Bệnh nhân được người nhà cho đến nhập viện ở một bệnh viện tư nhân và được các bác sĩ chỉ định làm xét nghiệm máu với test sốt xuất huyết Dengue dương tính, tiểu cầu thấp. Bệnh nhân được chẩn đoán sốt xuất huyết Dengue ngày 4.
Sau nhập viện, bệnh nhân bắt đầu có dấu hiệu cảnh báo: lừ đừ, uống rất ít, nhợn ói liên tục, đau bụng nhiều vùng hạ sườn phải, rối loạn vận mạch, tay chân mát, huyết áp 115/70mgHg.
Bệnh nhân được chuyển qua phòng hồi sức tích cực nhi và bắt đầu truyền dịch hiệu chỉnh cân nặng theo phác đồ điều trị sốt xuất huyết Dengue có dấu hiệu cảnh báo.
Sau 2 ngày 2 đêm điều trị tích cực bệnh nhân đã phục hồi tốt, ăn uống khá hơn, giảm than đau bụng, huyết áp rõ, xét nghiệm kết quả ổn định. Bệnh nhi được xuất viện.
Đẩy mạnh công tác vệ sinh môi trường và diệt loăng quăng hàng tháng để phòng bệnh sốt xuất huyết.
Được biết, trước đó, khoa cấp cứu hồi sức tích cực chống độc trẻ em Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM tiếp nhận bệnh nhi V.T.T. (13 tuổi, ngụ tỉnh Bình Phước) do Bệnh viện Đa khoa khu vực Bình Phước chuyển đến trong tình trạng lơ mơ, rối loạn tri giác, máu trào ra mũi, miệng, vàng mắt và vàng da - biểu hiện tổn thương gan.
Bác sĩ Trần Kim Hùng (khoa cấp cứu hồi sức tích cực chống độc trẻ em Bệnh viện Bệnh nhiệt đới) cho biết qua kết quả chẩn đoán từ Bệnh viện Đa khoa Bình Phước cho thấy bệnh nhi mắc sốt xuất huyết Dengue rất nặng.
Nhận thấy bệnh nhi có tổn thương gan trên nền bệnh sốt xuất huyết, các bác sĩ nhanh chóng truyền dịch chống sốc, sau đó đánh giá lại để xem xét có bộ phận nào khác tổn thương không. Sau khi có kết quả, bệnh nhi có thêm tổn thương thận, xuất huyết đường tiêu hóa và có biểu hiện toan máu nặng (nồng độ pH trong máu quá thấp).
Trước tình hình nguy cấp, các bác sĩ nhanh chóng truyền máu cho bệnh nhi, đồng thời tiến hành lọc máu do suy thận, đặt nội khí quản hỗ trợ thở máy do suy hô hấp, điều trị nhiễm trùng kèm theo.
"Đây là một trong những ca sốt xuất huyết đã tổn thương rất nặng, suy đa tạng với nguy cơ tử vong lên đến hơn 90%. Nếu như những ca sốt xuất huyết trước thì hầu hết đều tử vong dù điều trị tích cực. Rất may, với ca này thì các cơ quan của trẻ có dấu hiệu hồi phục" - bác sĩ Kim Hùng nhận định.
Theo Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM, từ đầu năm 2019 đến nay, TP.HCM đã có 20.758 ca sốt xuất huyết. Dù giai đoạn này được đánh giá là giai đoạn thấp điểm của sốt xuất huyết trong năm 2019 nhưng vẫn cao hơn 230% so với cùng kỳ năm ngoái. Mới đây, TP.HCM đã ghi nhận 3 ca tử vong do sốt xuất huyết ngụ tại quận Tân Phú, Bình Tân và huyện Bình Chánh.
Hiện chưa có vaccin phòng bệnh. Biện pháp phòng bệnh chủ yếu là tránh muỗi đốt, diệt lăng quăng, diệt muỗi trưởng thành. Mặc quần áo rộng vì muỗi có thể cắn qua quần áo bó sát. Quần dài, áo sơ mi dài tay, vớ và giày để tránh muỗi cắn. Ngủ trong màn chống muỗi, kể cả ban ngày. Dọn dẹp, phát quang môi trường xung quanh thường xuyên, vì muỗi lây truyền bệnh sốt xuất huyết thường sống trong các vũng nước đọng, bụi cây, góc tối…
Muỗi Aedes aegypti là côn trùng trung gian truyền bệnh chủ yếu. Bệnh xảy ra quanh năm, thường gia tăng vào mùa mưa. Bệnh gặp ở cả trẻ em và người lớn..
Khi người bệnh có dấu hiệu cảnh báo: Đau bụng, nôn ói, xuất huyết niêm mạc, lừ đừ, li bì, bứt rứt, đau bụng vụng hạ sườn phải. Đặc biệt trẻ có thể trạng béo phì cần được đưa đến cơ sở y tế để được bác sĩ theo dõi, điều trị kịp thời để có kết quả tốt hơn tránh nhập viện trong tình trạng trụy mạch.