Cứu sống người đàn ông nhồi máu cơ tim cấp, tiền sử hút thuốc lá nhiều năm

12-10-2019 19:22 | Camera bệnh viện

SKĐS - Bệnh nhân được chẩn đoán nhồi máu cơ tim cấp giờ thứ 3, đã nhanh chóng được kíp can thiệp liên khoa “giải cứu kịp thời”, thoát khỏi nguy hiểm tính mạng.

Ngày 10/10, kíp can thiệp tim Bệnh viện Đa khoa Đức Giang đã tiến hành can thiệp tim mạch kịp thời cứu sống bệnh nhân nhồi máu cơ tim cấp giờ thứ 3.

Bệnh nhân N.Đ.C trú tại Cự Khối – Long Biên – Hà Nội, có tiền sử hút thuốc lá nhiều năm, trước khi vào viện 2 giờ xuất hiện đau tức vùng thượng vị, kèm theo buồn nôn, đau lan xương ức, mệt mỏi. Bệnh nhân được chuyển vào theo dõi tại khoa Nội tổng hợp.

Sau khi vào viện tại khoa Nội tổng hợp 15 phút bệnh nhân xuất hiện đau ngực khó thở nhiều, đau ngực kèm theo vã mồ hôi, lan xuống thượng vị và sau lưng, mệt mỏi nhiều, bệnh nhân có biểu hiện kích thích nhẹ, huyết áp 110/70 mmHg. Khoa Nội tổng hợp nhanh chóng làm điện tâm đồ, hình ảnh điện tâm đồ theo dõi nhồi máu cơ tim tối cấp vùng trước rộng. Chẩn đoán sơ bộ bệnh nhân nhồi máu cơ tim cấp giờ thứ 2.

Các bác sĩ xử trí nhanh bằng phương pháp tiến hành mắc monitoring theo dõi sát điện tâm đồ; làm các xét nghiệm về bệnh lý mạch vành cấp; sử dụng phác đồ điều trị bệnh mạch vành cấp; đồng thời hội chẩn khẩn cấp với khoa Nội Tim mạch và Đơn nguyên can thiệp.

Các bác sĩ tiến hành can thiệp cho bệnh nhân.

Sau khi được nhận được tin có bệnh nhân nguy kịch, nhóm can thiệp tim mạch có mặt sau đề nghị hội chẩn tại giường của khoa Nội Tim mạch. Bệnh nhân được xác định nhồi máu cơ tim cấp giờ thứ 3 có biến chứng loạn nhịp thất (Do trên Monitoring có nhịp nhanh thất không bền bỉ). Lập tức bệnh nhân được đề nghị xóa rối loạn nhịp thất bằng Lidocain, đồng thời kết hợp với khoa Nội tổng hợp giải thích với người nhà phương án can thiệp tim mạch cấp cứu.

Sau khi nghe giải thích về bệnh lý và phương pháp điều trị người nhà bệnh nhân đồng ý làm can thiệp cấp cứu. Nhóm can thiệp xin ý kiến lãnh đạo bệnh viện đồng thời khởi động quy trình can thiệp cấp cứu. Sau khi phát động cấp cứu, đúng 10 phút sau Đơn vị can thiệp đã sẵn sàng đón bệnh nhân.

Sau 20 phút bệnh nhân được chuyển từ khoa Nội tổng hợp xuống đơn vị can thiệp. Kíp can thiệp tim mạch do bác sĩ Nguyễn Mạnh Thắng – Trưởng khoa Nội tim mạch cùng các kĩ thuật viên, tiến hành các thủ tục cần thiết nhanh gọn, bắt đầu chụp và can thiệp mạch vành. Kết quả chụp động mạch vành qua da: Tắc cụt hoàn toàn động mạch liên thất trước bắt đầu từ đoạn I. Kíp Can thiệp cùng chuyên gia giải thích nguyên nhân, nguy cơ khi can thiệp và gia đình đồng ý đặt stent động mạch vành.

Sau 45 phút kíp can thiệp đã tiến hành hút huyết khối động mạch vành, nong bóng vùng hẹp, can thiệp 01 stent phủ thuốc tại vị trí LAD I-II. Kết quả can thiệp tốt, bệnh nhân hết đau ngực, không rối loạn nhịp, huyết động ổn định.

Hình ảnh sau can thiệp.

Sau ca can thiệp, bệnh nhân N.Đ.C được chuyển về khoa Hồi sức chống độc để tiếp tục được theo dõi sát, nhịp tim, tình trạng đau ngực, biến đổi điện tâm đồ, men tim. Đồng thời Nhóm can thiệp tim mạch thường xuyên theo dõi nới băng ép, điều chỉnh thuốc.

Bác sĩ Nguyễn Mạnh Thắng cho biết: “Đây là ca đầu tiên can thiệp cấp cứu được kết nối bởi nhiều khoa phòng và đã thành công. Các tua trực đã kịp thời xử trí cấp cứu nhanh, kịp thời cứu sống bệnh nhân thoát khỏi tình trạng nguy kịch.”

Bệnh nhân sau 24 giờ can thiệp ổn định sẽ chuyển sang khoa Nội Tim mạch theo dõi, điều chỉnh thuốc, đánh giá lại các thông số về chức năng tim, xét ra viện sau 72 giờ nếu không có biến cố bất thường.

Theo các bác sĩ, bệnh lý tim mạch là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong trên toàn thế giới. Các bệnh về tim mạch đều nguy hiểm nhưng lại có thể phòng ngừa bằng cách tránh các yếu tố nguy cơ, xử lý kịp thời ngay khi nhận diện các dấu hiệu sớm của bệnh lý…
Để phòng ngừa các bệnh lý tim mạch, các bác sĩ khuyến cáo cần phải thay đổi các thói quen hay lối sống như: bỏ thuốc lá (nếu hút thuốc); tập thể dục thường xuyên và thích hợp: tốt nhất là 1 giờ/ngày, ít nhất 3 ngày/tuần; tránh các stress (căng thẳng trong cuộc sống, công việc); ăn giảm muối, không ăn mỡ và các phủ tạng động vật; hạn chế ăn nhiều đồ ngọt, tránh tăng cân.
Điều trị tốt một số bệnh lý có liên quan trực tiếp đến bệnh động mạch vành như: đái tháo đường; tăng huyết áp; rối loạn lipid máu và béo phì.
Tuân thủ tốt các hướng dẫn điều trị, đặc biệt với các bệnh nhân cần dự phòng tái phát bệnh.


Lê Nguyên
Ý kiến của bạn