Cháu T. ngay lập tức được sơ cứu tại TTYT tuyến huyện và chuyển vào BVĐK tỉnh Quảng Ninh trong tình trạng hôn mê, glassgow 8 điểm, vết thương vùng thái dương trán phải khoảng 1cm, chảy nhiều máu, lộ nhu mô sọ não. Kết quả thăm khám và chụp cắt lớp cho thấy dị vật kim loại hình tròn đi xuyên hộp sọ từ trán ra sau chẩm khiến đụng dập chảy máu nhu mô não nghiêm trọng. Trước tình trạng tối khẩn cấp, các bác sĩ chuyên ngành thần kinh cột sống, gây mê hồi sức, chẩn đoán hình ảnh, nhi khoa lập tức hội chẩn đánh giá vết thương sọ não do hỏa khí ở bệnh nhi 3 tuổi. Nhận định tình trạng vô cùng nguy kịch phải xử trí gấp nên cháu bé được chuyển thẳng phòng mổ để kịp thời phẫu thuật.
Các bác sĩ phẫu thuật xử trí phần sọ não bị nứt vỡ cho bệnh nhi 3 tuổi.
Kíp cấp cứu do các bác sĩ chuyên ngành phẫu thuật thần kinh phối hợp chặt chẽ với bác sĩ gây mê hồi sức tiến hành mở một nửa hộp sọ, bộc lộ vùng tổn thương và lấy tất cả máu tụ dưới màng cứng chảy từ ổ dập xuyên suốt nửa bán cầu não. Đồng thời, phẫu thuật viên cẩn trọng gắp mảnh đạn ra khỏi não, cầm máu và thực hiện tạo hình lại màng não trước khi đặt ống dẫn lưu. Phần xương sọ nửa bán cầu được gửi đến ngân hàng mô để nuôi dưỡng và sẽ tiến hành ghép lại xương sọ sau khi phần não tổn thương phục hồi. Ca mổ diễn ra sau hơn 2 giờ phẫu thuật căng thẳng. Cháu bé đã tỉnh lại và phục hồi tích cực sau 3 ngày hôn mê sâu. Đến nay, sức khỏe cháu T. tiến triển đáng kể, tự thở và ăn uống được, liệt nhẹ nửa người trái.
BSCKI. Nguyễn Tiến Dũng, Trưởng khoa Khám chữa bệnh theo yêu cầu, Trưởng đơn nguyên Phẫu thuật thần kinh, BVĐK tỉnh Quảng Ninh cho biết: Trường hợp cháu T. là tai nạn hy hữu, tổn thương nặng nề với mảnh kim loại xuyên sọ phức tạp, từ trán ra sau chẩm, sau đó còn dội ngược lại gây đụng dập chảy máu nhu mô não và vỡ nát hộp sọ. Nếu không được phẫu thuật cấp cứu kịp thời sẽ nguy hiểm đến tính mạng, nhất là với cháu bé chỉ có 3 tuổi, thể trạng sức khỏe yếu. Trước tổn thương não nặng nề như vậy, nhiều trường hợp buộc phải chấp nhận để nguyên dị vật trong hộp sọ bởi những nguy cơ mất máu cũng như gây tác động tới các vùng não quan trọng xung quanh. Tuy nhiên, vì có thể đánh giá kiểm soát được những nguy cơ trên nên chúng tôi đã quyết định vừa lấy máu tụ, xử lý những tổn thương bị đụng dập và khéo léo đưa mảnh kim loại ra ngoài an toàn. Thấy cháu T. hôn mê sâu 3 ngày liên tiếp đã phục hồi ngoạn mục như bây giờ thực sự là niềm hạnh phúc không thể diễn tả bằng lời của cả êkíp phẫu thuật.
Các bác sĩ BVÐK tỉnh Quảng Ninh khuyến cáo thêm: Ðối với trẻ nhỏ, các bậc phụ huynh cần giúp các bé nhận thức được sự nguy hiểm, tránh xa các vật dụng, trò chơi có tính sát thương cao. Ðồng thời, người lớn tuyệt đối không sử dụng các loại súng tự chế, súng hơi, vũ khí kim loại sắc nhọn hoặc để các vật dụng trên trong tầm tay của trẻ em. Nếu không may gặp phải tai nạn do súng đạn tự chế, đạn hỏa khí... gia đình cần nhanh chóng chuyển nạn nhân đến cơ sở y tế gần nhất để được hỗ trợ cấp cứu và xử trí kịp thời.