Tiếp nhận sản phụ Đ.T.Q.A, 18 tuổi, quê ở Sơn La, các bác sĩ BV Sản Nhi Bắc Giang chẩn đoán bệnh nhân bị rau bong non và ngay lập tức chuyển người bệnh vào phòng đẻ, cho bệnh nhân thở oxy, truyền dịch và đỡ đẻ. Khoảng 5 phút sau, bệnh nhân rặn đẻ sổ ra 1 thai nhi đã tử vong.
Ngay sau khi sổ thai, toàn bộ bánh rau và máu cục lẫn máu loãng màu đỏ thẫm chảy ào ào, tử cung mềm nhão. Bệnh nhân được kiểm soát tử cung, sử dụng thuốc tăng co tử cung đường tĩnh mạch nhưng tử cung co hồi kém, máu đỏ thẫm không đông vẫn tiếp tục chảy. Nhận thấy đây là trường hợp rau bong non thể nặng (phong huyết tử cung rau), kèm rối loạn đông máu nặng, theo dõi hội chứng Hellp vượt quá khă năng điều trị của kíp trực nên Trưởng kíp mời TTƯT.BSCKII Lê Công Tước, Giám đốc BV hội chẩn ca bệnh phức tạp này, đồng thời trực tiếp chỉ huy toàn bộ quá trình cấp cứu, hồi sức và phẫu thuật cho bệnh nhân.
Tình trạng bệnh nhân tiếp tục diễn biến xấu, mạch quay khó bắt, huyết áp không đo được, máu đỏ thẫm không đông vẫn tiếp tục chảy ra theo đường âm đạo, tử cung mềm nhão. Người bệnh được bù dịch bằng 3 đường truyền và gây mê nội khí quản để mổ cấp cứu, nguy cơ tử vong cao.
Tiến hành phẫu thuật, BSCKII Lê Công Tước rạch thành bụng đường trắng giữa dưới rốn, mở ổ bụng, quan sát thấy thành bụng trắng bệch không có máu chảy, ổ bụng đầy dịch máu loãng màu đỏ, tử cung to ngang rốn mềm nhão tím bầm, có nhiều ổ nhồi huyết lan ra dây chằng rộng bên phải.
Đánh giá đây là tổn thương nhồi huyết do rau bong non thể nặng gây chảy máu trong cơ tử cung lan ra dây chằng rộng và tử cung mất hết trương lực do nhồi huyết trong cơ tử cung, kèm mất máu, rối loạn đông máu dẫn đến máu tiếp tục chảy ra từ buồng tử cung, không thể điều trị bằng nội khoa chỉ còn phương án cắt tử cung để cầm máu cứu sống bệnh nhân. Nếu cắt tử cung trong tình trạng rối loạn đông máu sẽ có nguy cơ chảy máu mỏm cắt sau mổ rất nguy hiểm với tính mạng của bệnh nhân. Buộc chọn cắt tử cung, người bệnh tuổi còn trẻ sẽ không còn thiên chức được làm mẹ.
Trong ít phút cân nhắc, BSCKII Lê Công Tước đã quyết định lựa chọn phương pháp tối ưu nhất nhằm bảo tồn tử cung cho bệnh nhân đó là thắt các mạch máu cấp cho tử cung để cầm máu.
Thận trọng từng bước, phẫu thuật chính xác, tỉ mỉ, sau 15 phút, các mạch máu cấp cho tử cung đã được thắt thành công. Tiếp tục kiểm tra, theo dõi trong 30 phút nhận thấy lượng máu chảy từ tử cung qua đường âm đạo giảm dần đến mức an toàn, BS Tước cùng kíp phẫu thuật quyết định đóng bụng và tiếp tục kiểm tra xử lý tổn thương đường âm đạo. Quan sát thấy máu chảy ra từ buồng tử cung ít, sẫm màu, trong âm đạo có nhiều điểm xước chảy máu, ở thành bên âm đạo và tiền đình khâu cầm máu rất khó khăn và bị chảy máu chân chỉ do rối loạn đông máu, kíp phẫu thuật quyết định chèn chặt âm đạo bằng bông khô để cầm máu.
Song song với quá trình phẫu thuật là hồi sức tích cực, bệnh nhân được truyền dịch, thở oxy, tiếp tục được sử dụng thuốc vận mạch để chống truỵ tim mạch, truyền 7 đơn vị khối hồng cầu và 7 đơn vị huyết tương. Sau khoảng 4 tiếng căng thẳng ca phẫu thuật đã thành công.
