Cứu sống thai phụ và thai nhi nhiễm cúm A/H1N1

16-04-2014 01:02 | Y học 360
google news

SKĐS - ECMO là tên viết tắt của phương pháp oxy hóa qua màng ngoài cơ thể (Extracorporeal membrane oxygenation).

ECMO là tên viết tắt của phương pháp oxy hóa qua màng ngoài cơ thể (Extracorporeal membrane oxygenation). Đây là phương pháp sử dụng tuần hoàn và trao đổi oxy bên ngoài cơ thể nhằm hỗ trợ chức năng sống ở các bệnh nhân suy tuần hoàn hoặc suy hô hấp nặng. Phương pháp này đã được sử dụng rộng rãi tại một số bệnh viện như BV Nhi Trung ương, BV Bạch Mai... Tại BV Bạch Mai, kỹ thuật ECMO hỗ trợ tim đã được thực hiện thành công trên nhiều bệnh nhân. Tuy nhiên, kỹ thuật ECMO hỗ trợ phổi thì đây là lần đầu tiên BV thực hiện thành công trên phụ nữ mang thai bị nhiễm cúm A/H1N1.  Điều kỳ diệu là cùng với mẹ, bào thai 35 tuần cũng được các bác sĩ cứu sống ngoạn mục.

Bệnh nhân là chị Bùi Thị Hương, 31 tuổi, công nhân nhà máy xi măng Cẩm Phả được chuyển từ BV Bãi Cháy lên BV Bạch Mai với triệu chứng suy hô hấp, viêm phổi nặng do nhiễm cúm A/H1N1, xét nghiệm khí oxy trong máu thấp 50, nồng độ này trên người bình thường là 100. PGS.TS. Nguyễn Gia Bình - Trưởng khoa Hồi sức tích cực, BV Bạch Mai cho biết: Khi nhận được thông tin bệnh nhân nặng từ BV Bãi Cháy chuyển lên, khoa đã chuẩn bị sẵn phòng sát khuẩn. Bệnh nhân đến nơi, chúng tôi nhìn thấy đây là một trường hợp phụ nữ có thai đã to, hai phổi bị tổn thương rất nặng. Đối với người bình thường cần phải có oxy để sống nhưng với phụ nữ mang thai, ngoài trao đổi oxy nuôi mẹ còn phải nuôi con, đặc biệt thai đã to nên nhu cầu oxy càng cao. Trước tình trạng trên, các bác sĩ tiến hành cho bệnh nhân thở oxy sau khoảng 10 – 15 phút, tình trạng bệnh nhân không cải thiện, các bác sĩ tiến hành cho bệnh nhân thở máy nhưng 1 giờ sau, tình trạng bệnh nhân tồi tệ hơn, oxy đo được ở đầu dò ngón tay xuống rất thấp, nguy cơ tử vong cao. Nhận định là tình trạng khẩn cấp, các bác sĩ BV Bạch Mai đã tiến hành hội chẩn toàn bệnh viện gồm các chuyên khoa Hồi sức tích cực, Huyết học, Sản, Nhi, Gây mê... và quyết định mổ lấy thai để cứu con, giảm gánh nặng oxy cho người mẹ. Đúng như tiên lượng, cháu bé chào đời đã bị suy hô hấp, toàn thân tím tái.  Ngay lập tức, bé được chuyển xuống Khoa Nhi và tiến hành đặt ống nội khí quản, thở oxy.

Ngay sau đó, các bác sĩ tiến hành hồi sức cho người mẹ, một điều khó khăn với các bác sĩ lúc này là phổi người mẹ bị tổn thương toàn bộ. Quyết định cuối cùng là cho phổi bệnh nhân nghỉ hẳn và sử dụng kỹ thuật ECMO V-V (ECMO tĩnh mạch – tĩnh mạch) hỗ trợ phổi. Theo PGS.TS. Nguyễn Gia Bình, với nguyên lý hoạt động tương tự như máy tim phổi nhân tạo mục tiêu của ECMO là tạo thời gian cho tim và/hoặc phổi được nghỉ ngơi và hồi phục, giảm được chấn thương áp lực và ngộ độc oxy ở phổi. Tuy nhiên, kỹ thuật ECMO thực hiện hỗ trợ phổi khác với tim và khó hơn hỗ trợ tim vì dụng cụ chuyên dụng hỗ trợ về phổi không có sẵn, bệnh phổi không giống như bệnh tim vì hồi phục ở phổi khác với tim. Theo một nghiên cứu ở Australia, tỷ lệ thành công này là 50/50. Mặt khác, phổi nhân tạo có khó khăn khác như đặt ống thông, đường truyền để rút máu ra và bơm máu về qua hệ thống tuần hoàn đòi hỏi phải có bác sĩ chuyên khoa mạch máu, tim mạch, trong quá trình vận hành nó liên quan đến nhiều vấn đề như rối loạn đông máu, chảy máu, yếu tố nhiễm khuẩn... Vì vậy, muốn đạt được thành công đòi hỏi phải có sự phối hợp của nhiều chuyên gia như hồi sức, tim mạch, huyết học... BS. Phạm Thế Thạch trực tiếp điều trị bệnh nhân cho biết thêm: Điều khó khăn và đặc biệt hơn nữa ở ca bệnh này là bệnh nhân sản khoa sau mổ nên những rủi ro liên quan đến yếu tố tai biến sản khoa như bế sản dịch do nằm lâu, các yếu tố nhiễm khuẩn..., vì vậy, phải thường xuyên trao đổi với các bác sĩ sản khoa để tìm hướng điều trị tốt nhất cho bệnh nhân... “Đã có những lúc tưởng chừng bệnh nhân tử vong vì lượng oxy xuống quá thấp, các bác sĩ vô cùng căng thẳng, đến mất ăn, mất ngủ...”, BS. Thạch chia sẻ. Đến sáng ngày 15/4, cháu bé khỏe mạnh, tự bú bình và tăng cân nên đã được trao về cho người thân chăm sóc.

Nằm hôn mê gần 3 tuần, sau khi tỉnh dậy, chị Hương hạnh phúc khi thấy mình còn sống và hạnh phúc viên mãn hơn khi chị được các bác sĩ thông báo cháu bé hoàn toàn khỏe mạnh... Nhưng hạnh phúc đó nếu chỉ chậm một vài phút là sẽ thành bi kịch, bởi khi các bác sĩ quyết định mổ cứu con, gia đình chị đã chần chừ.  

    Bài: Như Bình

 


Ý kiến của bạn
Tags: