Cứu sống người đàn ông cùng lúc mắc lao cột sống, lao phổi, suy thận từ Mỹ về Việt Nam điều trị

14-11-2023 09:03 | Camera bệnh viện
google news

SKĐS - Bệnh nhân được chẩn đoán lao cột sống ngực nặng, liệt một phần hạ chi, kèm lao phổi, suy thận nặng, suy dinh dưỡng, nguy cơ tử vong cao.

Ngày 13/11, BSCKII Hồ Nhựt Tâm - Chủ tịch Hội Cột sống TPHCM, Trưởng Đơn vị cột sống Bệnh viện Trưng Vương cho biết, đơn vị này vừa cứu sống kịp thời một bệnh nhân bị lao cột sống ngực kèm lao phổi ở thể nặng.

Bệnh nhân Đ.N.C., 60 tuổi, định cư ở Mỹ. Đầu năm 2022, bệnh nhân mắc cúm mùa và điều trị kéo dài nhưng không khỏi, ăn uống kém (sụt từ 68 kg xuống còn 55 kg). Bệnh nhân có triệu chứng mệt, tim đập nhanh, bí tiểu.

Giữa năm 2022, sức khỏe ông C. suy yếu nên gia đình quyết định đưa ông C. từ Mỹ về Việt Nam. Ngay sau đó, gia đình đưa bệnh nhân đi khám bệnh ở nhiều phòng khám chuyên khoa và bệnh viện lớn ở TPHCM. Tại đây, ông C. được chẩn đoán bị nhiễm trùng máu, sốt co giật, phổi thâm nhiễm, suy hô hấp có thể nguy hiểm tính mạng. Tiếp đó, ông C. được chẩn đoán ung thư phổi giai đoạn 4, không còn hy vọng cứu chữa. Bế tắc, gia đình đưa ông C. về nhà điều trị bằng Đông y.

Sau 7 tháng chữa chữa trị Đông y, bệnh tình ông C. không khỏi, tình trạng bệnh càng nặng hơn, sức khỏe suy kiệt và có dấu hiệu bị đau cột sống. Vào mùng 8 Tết năm 2023, gia đình quyết định đưa bệnh nhân nhập viện Bệnh viện Trưng Vương.

Tại đây, sau khi thăm khám, bệnh nhân được chẩn đoán lao cột sống ngực nặng, liệt một phần hạ chi, kèm lao phổi, suy thận nặng, suy dinh dưỡng, nguy cơ tử vong cao. Bệnh nhân được hội chẩn nhiều chuyên khoa liên quan để điều trị suy thận, nâng đỡ thể trạng, tập thở, xoay trở thường xuyên tránh loét da vùng mông, ngực, thắt lưng. 

Sau đó bệnh nhân được tiến hành điều trị thuốc kháng lao cho lao cột sống và lao phổi, chức năng thận dần dần được cải thiện, thể trạng tạm ổn, bệnh nhân được xuất viện và theo dõi kỹ.

Cứu sống bệnh nhân bị lao cột sống kèm lao phổi, nguy kịch tính mạng- Ảnh 1.

Khối áp xe bệnh nhân rất lớn, ăn thông từ đốt sống bị hủy ngực 11, 12 chèn ép lên thận phải, gây suy thận.

Sau 7 tháng điều trị lao cột sống và lao phổi, bệnh nhân đáp ứng với điều trị lao tốt. Một tháng trước khi nhận viện lại, bệnh nhân đau nhiều vùng cột sống ngực, thắt lưng, liệt gần hoàn toàn 2 chân, xoay trở đau, không thể ngồi được.

Tại Đơn vị cột sống Bệnh viện Trưng Vương, bệnh nhân được hội chẩn với các bác sĩ chuyên khoa.

Ngày 27/10/2023, bệnh nhân được phẫu thuật 2 lối trong 1 tư thế nằm ngang, lối trước lấy hết hoàn toàn đốt sống lao ngực 11, 12, giải phóng hoàn toàn tủy sống ngực. Lối sau cố định ốc chân cung, nắn chỉnh còng cột sống ngực, thắt lưng theo phương pháp Giáo sư Võ Văn Thành.

Cứu sống bệnh nhân bị lao cột sống kèm lao phổi, nguy kịch tính mạng- Ảnh 2.

Ê-kíp bác sĩ Đơn vị Cột sống, Bệnh viện Trưng Vương phẫu thuật cho bệnh nhân Đ.N.C.

Ca mổ kéo dài hơn 8 giờ, trong và sau phẫu thuật bệnh nhân được sự theo dõi chặt chẽ của BSCKII Đoàn Kim Huyên - Trưởng khoa gây mê, hồi sức Bệnh viện Trưng Vương. Bốn ngày hậu phẫu sức khỏe bệnh nhân ổn, hậu phẫu ngày thứ 20, bệnh nhân tự đứng được và đi trên khung tập đi.

BSCKII Hồ Nhựt Tâm - Trưởng Đơn vị cột sống Bệnh viện Trưng Vương, là người trực tiếp phẫu thuật cho bệnh nhân cho biết, sau phẫu thuật 3 tuần, bệnh nhân đã được phục hồi hạ chi, cơ vòng, bớt đau nhiều vùng cột sống ngực-thắt lưng. Bệnh nhân ngồi và tự đứng được trên khung tập đi, tiếp tục điều trị thuốc kháng lao, tập thở, tập vật lý trị liệu, dinh dưỡng, tái khám thường xuyên…

Theo bác sĩ Hồ Nhựt Tâm, các nghiên cứu về lao cột sống thì lao cột sống không kèm lao phổi chiếm khoảng 10%. Lao cột sống chiếm hơn 50% số ca bị lao xương khớp nói chung. Tỷ suất mắc lao cột sống ngực thấp và lao thắt lưng cao (chiếm hơn 90% số ca bị mắc lao cột sống). Tỷ lệ lao cột sống kèm lao phổi từ 14,37-28%.

Triệu chứng của lao cột sống là đau mỏi khắp người, sốt về chiều, ăn không ngon, sụt cân, đau lưng, mỏi lưng, gù và còng cột sống. Bên cạnh đó, bệnh nhân bị chèn ép thần kinh, tê bì lan dọc dây thần kinh chèn ép, gây yếu hoặc liệt chi, rối loạn cơ vòng, áp xe dò mủ ra da.

Lao cột sống thường có độ tuổi từ 20-40 và trên 60, nam thường gặp hơn nữ. Để phòng chống, người dân nên đeo khẩu trang, hạn chế tiếp xúc người bệnh lao, tuân thủ điều trị lao phổi và các cơ quan để hạn chế các yếu tố nguy cơ như đái tháo đường, HIV, ung thư, hút thuốc, nghiện rượu….

Lao cột sống có nguy hiểm?Lao cột sống có nguy hiểm?

SKĐS - Năm nay tôi 48 tuổi, bị đau lưng kéo dài. Đi khám phát hiện bị mắc lao cột sống nên tôi rất lo lắng. Xin quý báo cho biết bệnh có nguy hiểm và gây biến chứng không?


Kim Vân
Ý kiến của bạn