Cứu sống trẻ 3 tháng tuổi bị sởi biến chứng nặng

20-03-2014 17:48 | Thời sự
google news

SKĐS - Đây là ca bệnh thứ hai bị biến chứng nặng do sởi đã được các bác sĩ khoa Nhi, BV Bạch Mai cứu sống trong vòng chưa đầy một tháng. Việc cứu sống những bệnh nhi này đã mở ra hướng mới trong điều trị bệnh nhi mắc sởi biến chứng nặng.

Đây là ca bệnh thứ hai bị biến chứng nặng do sởi đã được các bác sĩ khoa Nhi, BV Bạch Mai cứu sống trong vòng chưa đầy một tháng. Bệnh nhi phải thở máy và đặt nội khí quản lần 2 với diễn biến bệnh phức tạp. Việc cứu sống những bệnh nhi này đã mở ra hướng mới trong điều trị bệnh nhi mắc sởi biến chứng nặng.

PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, Trưởng khoa Nhi cho biết, bệnh nhi Đặng Trúc Chi (3 tháng tuổi, Thanh Trì, HN) vào viện đêm 19/2/2014 ngay sau khi các dấu hiệu sốt cao 39 độ C, ho nhiều, chảy nước mắt, mũi, nổi ban đỏ. Bệnh nhi là con thứ hai, sinh ra khỏe mạnh, chưa được tiêm chủng vắc xin sởi. Tiền sử gia đình có anh trai bệnh nhân (3 tuổi) cũng mắc bệnh, nhập viện với chẩn đoán sởi biến chứng viêm thanh quản cấp và đã được chữa khỏi.

Các bác sĩ đã cho bệnh nhân uống kháng sinh, dùng thuốc hạ sốt, nhưng cứ uống vào lại nôn và phải đổi kháng sinh đường tiêm. Chỉ sau một ngày vào viện, bệnh diễn biến nặng lên rất nhanh, sốt cao liên tục, ho nhiều, nhịp thở nhanh 65 lần/phút, có biểu hiện co rút lồng ngực, tím tái nặng, nồng độ oxy trong máu giảm.

Bệnh nhân được làm các xét nghiệm máu, xét nghiệm miễn dich, chụp phim liên tục để đánh giá diễn biến biến chứng phổi và được xác định dương tính với virus sởi. Xét nghiệm miễn dịch tế bào là bình thường, nhưng những yếu tố liên quan đến kháng thể chống lại bệnh giảm xuống nhanh chóng. Điều này giải thích cho tình trạng virus sởi tấn công trực tiếp vào phổi ngay khi các vết ban mới mọc, gây suy hô hấp nặng.

Một số xét nghiệm máu giảm nhiều so với bình thường. Đặc biệt, các xét nghiệm về bội nhiễm vi trùng không có. Đây cũng là minh chứng cho thấy biến chứng do vi trùng xâm nhập vào cơ thể theo kiểu cổ điển của bệnh sởi không diễn biến ở trẻ này.

Bé Chi đã khỏe mạnh ra viện sau một tháng điều trị do những biến chứng nặng của bệnh sởi.

Bé Chi đã khỏe mạnh ra viện sau một tháng điều trị do những biến chứng nặng của bệnh sởi.

Bệnh nhi được thở oxy, tiến hành đặt nội khí quản và thở máy, truyền dịch, dùng kháng sinh chống bội nhiễm. “Chúng tôi đã sử dụng loại máy thở hiện đại nhất hiện có ở khoa để điều trị cho ca bệnh này. Cái khó ở đây là việc điều chỉnh máy thở liên tục dựa vào nồng độ oxy trong máu cho phù hợp với cơ thể trẻ, khi nào trẻ tự thở được thì sẽ để trẻ tự thở. Việc tiêm truyền vitamin A, dùng kháng sinh chống bội nhiễm như thế nào cũng rất quan trọng…”- PGS. Dũng cho hay.

