trùng đốt

- Nếu bị đau, hãy dùng thuốc giảm đau như acetaminophen hay ibuprofen. Không dùng aspirin cho bất kể ai dưới 19 tuổi.

- Nếu bị mẩn ngứa, hãy dùng antihistamine. Bạn cũng có thể pha hỗn hợp baking soda và nước hoặc với dung dịch calamine.

4. Tiếp tục theo dõi người bị ong đốt/côn trùng đốt

- Có thể mất từ 2-5 ngày mới khiến vùng bị ong đốt hay côn trùng đốt dịu lại. Hãy giữ sạch vùng da bị ong đốt hay côn trùng đốt để tránh nhiễm trùng.

so-cuu-ong-dot

Nếu vết ong đốt khiến da người bệnh bị sưng và mẩn đỏ, cần gọi cấp cứu ngay (Ảnh minh họa: lethow.com)

Khi nào cần gọi cấp cứu kể cả không dị ứng với ong đốt?

Nếu bệnh nhân có bất kể triệu chứng nào hoặc từng có tiền sử với các phản ứng dị ứng nghiêm trọng, kể cả khi không có triệu chứng thì cần phải gọi ngay cấp cứu:

- Khó thở hoặc thở khò khè

- Bị tắc nghẹn trong cổ họng hay cảm giác như đường thở bị đóng kín

- Khan giọng hoặc nói khó khăn

- Buồn nôn, đau bụng, và nôn mửa

- Nhịp tim nhanh hoặc mạch đập nhanh

- Da bị mẩn ngứa, sưng phồng hay mẩn đỏ nghiêm trọng

- Hoảng loạn hoặc chóng mặt

- Bất tỉnh

Nguyễn Vân
Ý kiến của bạn