Sáng 23/3/2020, tin từ BS CKII Phạm Thanh Phong - Phó Giám đốc chuyên môn, Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ cho biết : Các bác sĩ Khoa Sản của bệnh viện vừa phẫu thuật thành công trường hợp nang buồng trứng xuất huyết có biến chứng thiếu máu và rối loạn đông máu trên bệnh nhân có bệnh lý tim mạch nặng.
Bác sĩ BVĐK TW Cần Thơ phẫu thuật cho chị Vân
Chị Lê Thị Bích Vân 39 tuổi, ở TP.Cần Thơ, 3 ngày trước nhập viện tuyến dưới do đau bụng nhiều vùng bụng phải. Tại đây bệnh nhân được thực hiện các xét nghiệm và chẩn đoán u nang buồng trứng phải vỡ, rối loạn đông máu mức độ nặng, thay van 2 lá cơ học 3 năm và được xử trí truyền máu, truyền dịch và nhanh chóng chuyển lên tuyến trên là BVĐK TW Cần Thơ.
Chị Vân đã từng thay van 2 lá cơ học, tạo hình van 3 lá và có sử dụng thuốc kháng đông. INR lúc vào viện 5,6 (trị số ở bệnh nhân đang mang van cơ học từ 2-3); Huyết sắc tố (Hb) lúc vào viện 6g/dL ( bình thường là 12-15g/dL).
Chị Vân đến cấp cứu tại BVĐK TW Cần Thơ trong tình trạng da xanh, niêm nhợt, mạch nhanh, đau bụng, rối loạn đông máu nặng.
Đây là trường hợp bệnh lý cấp cứu với tình trạng nặng nên các bác sĩ đã tiến hành hội chẩn toàn viện với nhiều chuyên khoa. Sau hội chẩn các bác sĩ chẩn đoán: Xuất huyết nội, do nang buống trứng vỡ có biến chứng rối loạn đông máu - thiếu máu cấp mức độ nặng.
Bệnh nhân đã thay van 2 lá cơ học đang sử dụng kháng đông. Bệnh nhân được xử trí tích cực với yêu cầu ngừng thuốc kháng Vitamin K, sử dụng vitamin K1 đường tĩnh mạch, truyền 4 đơn vị hồng cầu lắng, 8 đơn vị huyết tương, kháng sinh ngừa viêm nội tâm mạc nhiễm trùng và tiến hành phẫu thuật khi tình trạng trạng đông máu cho phép.
Ê kíp phẫu thuật của bệnh viện gồm: ThS.BS Nguyễn Hữu Thời; BS.CKI Chung Cẩm Ngọc - Khoa Sản; BS.CKI Lưu Tuyết Kiều - Khoa Gây mê hồi sức: Đã tiến hành phẫu thuật mở bụng để cầm máu, khi đó trong ổ bụng đã có hơn 2.000ml máu đỏ và 200g máu cục.
Buồng trứng trái bình thường, buồng trứng phải có một nang đường kính 3x4 cm, xung quanh có nhiều máu cục bám vào, bóc máu cục thấy bề mặt buồng trứng phải có một điểm vỡ đường kính #0,5 cm đang chảy máu tươi.
Phẫu thuật viên quyết định cắt buồng trứng phải, khâu cầm máu. Sau phẩu thuật tình trạng xuất huyết và đông máu bệnh nhân dần ổn định . Chiều 23/3/2020 sinh tồn bệnh nhân ổn định, không sốt, bụng mềm, vết mổ khô.
Theo các bác sĩ, việc hình thành nang buồng trứng và sau đó tự vỡ là một giai đoạn trong chu kì kinh nguyệt bình thường của phụ nữ trong độ tuổi sinh sản.
Tuy nhiên, quá trình vỡ nang buồng trứng này có thể rối loạn dẫn đến biến chứng xuất huyết nang buồng trứng, với tỉ lệ tử vong khoảng 11%. Tỉ lệ gặp xuất huyết nang buồng trứng tăng lên ở các bệnh nhân sử dụng thuốc tránh thai nội tiết và đặc biệt là thuốc kháng đông trong điều trị các bệnh lí tim mạch.
Việc điều trị nang buồng trứng xuất huyết ở những người đang sử dụng kháng đông là một thử thách cho bác sĩ lâm sàng lý do, sử dụng kháng đông khiến xuất huyết nặng và khó cầm hơn.
Những bệnh nhân này thường có tỉ lệ tử vong cao. Đồng thời, thuốc kháng đông cùng bệnh lí tim mạch sẵn có như rung nhĩ, bệnh lí van tim cũng làm tăng nguy cơ biến chứng trong và sau cuộc phẫu thuật, đòi hỏi sự phối hợp của nhiều chuyên khoa như tim mạch, gây mê hồi sức, sản khoa và ngoại khoa trong quá trình điều trị và theo dõi.
Ở những phụ nữ trong độ tuổi sinh sản đang sử dụng thuốc kháng đông, nếu có các dấu hiệu như đau vùng bụng dưới mới xuất hiện kèm chảy máu âm đạo, sốt, da ẩm lạnh hoặc buồn nôn, mệt mỏi cần đến khám để tầm soát biến chứng nguy hiểm này. Nang buồng trứng xuất huyết có thể được phát hiện trên siêu âm bụng hoặc các kĩ thuật cao hơn như chụp cắt lớp vi tính vùng bụng.