Sau khi vào viện, bác sĩ khoa Phụ sản, BVĐK tỉnh Quảng Ninh nghi ngờ sức khoẻ thai nhi đang có vấn đề nên lập tức siêu âm kiểm tra thấy tim thai đập chậm chỉ còn 70 nhịp/phút và ngày càng yếu dần, chỉ định phải mổ lấy thai ngay lập tức. Xác định đây là ca cấp cứu tối khẩn cấp, tính mạng của thai nhi chỉ được tính bằng giây, bác sĩ trực lập tức thông báo cho lãnh đạo khoa bố trí phẫu thuật viên, đồng thời nhanh chóng liên lạc với khoa Gây mê hồi sức khẩn trương chuẩn bị phòng mổ.
Chỉ trong vòng 5 phút, sản phụ được đưa vào khu phẫu thuật, kíp cấp cứu liên khoa Phụ sản, Nhi, Gây mê hồi sức được huy động sẵn sàng phối hợp để xử trí tốt nhất trường hợp này.
Bác sĩ Tào Công Phú - khoa Gây mê hồi sức, BVĐK tỉnh Quảng Ninh đã nhanh chóng tiến hành gây mê nội khí quản cho bệnh nhân. “Chúng tôi đánh giá nhanh tình trạng sản phụ để lựa chọn phương pháp vô cảm phù hợp. Dạ dày của bệnh nhân có nhiều thức ăn, nguy cơ trào ngược dạ dày khi gây mê rất nguy hiểm cho cả mẹ và bé nên đòi hỏi chúng tôi phải khởi mê nhanh, giãn cơ ngắn bằng phương pháp gây mê nội khí quản để đảm bảo an toàn cho sản phụ, đồng thời giúp các phẫu thuật viên mổ lấy thai kịp thời. Trong quá trình mổ cấp cứu, kíp gây mê liên tục trao đổi với phẫu thuật viên, đồng thời theo dõi các chỉ số, đảm bảo bệnh nhân ổn định, không gặp bất cứ vấn đề gì trong suốt ca mổ diễn ra”, bác sĩ Phú nói.
Bé ngoan ngoãn, khỏe mạnh sau phút “thập tử nhất sinh”. Ảnh: Bệnh viện cung cấp
Kíp mổ do BSCKI Trần Anh Tuấn – Trưởng khoa Phụ sản, BVĐK tỉnh Quảng Ninh làm kíp trưởng đã tiến hành phẫu thuật đưa thai ra ngoài an toàn chỉ trong 3 phút. Tiếp tục đánh giá tình trạng người mẹ thấy nước ối đỏ, có khối máu sau rau, tử cung có dấu hiệu co hồi kém nên phẫu thuật viên sử dụng thuốc tăng co hồi tử cung, theo dõi và kiểm soát tình trạng rối loạn đông máu, khâu phục hồi để bảo tồn tử cung cho sản phụ. Ca mổ thành công sau 40 phút phẫu thuật căng thẳng, thai nhi cất tiếng khóc ngay sau khi ra khỏi bụng mẹ và được các bác sĩ Nhi khoa hồi sức kịp thời. Hiện tình trạng sức khỏe của chị N. đã ổn định, em bé khỏe mạnh và nặng 3,3kg.
Là người tiếp nhận và thăm khám ban đầu, bác sĩ Phạm Văn Lượng – khoa Phụ sản Bệnh viện Đa khoa Quảng Ninh cho biết: “Trường hợp của sản phụ N. bị rau bong non khá hy hữu vì thai 39 tuần khỏe mạnh, không có các yếu tố nguy cơ khi mang thai, sản phụ chưa có dấu hiệu chuyển dạ, cũng không có biểu hiện bất thường, may mắn là người mẹ đã cảm nhận được những tín hiệu thay đổi của thai nhi nên đã đến viện. Khi siêu âm kiểm tra, thai nhi lúc đó đã rất yếu do bị ngạt, tim thai đập chỉ còn 70 lần/phút, trong khi đó mức bình thường phải từ 120-160 lần/phút, nếu không mổ cấp cứu kịp thời thì không chỉ thai nhi mà cả tính mạng người mẹ cũng bị đe dọa.
