Cụ thể, bệnh nhân Đ.T.L (62 tuổi; trú tại xã Quảng Hà, huyện Hải Hà, tỉnh Quảng Ninh) phát hiện đau đầu nhiều, mệt mỏi, chưa rõ đau ngực, sau đó được gia đình đưa vào Trung tâm Y tế huyện Hải Hà thăm khám, chụp cắt lớp vi tính sọ não kiểm tra. Tuy nhiên qua thăm khám, người bệnh không có bất thường nên được về nhà theo dõi; đáng chú ý bà L.chưa từng phát hiện bệnh lý mạn tính.
Khi về nhà, bà L. ngày càng đau đầu dữ dội kèm đau tức ngực và được người nhà chuyển đến cấp cứu tại Trung tâm Y tế huyện Hải Hà, với kết quả điện tim đồ có chênh ở chuyển đạo trước tim, nhịp tim chậm block nhĩ thất cấp III. Lúc này, bệnh nhân được xử trí thuốc tăng nhịp tim, chống đông và kháng tiểu cầu; đồng thời các bác sĩ Trung tâm Y tế liên hệ hội chẩn từ xa và chuyển lên Bệnh viện Đa khoa tỉnh tiếp tục điều trị.
Theo bác sĩ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh, bệnh nhân vào Khoa Hồi sức tích cực trong tình trạng tỉnh, khó thở nhiều, vã mồ hôi, da toàn thân tái lạnh, mạch nhanh, không đều, huyết áp thấp, điện tim đồ có chênh lên ở nhiều chuyển đạo trước tim, loạn nhịp phức tạp, có đoạn nhịp nhanh thất, men tim tăng động học. Bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị sốc tim, theo dõi nhồi máu cơ tim chưa loại trừ viêm cơ tim tối cấp.
Ngay sau đó, kíp bác sĩ Khoa Hồi sức nhanh chóng đặt nội khí quản, thở máy, đặt catheter tĩnh mạch trung tâm, đặt dụng cụ theo dõi huyết động PiCCO, dùng các thuốc vận mạch, trợ tim. Cùng với đó, bác sĩ phối hợp hội chẩn với chuyên Khoa Tim mạch và chỉ định chụp mạch vành cấp cứu. Kết quả cho thấy, bệnh nhân không có tắc mạch vành và người bệnh được can thiệp cấp cứu đặt máy tạo nhịp tạm thời.
Qua hội chẩn cùng kết quả chụp mạch vành, các bác sĩ chẩn đoán bà L. bị viêm cơ tim biến chứng sốc tim, rối loạn nhịp phức tạp. Tiếp đó, bệnh nhân được theo dõi hồi sức, sau 3h đánh giá tình trạng sốc và rối loạn nhịp của bà L. không cải thiện.
Trước tình trạng tối khẩn, Khoa Hồi sức tích cực quyết định áp dụng kỹ thuật ECMO-VA (kỹ thuật tim phổi nhân tạo phương thức hỗ trợ tuần hoàn) với sự phối hợp của các chuyên Khoa Tim mạch, Gây mê hồi sức, Ngoại lồng ngực.
Bệnh nhân được thiết lập đường vào mạch máu qua động mạch và tĩnh mạch đùi phải dưới sự hỗ trợ của bác sĩ phẫu thuật mạch. Kỹ thuật này giúp người bệnh suy tuần hoàn được hỗ trợ chức năng sống tạm thời trong khi chờ tim bị tổn thương phục hồi, giúp giành lại cơ hội sống cho người bệnh.
Sau 8 tuần điều trị tích cực bằng các phương pháp hồi sức hiện đại nhất, chức năng tim của bà L. dần cải thiện, chỉ số EF (phân suất tống máu) đạt 50%, kiểm soát rối loạn nhịp tim, bệnh nhân tỉnh, ý thức tốt. Hiện sau 2 tuần điều trị, bệnh nhân tự thở tốt, nói chuyện tiếp xúc, ăn uống vận động bình thường.
Bác sĩ CKI Lê Quang Khương-Phó khoa Hồi sức tích cực-Thận nhân tạo, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh cho biết: Các trường hợp sốc tim do viên cơ tim hoặc nhồi máu cơ tim cấp đều diễn biến rất nhanh và phức tạp, nguy cơ tử vong cao.
Đối với bệnh nhân L., mặc dù phía bệnh viện đã phối hợp đồng thời nhiều biện pháp hồi sức tích cực, như: Đặt nội khí quản, thở máy, đặt catheter tĩnh mạch trung tâm, theo dõi huyết động, dùng các thuốc vận mạch trợ tim, đặt máy tạo nhịp tạm thời… nhưng tình trạng không cải thiện, vẫn đe dọa tử vong cao. Do đó, các bác sĩ quyết định sử dụng phương pháp ECMO–VA (trong những kỹ thuật cao chuyên sâu và phức tạp nhất trong chuyên ngành hồi sức cấp cứu) và sự hồi phục của người bệnh đã minh chứng hiệu quả kỳ diệu của phương pháp này.
Xem thêm video đang được quan tâm:
Video Cán bộ y tế nói về cách sử dụng nước đúng, đủ, đều