Theo đó, bệnh nhi L.D.L, nam, 16 ngày tuổi, sinh mổ, đủ tháng, ở Hậu Giang. Ở nhà bé đã sốt cao 2 ngày, co gồng, bú kém, điều trị ngoại trú không giảm.
Bệnh nhi được đưa vào BV Nhi Đồng TP Cần Thơ trong tình trạng co gồng toàn thân khi đang sốt 39℃, suy hô hấp nặng được nhanh chóng hỗ trợ hô hấp bằng thở máy, chống co giật tại Khoa Cấp cứu và được chuyển lên Khoa Hồi sức Sơ sinh.
Tại Khoa Hồi sức Sơ sinh, ghi nhận em co gồng toàn thân, co cứng chi dưới liên tục, tăng trương lực cơ toàn thân, rốn lồi rỉ dịch đục, hôi, xạm da rốn, mẹ không tiêm ngừa uốn ván trước và trong thời kỳ mang thai.
Bé được chẩn đoán uốn ván rốn và được xử trí giúp thở bằng thở máy, an thần, dãn cơ liên tục, kháng sinh, hạ sốt, nuôi ăn qua đường tĩnh mạch, chăm sóc rốn.
Sau hơn 20 ngày điều trị, tình trạng hô hấp được cải thiện, bé còn co gồng mỗi khi kích thích, trương lực cơ bớt tăng, rốn khô, bé được chuyển sang hỗ trợ hô hấp không xâm nhập, dinh dưỡng chuyển dần bằng đường tiêu hoá, duy trì điều trị an thần, kháng sinh và được phối hợp tập vật lý trị liệu.
Sau hơn 1 tháng 10 ngày điều trị, bé cải thiện gần như hoàn toàn, trương lực cơ và vận động gần như trở về bình thường, bú tốt và tăng cân đều đặn.
Theo các bác sĩ Khoa Sơ sinh, BV Nhi đồng Cần Thơ: Uốn ván là một bệnh lý cấp tính gây ra bởi ngoại độc tố của vi khuẩn Clostridium tetani, với đặc trưng gây tăng trương lực cơ và co cứng cơ.
Uốn ván sơ sinh hay còn được gọi là uốn ván rốn là thể gây tử vong cao nhất trong các thể lâm sàng của bệnh uốn ván, thường gây biểu hiện toàn thân ở trẻ sơ sinh.
Chẩn đoán xác định bệnh chủ yếu dựa vào lâm sàng mà không cần phụ thuộc vào khẳng định vi khuẩn học. C.tetani được tìm thấy từ vết thương chỉ trong 30% trường hợp và nó cũng có thể được phân lập từ những người không mắc bệnh uốn ván. Bệnh thường dẫn đến tử vong nếu không được can thiệp điều trị.
Thầy thuốc khuyến cáo, nếu cha mẹ phát hiện trẻ có các biểu hiện trên nên đến ngay các cơ sở chuyên khoa để được bác sĩ khám, chẩn đoán, xử trí phù hợp tránh trường hợp đáng tiếc xảy ra.