Hà Nội

Cứu sống sản phụ tai biến rối loạn đông máu nặng

10-03-2014 07:08 | Thời sự
google news

SKĐS - Dịp lễ 8/3, trong khi hàng triệu phụ nữ cả nước đang nhận vô vàn lời chúc và hoa thì chị N.T.H. T. ở huyện Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long mang thai lần 3, được 35 tuần 5 ngày lại phải khẩn cấp vào viện

Dịp lễ 8/3, trong khi hàng triệu phụ nữ cả nước đang nhận vô vàn lời chúc và hoa thì chị N.T.H. T. ở huyện Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long mang thai lần 3, được 35 tuần 5 ngày lại phải khẩn cấp vào viện. Anh Nguyễn Ngọc Toàn, chồng chị T. những tưởng đã phải rời xa vợ mãi mãi nhưng với sự quyết tâm của đội ngũ thầy thuốc Khoa Sản, BVĐK TW Cần Thơ, vợ chồng anh lại được sum họp xây đẹp thêm những ước mơ.

2 lần mổ trong 1 ngày để giành giật sự sống

Theo BS. Nguyễn Minh Vũ - Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp BVĐK TW Cần Thơ, ngày 6/3, Khoa Sản của bệnh viện tiếp nhận sản phụ T., 35 tuổi, đã có hai con gái 11 tuổi và 4 tuổi, với chẩn đoán của BVĐK huyện Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long là suy thai nặng, viêm gan. Ngay lập tức, sản phụ được chuyển lên BVĐK TW Cần Thơ vào lúc 6 giờ 40 phút ngày 6/3/2014. Tại Khoa Sản, các bác sĩ đã chẩn đoán, sản phụ mang thai 35 tuần 5 ngày, chuyển dạ giai đoạn hoạt động cổ tử cung mở 4cm, ối đã vỡ, âm đạo ra máu tươi, thai đã chết trong bụng mẹ. Sau nhập viện 1 giờ (lúc 7 giờ 40 phút) sản phụ sinh ra một bé trai 2.500gram đã tử vong. Sau sinh, sản phụ bị băng huyết và rối loạn đông máu nặng.

Sản phụ T. đã qua cơn nguy kịch.       Ảnh do bệnh viện cung cấp

BS. Cao Văn Nhựt, Trưởng khoa Sản, BVĐK TW Cần Thơ - người trực tiếp thăm khám sản phụ T. cho biết, với tình trạng trên, các bác sĩ phải đứng trước những quyết định hết sức khó khăn vì cơ hội sống - chết của chị T. là 50/50. Nếu không kịp thời mổ cấp cứu thì nguy cơ sản phụ tử vong là rất cao và nếu chọn phương án mổ cấp cứu thì nguy cơ sản phụ có thể tử vong ngay trên bàn mổ là điều khó tránh. Và như vậy, BS. Nhựt cùng các đồng nghiệp lại chịu áp lực nặng nề từ dư luận với những bản giải trình liên tục, liên tục... Một cuộc hội chẩn chớp nhoáng ngay tại giường bệnh của chị T. được thực hiện. Nhiều ý kiến đưa ra nhưng đều tập trung: tính mạng người bệnh là trên hết và cần phải tiến hành mổ ngay, 1 phút chần chừ có thể nguy hiểm đến tính mạng.

Sau khi giải thích cho người nhà bệnh nhân đây là trường hợp rất nặng, tỷ lệ tử vong của người mẹ rất cao vì sản phụ bị băng huyết sau sinh và rối loạn đông máu cần phải mổ gấp mới hy vọng cứu được. Được sự đồng ý của chồng chị T. - anh Nguyễn Ngọc Toàn, kíp trực tiến hành phẫu thuật cắt tử cung để cầm máu. Tuy nhiên, 8 tiếng sau phẫu thuật, tình trạng chảy máu vẫn tiếp diễn do rối loạn đông máu quá nặng, cơ thể sản phụ không tự cầm được, mặc dù đã truyền nhiều hồng cầu, huyết tương tươi, tiểu cầu... Anh Toàn và gia đình gần như tuyệt vọng trước tình trạng này. Nhưng với sự đồng thuận của gia đình, người nhà sản phụ sẵn sàng chấp nhận phẫu thuật lần 2 để tìm một tia hy vọng sống cho chị T. Các bác sĩ của BVĐK TW Cần Thơ lại bước vào thử thách mới. Ở lần phẫu thuật này, các bác sĩ đã tiến hành thắt 2 động mạch chậu trong (động mạch hạ vị) để cầm máu. Việc thắt hai động mạch này cũng vô cùng khó khăn, vì nếu với những thầy thuốc non kinh nghiệm, chỉ sơ xuất nhỏ thì bệnh nhân nếu được cứu sống sẽ bị liệt chân. Và sau gần 1 giờ đồng hồ, ca mổ thứ hai đã thành công. Chị T. được truyền 13 đơn vị hồng cầu lắng (350ml),  21 đơn vị huyết tương tươi và 3 đơn vị tiểu cầu (150ml). Được biết số tiểu cầu truyền trên, ngoài máu dự trữ của bệnh viện còn có cả sinh viên y khoa đang thực tập tại bệnh viện tự nguyện hiến để cứu chị T. Đến 12 giờ 30 phút ngày 9/3, các bác sĩ Khoa Sản của BVĐK Cần Thơ khẳng định, sản phụ T. đã vượt qua cửa tử, chờ ổn định là có thể xuất viện. Anh Nguyễn Ngọc Toàn, chồng sản phụ T. xúc động: “Các bác sĩ đã sinh ra vợ tôi lần thứ hai”!

