Cứu sống thai phụ mắc bệnh nguy hiểm hiếm gặp

04-05-2018 08:05 | Camera bệnh viện
google news

SKĐS - Bệnh viện (BV) E vừa cấp cứu thai phụ viêm tuỵ tối cấp nặng, tăng triglycerid nguy hiểm hiếm gặp. Bệnh nhân đã được cấp cứu mổ lấy thai và thay toàn bộ huyết tương; kịp thời cứu sống cả mẹ lẫn con.

… Máu đục như sữa

Thai phụ Nguyễn Thị Thu H. (36 tuổi, Hà Nội) đang mang thai tuần thứ 37, được khám thai định kỳ đầy đủ. Các xét nghiệm sàng lọc trước sinh cho thấy thai kỳ có nguy cơ thấp. Tuy nhiên trước vào viện 2 giờ, sản phụ xuất hiện đau bụng nhiều, kèm nôn và buồn nôn nhiều. Sau đó, sản phụ được nhập viện và theo dõi sát tim thai.

Các bác sĩ đã quyết định mổ cấp cứu đình chỉ thai để cứu lấy thai nhi do thai có dấu hiệu suy và tiếp tục hồi sức cứu mẹ. Sau khi các bác sĩ mổ đình chỉ thai, sản phụ vẫn đau bụng nhiều, rối loạn huyết động và rối loạn đông cầm máu, đờ tử cung. Sản phụ đã được mổ cắt tử cung cấp cứu và chuyển đơn vị hồi sức tiếp tục điều trị.

Tại đơn vị hồi sức, sản phụ được các BS chẩn đoán viêm tuỵ tối cấp thể nặng có tăng triglycerid ở phụ nữ mang thai. Các xét nghiệm cho thấy, sản phụ có tình trạng rối loạn mỡ máu rất nặng (triglycerid: 212 mmol/l tăng gần 100 lần, chỉ số bình thường < 2,3 mmol/l), máu bệnh nhân trắng đục như sữa, siêu âm có hình ảnh viêm tuỵ cấp thể nặng.

Cứu sống thai phụ mắc bệnh nguy hiểm hiếm gặpBệnh nhân H. đã bình ổn và được các bác sĩ tích cực chăm sóc.       (Ảnh BS cung cấp)

Thay toàn bộ huyết tương trong 6 tiếng đồng hồ

Các biện pháp hồi sức được tiến hành: hỗ trợ thở máy, truyền dịch, giảm đau... Tuy nhiên, tình trạng sản phụ tiếp tục sốc nặng và có biểu hiện suy các cơ quan. Biện pháp điều trị cấp cứu cuối cùng ngay lập tức đã được các BS đặt ra là tiến hành lọc tách và thay toàn bộ huyết tương trong máu cho bệnh nhân (BN). BN đã được thay thế gần hoàn toàn lượng huyết tương trong máu (khoảng 3.000ml). Quá trình thay huyết tương diễn ra rất phức tạp (diễn ra từ 11h đêm ngày 27/4 - 4 giờ sáng ngày 28) do lượng mỡ trong máu BN quá cao gây tắc các đường hút, bơm máu và quả lọc. Rất may mắn cho BN, việc lọc tách và thay huyết tương được hoàn thành sau 6 giờ. Sau khi tiến hành thủ thuật, BN đã tỉnh táo, tự thở và các chỉ số sinh tồn ổn định.

ThS. Nhung cũng khuyến cáo các bà mẹ mang thai cần khám thai và làm các xét nghiệm định kỳ để phát hiện các rối loạn nội tiết liên quan đến thời kỳ mang thai để tránh các biến chứng có thể xảy ra đối với cả mẹ và thai nhi.

Theo PGS.TS. Vũ Đức Định - Trưởng khoa Hồi sức tích cực BV E, viêm tụy tối cấp trong thai kỳ là một bệnh lý hiếm gặp với tần suất được ghi nhận 3/10.000. Tuy nhiên nó liên quan đến nhiều biến chứng nguy hiểm cho cả mẹ lẫn con. Bệnh có thể diễn tiến theo nhiều thể từ nhẹ đến nặng, với tình trạng hoại tử, áp-xe hay suy đa cơ quan, nếu không được xử trí kịp thời, nguy cơ tỉ lệ tử vong mẹ và con có thể lần lượt là 20% và 50%. Chẩn đoán viêm tuỵ tối cấp có liên quan đến tăng mỡ máu ở thai phụ thường khó khăn do triệu chứng bị lẫn vào các dấu hiệu chuyển dạ, đau do cơn co tử cung… và điều trị phải hết sức chú ý đến các yếu tố nguy cơ cho cả mẹ và con.

ThS. BS. Nguyễn Đình Thuyên - Khoa Hồi sức tích cực và chống độc BV E, một trong những người tham gia cấp cứu BN cho biết: Thành công của các BS trong tua trực là đã kịp thời chẩn đoán và xử trí đúng khi mà sản phụ mang thai tuần thứ 37 với các triệu chứng nghèo nàn và diễn biến rất phức tạp. Các biện pháp điều trị tích cực đã được sử dụng cho BN. Đặc biệt là kỹ thuật lọc tách và thay huyết tương chỉ được thực hiện ở các đơn vị hồi sức chuyên sâu và hiện đại. Hiện sức khỏe của mẹ đã ổn định, bé đang được theo dõi khám sức khỏe và tiêm chủng định kỳ.

ThS.BS. Nguyễn Thuỳ Nhung - Phó trưởng khoa Sản BV E, người trực tiếp mổ cấp cứu cho thai phụ cho biết thêm: Trong viêm tụy tối cấp thai kỳ, chỉ định mổ lấy thai thường được đặt ra khi thai đủ tháng, tình trạng thai phụ không cải thiện sau 24 - 48 giờ điều trị bằng thuốc, thai lưu hay viêm tụy cấp diễn tiến nặng, nhất là viêm tụy tối cấp có thể hoại tử và liên quan đến tình trạng tăng lipid máu. Tình trạng tăng mỡ máu gây viêm tuỵ cấp được biết đến với một tình trạng tăng tiết estrogen gây rối loạn chuyển hoá mỡ trong thời gian mang thai. Vì vậy, bệnh thường xuất hiện ở 3 tháng giữa và cuối của thai kỳ, trong đó có đến 43 - 62,5% xuất hiện ở 3 tháng cuối. Trong quá trình điều trị nội khoa, các BS sẽ theo dõi sát tim thai và sự tiết ra các cytokines do tình trạng viêm dẫn đến các cơn co tử cung gây sinh non. Thai phụ còn được nuôi ăn qua đường tĩnh mạch để giảm bớt tác dụng phụ trên thai nhi và người mẹ.


Linh San
Ý kiến của bạn