Sau mổ, bệnh nhân tiếp tục được theo dõi sát sao trong phòng hồi sức hậu phẫu, bệnh nhân tiếp tục được truyền 6 đơn vị tiểu cầu và 5 đơn vị Cryo (tủa lạnh giàu yếu tố VIII). Theo dõi sau mổ khoảng 6 giờ, mạch và huyết áp của bệnh nhân đã tăng lên, duy trì ở mức ổn định nhưng bệnh nhân vẫn vô niệu và được dùng 15 ống lợi tiểu Furosemid mới có nước tiểu trở lại. 10 giờ sau phẫu thuật bệnh nhân tỉnh, có phản xạ, được rút ống nội khí quản, chuyển qua thở oxy, truyền dịch nuôi dưỡng qua đường tĩnh mạch. Tổng lượng máu được truyền cho bệnh nhân trong suốt quá trình phẫu thuật và hồi sức sau phẫu thuật là 3.850ml khối hồng cầu, 1.750ml huyết tương, 900ml khối tiểu cầu và 500 ml Cryo (huyết tương tủa lạnh giàu yếu tố VIII).
BSCKI Phạm Văn Khôi, phụ trách gây mê hồi sức tích cực cho bệnh nhân nói: "Trường hợp bệnh nhân Q.A là ca bệnh cực kỳ phức tạp không chỉ với phẫu thuật viên mà cả với bác sĩ gây mê hồi sức cũng là một thử thách lớn. Bởi bệnh nhân không chỉ bị phong huyết tử cung rau mà còn mắc hội chứng Hellp vô cùng nguy kịch, rơi vào trạng thái truỵ tuần hoàn, truỵ hô hấp, sốc mất máu, rối loạn đông máu rất nặng.
Trong quá trình phẫu thuật, song song với việc truyền máu, điều trị rối loạn đông máu cho bệnh nhân, duy trì thuốc vận mạch, an thần, bù đủ khối lượng tuần hoàn, đồng thời phải bảo vệ não và các tạng (phổi, gan, thận, …) để không bị ảnh hưởng về sau. Thêm vào đó, là quá trình hồi phục sau mổ phải được chăm sóc chu đáo, sát sao để người bệnh có sức khỏe tốt nhất."
Rau bong non là tình trạng rau bong trước khi sổ thai, nguyên nhân có thể do chấn thương, biến chứng của tiền sản giật nặng, Hội chứng Hellp. BSCKII Lê Công Tước, Giám đốc BV Sản Nhi Bắc Giang cho biết, trường hợp bệnh nhân bị rau bong non thể nặng (phong huyết tử cung rau) - biến chứng của hội chứng Hellp là một trường hợp ít gặp với nguy cơ tử vong rất cao do rối loạn đông máu nặng và suy đa phủ tạng.
BSCKII Lê Công Tước khuyến cáo: Phụ nữ mang thai nên đi khám thai định kỳ thường xuyên, nhất là trong 3 tháng cuối thai kỳ. Không chỉ làm siêu âm đơn thuần mà thai phụ cần phải được khám toàn diện, theo dõi huyết áp, xét nghiệm nước tiểu, xét nghiệm máu khi cần thiết, cũng như tư vấn về dinh dưỡng... để có một thai kỳ khoẻ mạnh nhất.
Nếu thấy những dấu hiệu bất thường như phù, tăng cân nhiều, đau đầu, mờ mắt, mệt mỏi chán ăn… cần tới cơ sở y tế để được thăm khám kịp thời. Đối với các cơ sở y tế, khi siêu âm kiểm tra phát hiện thai phụ mất tim thai trong 3 tháng cuối thai kỳ thì cần phải đánh giá một cách cẩn thận xem người mẹ có mắc các bệnh lý như rau bong non, tiểu đường thai kỳ, tiền sản giật, hội chứng Hellp, nhiễm khuẩn nặng… khiến thai nhi tử vong hay không? Tránh bỏ sót những bệnh lý toàn thân của người mẹ khi mang thai bởi nếu bỏ sót những bệnh lý này, tính mạng của người mẹ có thể gặp nguy hiểm. Đối với phẫu thuật các trường hợp rau bong non thì nên bảo tồn tử cung bằng phương pháp thắt các mạch máu cấp cho tử cung, nếu không thành công thì mới cắt tử cung, như vậy sẽ bảo toàn được thiên chức làm mẹ của người phụ nữ.