Hà Nội

Cứu sống thợ lặn gặp tai biến nguy kịch khi đang đánh bắt hải sản ở đảo Cô Tô

22-05-2019 15:59 | Camera bệnh viện
google news

SKĐS - TTND.GS.TS Nguyễn Trường Sơn - Chủ tịch Hội đồng Khoa học và chuyên môn Viện Y học biển Việt Nam cho biết, các bác sĩ của Viện vừa điều trị thành công ca tai biến lặn cho ngư dân đảo Cô Tô, Quảng Ninh.

Bệnh nhân là một thanh niên 25 tuổi đang hành nghề lặn đánh bắt hải sản tại đảo Cô Tô, nhập viện Viện Y học biển Việt Nam lúc trưa ngày 11/5/2019.

Theo lời kể của bệnh nhân, đêm hôm trước bệnh nhân đi lặn đánh bắt hải sản ở ngư trường Cô Tô. Bệnh nhân lặn liên tục 7 lần trong đêm ở độ sâu từ 18-25m, thời gian mỗi cuộc lặn là 1 giờ, nổi lên mặt nước khoảng 3 – 5 phút, thời gian nghỉ giữa các lần lặn khoảng 20 phút.

Ở lần lặn cuối cùng, bệnh nhân lặn ở độ sâu khoảng 25m, nổi lên nhanh. Sau khi lên mặt nước bệnh nhân xuất hiện đau căng tức cẳng chân trái và bệnh nhân đã tự tái tăng áp ở độ sâu 12m trong 1 giờ rồi nổi lên. Sau nổi lên, tình trạng không cải thiện tốt hơn mà diễn biến ngày càng xấu hơn, bệnh nhân thấy đau tức, tê yếu 2 chi dưới nhiều, cảm giác đau dữ dội làm bệnh nhân khó có thể tự đi lại được.

Bệnh nhân nhập viện với triệu chứng đau tức, tê yếu 2 chi dưới nhiều, cảm giác đau dữ dội làm bệnh nhân khó có thể tự đi lại được.

Theo GS.TS Nguyễn Trường Sơn, đã có nhiều thợ lặn ở Cô Tô điều trị khỏi bệnh giảm áp ở Viện Y học biển trước đó nên bệnh nhân nhanh chóng được chính các thợ lặn này tư vấn hỗ trợ chuyển ngay vào bờ để đến Viện điều trị. Sau 7 giờ di chuyển bằng tàu và ô tô bệnh nhân được nhập viện Y học biển để điều trị trong tình trạng tương đối tỉnh táo, 2 chi dưới liệt và đau, không thể tự đi lại được, tiểu tiện vẫn còn tự chủ.

Kíp trực đã hội chẩn với Trung tâm Y học dưới nước và Oxy cao áp để tiến hành điều trị ngay cho bệnh nhân vì với tai biến lặn thì chỉ có phương pháp điều trị tốt nhất là tái tăng áp, sau đó giảm áp kết hợp với trị liệu ôxy cao áp.

GS.TS Nguyễn Trường Sơn cho hay, bệnh nhân đã được điều trị theo phác đồ điều trị tai biến lặn của Hải quân Hoa Kỳ ở độ sâu 50m nước (6 ATA) trong 6 giờ liên tục, ngay trong ca điều trị đầu tiên áp suất điều trị 6ATA bệnh nhân đã giảm đau rõ rệt, 2 chân có thể cử động tốt. Sau điều trị bệnh nhân giảm liệt, đau và tê bì đến 9/10 so với lúc ban đầu, đi lại thoải mái. Đây là điều mà đến chính bệnh nhân cũng không thể ngờ tới. Và chỉ sau 3 ngày điều trị bệnh nhân đã khỏi hoàn toàn các triệu chứng và có thể xuất viện được.

Phòng ngừa tai biến lặn, cách nào?

Đánh giá về nguyên nhân gây tai biến lặn ở bệnh nhân này, BS. Lê Thị Hồng - Trung tâm Y học dưới nước và Oxy cao áp, Viện Y học biển Việt Nam cho biết có thể do bệnh nhân lặn quá nhiều lần trong một đêm (7 lần/đêm). Thời gian một cuộc lặn (thời gian ở đáy nước) quá dài (> 1 giờ). Độ sâu của lần lặn sau phải nông hơn lần lặn trước.

Bên cạnh đó, lúc lên ngoi quá nhanh, tức giảm áp không đúng theo qui định. Sức khỏe những lần lặn sau không được tốt. Bệnh nhân tự giảm áp, tự điều trị không đúng phương pháp. Bệnh nhân chỉ đi lặn theo kinh nghiệm phi khoa học, và chưa từng được đào tạo về kỹ thuật và an toàn lặn, chưa từng được đào tạo về cấp cứu ban đầu các tai biến lặn biển.

Những nguyên nhân này làm tăng nguy cơ mắc bệnh giảm áp - BS. Hồng thông tin.

Bệnh nhân sau 03 ngày điều trị tại Viện Y học biển.

Do đó, để phòng ngừa tai biến lặn, các bác sĩ khuyến cáo người lặn phải tuân thủ nghiêm ngặt các quyđịnh sau đây:

- Không nên lặn quá 2 lần/ngày.

- Thời gian ở dưới đáy tốt nhất là 30 phút trở lại (vì thời gian ở đáy nước càng lâu thì nguy cơ tai biến lặn càng cao.

- Độ sâu lần lặn sau bao giờ cũng phải nông hơn và thời gian ngắn hơn lần lặn trước.

- Lần lặn sau độ sâu phải nông hơn và ngắn hơn lần lặn trước.

- Thời gian nổi lên mặt nước chỉ nên là 1feet/ phút (0,3048 m/phút)

Qua quá trình điều trị, các bác sĩ cho biết, trên thực tế còn rất nhiều thợ lặn trong cả nước để lại di chứng nặng nề vì tai biến lặn do không được điều trị kịp thời và đúng phương pháp. Tỷ lệ tai biến lặn cao lặn hầu hết ở các thợ lặn không tuân thủ quy trình an toàn lặn, một phần do thiếu sự hiểu biết và một phần do chính sự chủ quan của các thợ lặn.


Dương Hải
Ý kiến của bạn