Chiều 30/6, thông tin từ Bệnh viện Nhân dân Gia Định (TP.HCM) cho biết, đơn vị này đã cấp cứu và điều trị thành công một trường hợp thai phụ có thai 24 tuần bị tai nạn giao thông vỡ gan độ IV, gãy xương sườn số VIII.
Trước đó, vào tối 22/6, chị N.V.L.Q., 28 tuổi, đang mang thai tháng thứ 6 ngụ tại TP.HCM bị tai nạn giao thông, ngã xuống đường đập bụng vào thành xe. Sau khi được người dân đưa vào một cơ sở y tế gần khu vực tai nạn, nhận thấy thai phụ có những biểu hiện đau nhiều bất thường, nguy hiểm đến tính mạng của cả mẹ và thai nhi, thai phụ nhanh chóng được chuyển qua khoa cấp cứu Bệnh viện Nhân dân Gia Định.
TS. BS Bùi Chí Thương – Tham vấn khối Sản, Bệnh viện Nhân dân Gia Định cho biết, ngay khi thai phụ nhập viện, bác sĩ đã cho chỉ định siêu âm và kết quả không thấy dịch bất thường trong ổ bụng. Các bác sĩ nhận định, với tai nạn như vậy thì có khả năng cao thai phụ sẽ có tình trạng xuất huyết nội chứ không đơn giản.
Kết quả chụp cắt lớp vi tính cho thấy chị Q bị chấn thương vỡ gan độ IV, gãy xương sườn số VIII và đang mang thai ở tuần thứ 24. Vấn đề đặt ra đối với các bác sĩ lúc này là, có nên can thiệp ngoại khoa để xử lý lá gan bị vỡ hay không. Thai phụ có khá nhiều máu trong ổ bụng nhưng kết quả xét nghiệm cho thấy có tình trạng thiếu máu. Nếu mở bụng thì có thể không cầm máu được, nguy hiểm tính mạng bệnh nhân, chưa kể mất máu nhiều có thể gây thai lưu hay sanh non.
Sau khi hội chẩn liên chuyên khoa và cân nhắc, các bác sĩ chỉ định truyền máu, điều trị bảo tồn và theo dõi tim thai. Đây là quyết định khó khăn đối với các bác sĩ bởi nó đòi hỏi phải thật vững chuyên môn, nhiều kinh nghiệm xử lý tình huống, phối hợp liên chuyên khoa chặt chẽ nhanh chóng mới có thể làm được.
Theo TS. BS Mai Phan Tường Anh – Phó trưởng Khoa Ngoại tiêu hóa, Bệnh viện Nhân dân Gia Định, trong các ca vỡ nội tạng do chấn thương bụng kín thì vỡ gan là nguy hiểm và khó xử lý nhất. Tùy theo mức độ vỡ gan và tình trạng của bệnh nhân, bác sĩ sẽ quyết định điều trị bảo tồn (không can thiệp ngoại khoa) hay phẫu thuật cầm máu.
Khi điều trị bảo tồn vỡ gan do chấn thương, người bệnh cần được nằm ở cơ sở y tế với đầy đủ các phương tiện chẩn đoán như có chụp cắt lớp để đánh giá mức độ vỡ gan, theo dõi tại khu hồi sức tích cực (ICU) và có phòng mổ sẵn sàng cho trường hợp khẩn cấp. Bên cạnh đó, người bệnh cũng cần được theo dõi sát bởi đội ngũ nhân viên y tế từ chuyên khoa Ngoại tiêu hóa và sản khoa.
Sau gần 1 tuần điều trị, sức khỏe của chị Q. đã dần ổn định, bụng đỡ đau, siêu âm kiểm tra cho thấy mức độ tổn thương gan đã được kiểm soát, không mất máu thêm, men gan giảm, thai bình thường và sẽ xuất viện trong một vài ngày tới.