Sau 8 ngày thở máy, bệnh nhi được cai máy thở. Thở oxy qua ống nội khí quản nhịp thở tốt, phổi thông khí tốt, các vết ban toàn thân đã bay hết. Trẻ được rút ống nội khí quản song lại xuất hiện tình trạng thở rít, viêm thanh quản rất giống với tình trạng bệnh nhi điều trị thành công trước đó. Các cơn co rút lồng ngực nhiều, nhịp tim nhanh 82 lần/phút,… Trẻ được tiếp tục đặt nội khí quản và thở máy lại lần hai, tiếp tục thở máy 3 ngày.

Đến ngày điều trị thứ 16 (trong đó có 11 ngày thở máy), bệnh nhi đã hết sốt, thở đều, được cai máy thở lần 2. Một tháng sau, trẻ không phải thở oxy, bú tốt, tình trạng khỏe mạnh, xét nghiệm sau điều trị hoàn toàn bình thường, trẻ khỏe mạnh ra viện. Trước đó, người nhà bé Chi cho biết, đã có lúc tưởng như bé không thể qua khỏi do bệnh diễn biến, song các bác sĩ đã hồi sinh sự sống cho bé bằng sự nỗ lực cao nhất.

Ngày hôm nay 20/3, BV Bạch Mai đã làm lễ tiễn bệnh nhi này ra viện.

Bệnh nhi được điều trị bằng máy thở hiện đại.

Bệnh nhi được điều trị bằng máy thở hiện đại.

Nhiều bệnh nhi dưới 1 tuổi mắc sởi

PGS. Dũng cho biết, năm nay, bệnh nhi dưới 1 tuổi mắc sởi rất nhiều, điển hình như ca bệnh này mới 3 tháng tuổi. Đặc biệt có trẻ nhỏ nhất mới 24 ngày tuổi trong khi trước đó, sởi ít gặp ở trẻ dưới 1 tuổi.

Với các ca sởi thông thường, khi vết sởi bay, bệnh nhân sốt lại lúc này virus sởi mới tấn công. Nhưng gần đây, nhiều ca bệnh biến chứng sởi nặng, virus sởi tấn công trực tiếp vào phổi ngay khi các vết ban mới mọc, diễn biến bệnh cực kỳ nhanh gây nguy hiểm cho trẻ.

Do đó, cha mẹ cần chú ý theo dõi, phát hiện sớm các biểu hiện của trẻ như thở nhanh, sốt cao, ho, khó thở… để đưa trẻ đi khám, phát hiện kịp thời tránh biến chứng nguy hiểm có thể đe doạ tính mạng trẻ. Cần nhanh chóng đưa trẻ đi tiêm vắc xin phòng bệnh. Ngoài ra, người dân cần chú ý tăng cường vệ sinh cá nhân phòng bệnh vì sởi là bệnh lây qua đường hô hấp.

Một số hình ảnh tại lễ tiễn bệnh nhi bị sởi biến chứng nặng ra viện:

Gia đình vui mừng cảm ơn các bác sĩ đã nỗ lực cứu sống cho trẻ.

Gia đình vui mừng cảm ơn các bác sĩ đã nỗ lực cứu sống cho trẻ.

Lãnh đạo BV Bạch Mai và khoa Nhi chúc mừng gia đình bệnh nhân.

Lãnh đạo BV Bạch Mai và khoa Nhi chúc mừng gia đình bệnh nhân.

Bé Chi hiện đã bú tốt.

Bé Chi hiện đã bú tốt.

Tập thể khoa Nhi với nhiều nỗ lực trong việc giành lại sự sống cho các bệnh nhi.

Tập thể khoa Nhi với nhiều nỗ lực trong việc giành lại sự sống cho các bệnh nhi.

Lê Bình

 

 

Bệnh Sởi
Sởi và biến chứng
(cập nhật liên tục)

 


Ý kiến của bạn