Sáng 23/3/2019, các Bác sĩ Đơn nguyên Tim mạch, Bệnh viện Sản Nhi Quảng Ninh đã tiến hành phẫu thuật tim hở cho 02 bệnh nhân Vũ Nguyễn Bảo. T(04 tháng tuổi); bé Bùi Tuấn K.(18 tháng tuổi) và can thiệp tim mạch cho 02 bệnh nhân Trần Đức M.(8 tuổi); Nguyễn Thanh H.(27 tháng tuổi) ngay tại bệnh viện.
Kíp phẫu thuật do BS. Trịnh Trương Tuyên; BS. Nguyễn Văn Luyện; BS. Nguyễn Thành Công; điều dưỡng Lê Văn Thụ; Hoàng Văn Huấn; Nguyễn Thị Cẩm Vân thực hiện.
Kíp can thiệp do BS. Phí Xuân Thi; BS. Phạm Ngọc Mười; BS. Trần Văn Thiệp; BS. Nguyễn Thành Công; điều dưỡng Đỗ Văn Tùng; Nguyễn Việt Thanh thực hiện.
Kết quả sau hơn 6 giờ, 04 ca phẫu thuật và can thiệp thành công tốt đẹp, hiện tại mạch và huyết áp bệnh nhi ổn định. Sau phẫu thuật, bệnh nhi được theo dõi đặc biệt tại Trung tâm tim mạch bệnh viện.
Các bác sĩ phẫu thuật cho bệnh nhi.
Theo các bác sĩ, tính đến tháng 3/2019, Bệnh viện Sản Nhi Quảng Ninh đã phẫu thuật cho 12 bệnh nhân và can thiệp tim mạch cho 14 bệnh nhân nhi ngay tại Bệnh viện.
Bác sĩ Trịnh Trương Tuyên, Phụ trách Đơn nguyên cho biết: Còn ống động mạch là tình trạng tồn tại ống nối giữa động mạch phổi và động mạch chủ. Nếu không được điều trị kịp thời, còn ống động mạch có thể khiến lượng máu chảy quá tim tăng cao gây suy yếu cơ tim, từ đó dẫn đến nhiều biến chứng tim mạch nguy hiểm.
Với những trẻ sinh non, ống động mạch có thể mất nhiều thời gian hơn để đóng hoàn toàn (1 vài tuần). Nếu sau thời gian này nó vẫn mở, trẻ có nguy cơ cao mắc bệnh còn ống động mạch.
Dấu hiệu nhận biết trẻ còn ống động mạch
Còn ống động mạch có thể được chẩn đoán thông qua một số triệu chứng lâm sàng bao gồm các dấu hiệu tim mạch như nghe được tiếng thổi tim qua ống nghe, bé có huyết áp thấp. Các dấu hiệu hô hấp bao gồm: Trẻ thở nhanh, không thể cai máy thở do cơ thể giữ CO2, thiếu oxy.
Việc triển khai nhiều kỹ thuật khó giúp mang lại cơ hội sống cho trẻ tim bẩm sinh.
Để được chẩn đoán chính xác nhất, bé cần được siêu âm để đo kích thước tim, tỷ lệ nhĩ trái/động mạch chủ và nhiều chỉ số khác. Tốt hơn hết, cha mẹ nên cho con đi khám sức khỏe nếu thấy trẻ có các biểu hiện dễ mệt mỏi, không tăng cân, hay bị khó thở, thở nhanh, da xanh, tím tái…
Việc đưa triển khai thành công kỹ thuật trên sẽ giúp việc xử lý các ca bệnh tim khẩn cấp dễ dàng hơn, rút ngắn thời gian can thiệp bệnh nhi, mang lại cơ hội sống cho nhiều trẻ sơ sinh mắc căn bệnh hiểm nghèo.
Đồng thời giúp các bệnh nhi bị bệnh tim trên địa bàn không phải chuyển tuyến để can thiệp và mổ như trước, giảm chi phí cho người thân bệnh nhi, giảm áp lực cho bệnh viện tuyến trên, nâng cao hơn nữa chất lượng khám, điều trị cho người dân trên địa bàn, góp phần nâng cao uy tín của bệnh viện.