Trong thời khắc đó, chúng tôi đã quyết định bỏ qua tất cả các thủ tục, quy trình để đưa bệnh nhân lên phòng mổ càng sớm càng tốt, làm sao cứu lấy đứa trẻ một cách nhanh nhất, dù không thể lường trước được kết quả như thế nào. Và khi đứa bé ra khỏi bụng mẹ cất tiếng khóc chào đời, cả ê-kíp phẫu thuật đã vỡ òa trong hạnh phúc! Hơn nữa, kíp mổ đã nỗ lực bảo tồn tử cung cho bệnh nhân, đây là điều nhân văn giúp sản phụ trẻ tiếp tục mang thai về sau”.
Để cấp cứu thành công trường hợp của sản phụ N. không chỉ là sự tự tin, bản lĩnh về trình độ chuyên môn trong quá trình chẩn đoán và điều trị mà còn nhờ sự phối hợp chặt chẽ, nhịp nhàng, khẩn trương giữa tất cả các chuyên khoa từ khoa Phụ sản đến Gây mê hồi sức, từ bác sĩ phẫu thuật cho đến nhân viên chăm sóc sơ sinh đã giúp cứu sống cả mẹ và bé thoát khỏi “lưỡi hái tử thần”, mang lại niềm tin và hy vọng cho người bệnh trên địa bàn được cấp cứu trong khoảng “thời gian vàng”, góp phần nâng cao hơn nữa chất lượng khám, chữa bệnh phục vụ nhân dân.
Nhìn đứa con trong hạnh phúc, chị N. tâm sự: “Quá trình mang thai, hai mẹ con thường xuyên tương tác với nhau. Vì sắp đến ngày sinh nên bản thân khá lo lắng, khi gọi không thấy bé phản ứng hay cựa quậy, tôi đã quyết định vào viện kiểm tra cho an tâm dù không thấy đau gì. Gia đình đã rất sốc khi biết đứa bé đang vô cùng nguy kịch, tôi được các bác sĩ tức tốc đưa vào phòng mổ chỉ sau vài phút. Mở mắt tỉnh dậy biết con chào đời khỏe mạnh, thật sự không còn điều gì hạnh phúc hơn thế. Không biết nói gì ngoài lời cảm ơn chân thành tới các bác sĩ BVĐK tỉnh Quảng Ninh”.
Rau thai là nguồn sống chính của trẻ, cung cấp oxy cũng như các chất dinh dưỡng cần thiết cho thai nhi. Tình trạng rau thai bong non sẽ khiến quá trình cung cấp dưỡng chất cho thai nhi bị gián đoạn, nhất là trong trường hợp nặng không được phát hiện kịp thời sẽ dẫn đến thai suy, mất tim thai, tỷ lệ tử vong lên tới 30-60%, thậm chí nguy hiểm tính mạng người mẹ do sốc giảm thể tích, rối loạn đông máu, băng huyết sau sinh… Đây là một biến chứng hiếm gặp trong thai kỳ, chỉ khoảng 1% thai phụ gặp phải và khó có thể chẩn đoán trước được tình trạng này.
Các bác sĩ khoa Phụ sản khuyến cáo, để tránh xảy ra hiện tượng rau bong non gây nguy hiểm cho cả mẹ và con, phụ nữ khi mang thai nên đăng ký khám thai định kỳ thường xuyên tại một cơ sở y tế uy tín để được bác sĩ tư vấn và quản lý tốt thời kỳ thai nghén; thực hiện bổ sung acid folic trước và ngay sau khi mang thai;người mẹ nên thường xuyên tương tác với thai nhi, nhất là thời điểm bước vào giai đoạn cuối của thai kỳ để dễ dàng phát hiện những dấu hiệu bất thường hoặc khi xuất hiện các triệu chứng như: xuất huyết, đau bụng dưới… cần nhanh chóng đến bệnh viện để được bác sĩ chuyên khoa sản thăm khám và xử trí kịp thời.