Ca mổ bắt thai với sự phối hợp của nhiều chuyên khoa
Sản phụ N.T.L (30 tuổi, Quảng Hoà), được chuyển từ tuyến dưới lên trong tình trạng huyết áp cao 160/100mmHg, phù 2 chân, buồn nôn, đau đầu, sản phụ đang có thai lần hai được 30 tuần.
Qua thăm khám và làm các xét nghiệm cần thiết, sản phụ được chẩn đoán mắc hội chứng HELLP với biến chứng tiền sản giật nặng. Bệnh nhân được chỉ định chuyển mổ cấp cứu, hồi sức tích cực, truyền máu, hạ huyết áp với sự phối hợp kịp thời, hiệu quả của của các chuyên khoa Cấp cứu, Gây mê hồi sức và Sơ sinh của bệnh viện.
Ca phẫu thuật thành công, sau mổ sản phụ tiếp tục được hồi sức tích cực, được duy trì huyết áp bằng truyền thuốc hạ huyết áp, cân bằng nước điện giải, thăng bằng kiềm - toan, dùng thuốc lợi tiểu, chống suy thận và được truyền thuốc corticoid bảo vệ tế bào gan. Sức khoẻ sản phụ L dần ổn định. Bé sơ sinh có cân nặng 800 gram tiên lượng nặng hiện đang điều trị tại Khoa Nhi.
Ca mổ lấy thai thành công, cả mẹ và thai nhi đều được cứu sống là kết quả của sự phối hợp hiệu quả, nhịp nhàng, đầy trách nhiệm của đội ngũ y bác sĩ các khoa của bệnh viện.
Sau mổ "bắt thai", sản phụ tiếp tục được theo dõi, điều trị hồi sức tích cực.
Hội chứng HELLP
BS.CKI. Hoàng Văn Kiền - Phó Trưởng khoa Cấp cứu cho biết: Hội chứng HELLP là một biến chứng sản khoa nguy hiểm của bệnh lý tiền sản giật với tỷ lệ tử vong mẹ và bé cao. Bệnh đặc trưng bởi các triệu chứng tan máu nặng, men gan tăng cao, số lượng tiểu cầu giảm mạnh, nước tiểu có nhiều protein.
Với những sản phụ bị Hội chứng HELLP thì việc cần làm đầu tiên là phải đình chỉ thai nghén sớm, nếu để kéo dài sẽ nguy hiểm tính mạng của người mẹ.
Việc đình chỉ thai nghén trong những trường hợp này cũng gặp nhiều khó khăn, nguyên nhân là do sản phụ đã bị tổn thương gan rất nghiêm trọng làm ảnh hưởng đến đến các chức năng của gan như chức năng chuyển hoá (trong đó có chức năng khử độc), tổng hợp các yếu tố đông máu...
Sản phụ có nguy cơ bị hôn mê hoặc mê kéo dài sau mổ do chức năng khử độc của gan kém, mặt khác có nguy cơ cao bị chảy máu do thiếu các yếu tố đông máu nên kíp phẫu thuật đã thực hiện thận trọng để tránh chảy máu trong quá trình phẫu thuật, hạn chế tối đa việc sử dụng những loại thuốc gây tổn thương gan.
Cần khám thai định kỳ
Phụ nữ mang thai nên đi khám thai định kỳ, nhất là trong 03 tháng cuối thai kỳ. Không chỉ là siêu âm đơn thuần mà sản phụ phải được khám toàn diện, theo dõi huyết áp, xét nghiệm nước tiểu và xét nghiệm máu khi cần thiết, cũng như tư vấn về dinh dưỡng... để có một thai kỳ khoẻ mạnh nhất.
Qua khám định kỳ, nếu phát hiện bị tiền sản giật, hội chứng HELLP hay bất kỳ dấu hiệu bất thường nào khác thì sẽ được nhập viện điều trị kịp thời, đảm bảo an toàn sức khoẻ của mẹ và thai nhi.