Nhau bong non - Bệnh lý nguy hiểm

Trong một diễn biến khác, liên quan đến trường hợp sản phụ Đoàn Thị Ca Cao, 22 tuổi, ở huyện Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang nhập BVĐK TW Cần Thơ với tình trạng đau bụng, nhưng được bác sĩ chẩn đoán là rối loạn tiêu hóa và cho sử dụng thuốc tiêu hóa dẫn đến cái chết của thai nhi đang thu hút sự chú ý của dư luận. Phóng viên báo SK&ĐS đã có cuộc trao đổi với BS. Cao Văn Nhựt, Trưởng khoa Sản, BVĐK TW Cần Thơ về vấn đề này. BS. Nhựt cho biết, sản phụ vào đăng ký khám lúc 11 giờ 45 phút, ra viện 13 giờ 55 phút ngày 4/3. Bác sĩ khám lần đầu là BS. Hồng Quốc Thích. Với chẩn đoán: thai lần 2, vết mổ cũ, rối loạn tiêu hóa. Tại thời điểm khám: M: 105 l/p, huyết áp: 120/80mmHg, chiều cao tử cung: 30 cm, vòng bụng: 107cm, cân nặng: 72kg. Chưa có dấu chuyển dạ, âm đạo không ra huyết, cơn co tử cung (-), cổ tử cung khép. Siêu âm: thai sống, cử động thai và tim thai ( ), dự kiến sinh 4/4/2014. Nước ối bình thường, nhau bám mặt sau nhóm 2 độ III. Sau đó, bác sĩ cho sản phụ về nhà và có dặn dò nếu thấy các dấu hiệu đau bụng thì trở lại bệnh viện. Và khi thấy đau bụng, sản phụ trở lại nhập viện vào chiều tối cùng ngày.

Thăm khám ban đầu cho thấy, bệnh nhân tỉnh, da niêm hồng nhạt, tim đều, phổi trong, bụng tăng trương lực, ra huyết âm đạo. Chiều cao tử cung: 31cm, vòng bụng: 101cm. Thăm âm đạo: cổ tử cung khép, ngôi đầu, ối còn, cơn co ( ). M: 136 l/p, huyết áp: 130/80mmHg, nhịp thở: 20 l/p. Siêu âm: thai chết. Máu tụ sau nhau, thai 36 tuần. Sau nhập viện 15 phút (19 giờ 45 phút) sản phụ được bác sĩ trực chẩn đoán nhau bong non thể nặng - thai chết / 36 tuần rối loạn đông máu và tiến hành phẫu thuật mổ lấy thai vào lúc 20 giờ 10 phút cùng ngày. BS. Nhựt cũng cho biết, qua xem kết quả siêu âm buổi sáng thì đúng là thai nhi bình thường, chưa có dấu hiệu chuyển dạ, không ra huyết, cơn co tử cung (-). Vì thai 36 tháng bình thường, chưa đến ngày sinh (BS. Thích khám dự sinh ngày 4/4/2014) nên bác sĩ không cho nhập viện là đúng. Thông thường các trường hợp bị nhau bong non nặng là bệnh lý cấp cứu của sản khoa, rất khó tiên lượng, có thể vì lúc trưa chưa rõ triệu chứng, bệnh diễn biến nhanh nên bác sĩ khó xác định trước.

Theo thông tin chúng tôi nắm được, bước đầu lãnh đạo BVĐK TW Cần Thơ đã gặp gia đình chị Ca Cao và thông báo về sức khỏe, nguyên nhân dẫn đến ca tử vong của cháu bé. Báo SK&ĐS tiếp tục theo dõi về trường hợp này và sẽ thông tin khi có tình tiết mới.

Nguyễn Tuệ - Quang Minh

Một số khuyến cáo về nhau bong non

Nhau bong non là trường hợp nhau bám đúng vị trí nhưng bị bong sớm trước khi sổ thai do sự hình thành khối máu tụ sau nhau. Khối máu tụ này lớn dần làm bong dần bánh nhau khỏi thành tử cung làm cắt đứt trao đổi tuần hoàn giữa mẹ và con gây hậu quả tất yếu là thai chết, xảy ra trong 3 tháng cuối thai kỳ.

Nhau bong non là một cấp cứu trong sản khoa, xảy ra đột ngột, diễn tiến nhanh chóng, trong chốc lát từ nhẹ có thể trở thành nặng, thường gây tử vong cho thai nhi và đe dọa tính mạng người mẹ do tình trạng mất máu, biến chứng rối loạn đông máu hay vô niệu. Do vậy, cần phải chẩn đoán thật sớm, xử trí hết sức khẩn trương. Càng sớm và khẩn trương bao nhiêu thì càng có lợi cho mẹ và thai bấy nhiêu, nhất là ở hình thái nhẹ thì có khả năng cứu được cả mẹ lẫn con.

(Nguồn: BV Từ Dũ, TP. Hồ Chí Minh)

 

 


Ý kiến của bạn